Một tình tiết không áp dụng hai lần

Mới đây, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo, cho bị cáo Trần An Bình được hưởng sáu tháng tù treo về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở (Điều 270 BLHS).

Xây nhà không phép, bị kết án

Theo hồ sơ, ngày 20-4-2012, Thanh tra xây dựng xã Bình Hưng (Bình Chánh) lập biên bản vi phạm hành chính đối với Bình về hành vi xây dựng nhà không phép và buộc ngừng thi công xây dựng trên phần đất 70 m2, kết cấu bê tông cốt thép, tường gạch, mái tôn. Đến tháng 5, UBND xã đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Bình về hành vi trên.

Tháng 7-2012, Bình đã được trực tiếp tống đạt quyết định trên. Nhưng ba tháng sau, Bình vẫn tiếp tục xây nhà ở không giấy phép trên một phần thửa trên kết cấu bê tông cốt thép, tường gạch, mái tôn. Với hành vi tiếp tục vi phạm này, chính quyền địa phương đã chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý.

Tại cơ quan điều tra, Bình thừa nhận tháng 1-2012 đã xây dựng hai công trình nhà không có giấy phép xây dựng trên đất của mình và bị xử phạt hành chính. Đến tháng 10-2012, Bình tiếp tục xây sáu công trình nhà không phép để làm nhà trọ tại phần đất trên. Từ đó, Bình đã bị khởi tố, truy tố về tội danh trên.

Xử sơ thẩm cuối tháng 5, TAND huyện Bình Chánh nhận định hành vi của bị cáo xâm phạm đến chế độ quản lý nhà ở, quản lý hoạt động xây dựng nhà ở của Nhà nước. Vì không tuân thủ quy định của pháp luật nên bị cáo cố tình thực hiện hành vi phạm tội như trên. Bị cáo trực tiếp thuê công nhân xây dựng trực tiếp giám sát, quản lý toàn bộ công trình không phép. Hơn nữa, bị cáo từng bị xử phạt hành chính về hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng vẫn cố tình vi phạm nên phạm tội như VKS truy tố. Từ đó, tòa tuyên phạt bị cáo sáu tháng tù.

Bình kháng cáo xin hưởng án treo. Tại phiên xử phúc thẩm ngày 6-8 vừa qua, đại diện VKS đã đề nghị tòa y án sơ thẩm vì nhận định mức án sơ thẩm xử không nặng, hơn nữa tình trạng xây nhà không phép tại Bình Chánh đang diễn biến phức tạp nên cần xử nghiêm. Tuy nhiên, tòa nhận định bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt... nên chấp nhận yêu cầu chuyển án treo cho bị cáo.

Không thể cứng nhắc áp dụng hướng dẫn

Trong phiên phúc thẩm có một tình tiết đáng chú ý khi đại diện VKS đặt vấn đề: Hiện với các trường hợp xây nhà không phép vì đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, dù bị cáo có nhân thân tốt, nhiều tòa cấp quận, huyện vẫn không dám mạnh dạn cho bị cáo hưởng án treo vì vướng quy định tại Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo). Theo hướng dẫn, chỉ có thể xem xét cho hưởng án treo trong trường hợp người phạm tội đã bị xử lý hành chính về hành vi có cùng tính chất với hành vi phạm tội lần này mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá một năm. Trong khi đó, các trường hợp xây nhà không phép bị xử lý hình sự như Bình đều bị xử phạt hành chính chưa quá một năm (tình tiết định tội bắt buộc).

Chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia về vấn đề này.

Theo TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM), cần tách bạch rõ ràng một nguyên tắc hình sự: Một tình tiết đã là tình tiết định tội thì không thể tiếp tục áp dụng để xem xét trong việc quyết định hình phạt vì gây bất lợi cho bị cáo. Trong các vụ xây nhà không phép, tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” là tình tiết định tội nên khi quyết định hình phạt (bao gồm cả việc xét cho hưởng án treo hay không), tòa không được tiếp tục áp dụng tình tiết đó để xem xét nữa. Nghĩa là tòa không thể cứng nhắc áp dụng hướng dẫn trong Nghị quyết 01/2013.

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) cũng đồng tình với quan điểm này. Một thẩm phán TAND TP.HCM còn nhận xét: “Với các trường hợp mà tình tiết định tội là tình tiết “đã bị xử phạt hành chính”, nếu cứ cứng nhắc áp dụng hướng dẫn trong Nghị quyết 01/2013 thì các bị cáo sẽ không bao giờ được hưởng án treo cả”.

HOÀNG YẾN

Hướng dẫn đã hợp lý?

Trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật thì được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật nhưng không phải là có nhân thân tốt. Việc cho hưởng án treo đối với những trường hợp này phải hết sức chặt chẽ. Chỉ có thể xem xét cho hưởng án treo khi thuộc một trong các trường hợp sau:

b9) Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật về hành vi có cùng tính chất với hành vi phạm tội lần này mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá một năm;

(Theo điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)

Ngày 11-8, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm, sửa án sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh, cho bị cáo Trần Quốc Thạnh được hưởng một năm sáu tháng tù treo về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.

Theo hồ sơ, Thạnh là giám đốc một công ty xây dựng, được người quen ký hợp đồng xây 23 căn nhà không có giấy phép để cho thuê. Tháng 5-2013, Thanh tra xây dựng huyện Bình Chánh kết hợp cùng Thanh tra xây dựng xã Bình Hưng đã kiểm tra các công trình trên, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công, chuyển vụ việc đến Công an huyện Bình Chánh.

Quá trình điều tra, trước đó Thạnh từng hai lần bị UBND huyện Bình Chánh xử phạt về hành vi xây dựng nhà riêng lẻ đô thị không giấy phép xây dựng. Cả hai lần trên Thạnh đều chưa nộp tiền phạt.

Theo tòa phúc thẩm, xét hai lần vi phạm trước, bị cáo xây nhà để ở, không nhằm mục đích kinh doanh, thu lợi nhuận, đã đóng tiền xử phạt sau khi có bản án sơ thẩm nên tòa chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm