Mua bán hóa đơn GTGT khống: Định tội không khó

Phản ánh chuyện các cơ quan tố tụng thiếu thống nhất khi xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) hiện nay. Có nơi áp dụng Thông tư liên tịch số 21 ngày 23-11-2004 của Bộ Công an - TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Tư pháp để định tội danh theo mục đích, động cơ phạm tội. Có nơi lại chỉ áp dụng Điều 264a BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 để định tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước bất kể mục đích, động cơ phạm tội là gì…

Trước hết cần khẳng định Thông tư 21 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi mua, bán, sử dụng trái phép hóa đơn GTGT trong thời điểm BLHS năm 1999 chưa được sửa đổi, bổ sung. Về nguyên tắc, khi BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì các hướng dẫn đối với các điều khoản được sửa đổi, bổ sung sẽ không còn hiệu lực. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn của Thông tư 21 đối với tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả theo Điều 181 vẫn còn phù hợp nên các cơ quan tố tụng có thể vận dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua hóa đơn GTGT mà hóa đơn đó đã được ghi đầy đủ như đã mua bán hàng hóa. Riêng trường hợp mua bán hóa đơn GTGT chưa ghi đầy đủ như đã mua bán hàng hóa thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước theo Điều 268 như Thông tư 21 hướng dẫn nữa mà truy cứu về tội "... mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" theo Điều 164a.

Việc nhà làm luật quy định thêm Điều 164a là để xử lý các trường hợp tuy có hành vi mua bán hóa đơn GTGT nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 181. Trước đây, việc ban hành Thông tư 21 cũng xuất phát từ thực tiễn xét xử có nhiều vướng mắc khi áp dụng Điều 181. Nay BLHS sửa đổi, bổ sung đã có Điều 164a thì việc xử lý hành vi mua bán hóa đơn GTGT thiết nghĩ không còn vướng mắc.

Để phân biệt giữa hành vi mua bán hóa đơn GTGT trường hợp nào thuộc Điều 181, trường hợp nào thuộc Điều 164a thì chỉ cần xác định xem hóa đơn GTGT mà người phạm tội mua bán đã ghi đầy đủ như đã mua bán hàng hóa hay chưa. Nếu đã ghi đầy đủ như đã mua bán hàng hóa thì thuộc Điều 181, còn chưa ghi đầy đủ như đã mua bán hàng hóa thì thuộc Điều 164a. Nếu người mua hóa đơn GTGT rồi viết các nội dung vào đó để sử dụng vào các mục đích khác nhau thì tùy trường hợp mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội phạm tương ứng. Trong trường hợp này, người mua hóa đơn GTGT có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: thứ nhất là tội "… mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" theo Điều 164a, thứ hai là tội phạm tương ứng với mục đích sử dụng hóa đơn như tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, buôn lậu...

Sau khi BLHS được sửa đổi, bổ sung năm 2009, TAND Tối cao đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn quán triệt tới các thẩm phán về dấu hiệu phân biệt giữa hành vi phạm tội quy định tại Điều 181 với hành vi phạm tội quy định tại Điều 164a. Tại các hội nghị tổng kết công tác xét xử hằng năm, TAND Tối cao cũng quán triệt tới từng đại biểu. Tạp chí TAND cũng đăng tải nhiều bài viết về hai điều luật này. Vì vậy, việc áp dụng thiếu thống nhất là do nhận thức của các thẩm phán giải quyết từng vụ việc.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm