ĐI XEM THAI-LEAGUE - BÀI CUỐI:

Mối quan hệ giữa CLB, nhà tài trợ và khán giả

Từ năm 2012, LĐBĐ châu Á (AFC) thực hiện những chuyến khảo sát và đều đánh giá cao Thai-League.

Nguyên tắc bất di bất dịch

Chứng thực cho sự đánh giá cao tính chuyên nghiệp đó là Thai-League 2013 có hai suất dự AFC Champions League so với hồi 2010, Thai-League chỉ được… nửa suất (CLB Muangthong United sang Việt Nam đá play off với SHB Đà Nẵng). Cũng cần nói thêm rằng ngoài Thái Lan, Đông Nam Á hiện nay chưa được AFC cấp suất trọn vẹn đá Champions League và điều này cũng phù hợp với việc Thai-League được ghi nhận là giải đấu số 1 Đông Nam Á.

Trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á tham dự AFC Cup (giải đấu cấp thấp hơn Champions League) với kiểu đá bỏ mà rõ nhất là các CLB Việt Nam thì hiện nay Buriram United của Thai-League chơi Champions League với nhiều ông lớn ở châu Á và đang vào tứ kết giải đấu danh giá nhất châu Á này.

Thai-League gắn với “cha đẻ” là “tổng công trình sư” Ong Art Kosingkha sau chuyến học tập từ Anh và mời nhiều chuyên gia ở Anh về tham gia điều hành giải đấu ở Thái Lan đã tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch là mối quan hệ giữa CLB, các cổ động viên - những người nuôi CLB, nuôi cầu thủ và nhà tài trợ. Mối quan hệ này được xem như môi và răng vì thế nên các nhà điều hành bóng đá Thái Lan khẳng định rằng sẽ không có chuyện bỏ cuộc hay bỏ đội bóng vì mối liên kết cộng sinh cho dù ông bầu của đội bóng có chán bóng đá hay có phá sản thì đội bóng vẫn sống bởi CLB không sống bằng “ống thở” duy nhất từ ông bầu như bóng đá Việt Nam hiện nay.

Mối quan hệ giữa CLB, nhà tài trợ và khán giả ảnh 1

Người hâm mộ và nhà tài trợ như thế này thì đội bóng không thể bỏ giải. Ảnh: HÙNG HUYỀN

Thai-League quy định rất chặt chẽ quy định đảm bảo của một CLB gắn với ba giải nội địa tổ chức hệt như người Anh điều hành Premier League. Ba giải nội địa ở Thái gồm Thai-League (18 đội), FA Cup (còn gọi Cúp Quốc gia với 36 đội tham dự) và League Cup (có cả những đội phong trào nhưng hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp). Với ba giải này buộc các CLB phải chuẩn bị lực lượng chu đáo. Các cầu thủ trẻ được tạo cơ hội ra sân nhiều ở hai giải đấu kém khốc liệt hơn là FA Cup và League Cup. Đấy cũng là sân chơi và cơ hội cho những cầu thủ trẻ rèn luyện thường xuyên để tiếp tục phát triển để đủ phẩm chất lên một A.

Để chuẩn bị cho một mùa giải với ba giải đấu trên, mỗi CLB ít nhất đăng ký 45 cầu thủ, điều này đồng nghĩa cơ hội cho nhiều cầu thủ ở mỗi CLB là rất cao.

Phiên bản 2.0 của Thai-League ra đời năm 2008 cùng sự ra đời của Công ty điều hành giải đấu (giống VPF của Việt Nam) mang tên Thai Premier League Co. Utd. Cùng với đó là hình thức các CLB phát triển các chiến lược chuyên nghiệp chung quy lại là kiếm tiền và thu hút nhà tài trợ. Điều này theo LĐBĐ Thái Lan giải thích là để đội bóng không lệ thuộc vào một ông bầu mà thay vào đó là sống và phát triển như một công ty, một tập đoàn có thu và có lãi.

Cẩn trọng đi từng bước

Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng đoàn bóng đá Muangthong - Ronarith tâm sự sau trận thắng Bangkok United 3-2: “Khác với Việt Nam lên thẳng chuyên nghiệp, bóng đá Thái đi từng bước, ban đầu là bán chuyên nghiệp (semi-pro), sau đó chúng tôi mới lên chuyên nghiệp khi thấy mô hình và công tác vận hành hoàn thiện cùng khả năng tài chính dồi dào, thu hút được người hâm mộ, từ đó kéo những nhà tài trợ đến ngày một đông hơn…”. Ronarith còn thú nhận là bóng đá Thái Lan trước khi thành công ở Thai-League thì Việt Nam cũng là một trong những quốc gia mà họ cử chuyên gia sang học tập và ứng dụng những phần hay vào, trong đó điều họ học và thực hiện được là đưa Thai-League từ một giải đấu gói gọn trong Bangkok thành một giải phát triển rộng trên toàn lãnh thổ Thái Lan và lôi kéo được cả khán giả Lào sang với Thai-League bằng chiêu riêng.

Rõ nhất là đội bóng tỉnh Khonkaen nằm gần biên giới Lào. Ban đầu mỗi trận đấu, lượng khán giả rất ít và thậm chí là có trận người làm nhiệm vụ nhiều hơn khán giả. Và dưới sự tư vấn của LĐBĐ Thái Lan cùng những chuyên gia bóng đá, chuyên gia kinh tế, đội bóng này đã mời ba tuyển thủ Lào ký hợp đồng đá cho CLB của mình. Cũng cần biết là song song đó điều lệ Thai-League mở rộng việc xem các cầu thủ Lào như cầu thủ nội địa, không tính vào danh sách cầu thủ ngoại.

Có tuyển thủ Lào đá cho CLB Thái Lan, thế là khán giả Lào lũ lượt đến sân xem Thai-League. Sân bóng từ hiu quạnh đã trở nên đông đúc quá tải khiến CLB này phải bỏ sân vận động có sức chứa khoảng 10.000 người để xây sân mới có sức chứa hơn 20.000 khán giải nhằm đáp ứng lượng người xem. Cũng từ đó, những doanh nghiệp, những thương hiệu nổi tiếng thậm chí là các công ty ở Lào phải “mò” sang ký hợp đồng tài trợ lẫn quảng cáo với CLB này.

Mối quan hệ giữa CLB - khán giả - nhà tài trợ hình thành từ chiến lược của những nhà làm bóng đá Thái Lan như thế.

Ban đầu người Thái khi đưa nền bóng đá lên bán chuyên rồi chuyên nghiệp cũng gặp khó khăn lớn về tài chính khi nhiều CLB không nuôi nổi mình; không tìm ra nguồn tài trợ đủ mạnh và huy động sự hậu thuẫn lớn từ cổ động viên. Rõ nhất trong thời điểm đấy là những năm 2002, hàng loạt cầu thủ Thái Lan như Kiatisak, Chikiat, Sakda, Issawa… sang Việt Nam cùng nhiều cầu thủ khác chọn Singapore, Indonesia, Malaysia làm nơi để hành nghề. Sau đó, khi bóng đá Thái nâng cấp phiên bản 2.0 với mô hình như người Anh sau khi cử người của mình học tập và ứng dụng rồi mời cả nhiều chuyên gia từ Anh qua giúp cả trong công tác tổ chức lẫn điều hành và kiếm tiền từ bóng đá thì từ 2008, lần lượt các cầu thủ Thái đã bỏ những CLB ở Đông Nam Á để trở về “tắm ao nhà”.

Chính tuyển thủ Thái Lan Kiatisak giờ đang là HLV đội tuyển U-23 Thái Lan chuẩn bị dự SEA Games 27 cũng phải thừa nhận rằng những năm 2000 khi anh qua Việt Nam dự V-League thì Thai-League thua xa V-League nhưng nay thì đúng là Thai-League đã phát triển vượt bậc với sự phát triển chắc chắn của các CLB. Kiatisak vẫn khiêm tốn không nhắc đến từ số 1 Đông Nam Á mà thay vào đó là sự phát triển tốt và đúng hướng.

Với kiểu đi sau nhưng về trước của người Thái rất đáng để bóng đá Việt Nam nhìn vào và định dạng lại phiên bản cho chính mình.

Tôi hỏi Trưởng đoàn bóng đá Muangthong - Ronarith: “CLB Muangthong của anh đang ở đâu so với tình hình chung của bóng đá châu Á?”. Ronarith trả lời dí dỏm: “Đang ở trên ngọn cây”. Sau đó Ronarith giải thích: “Sáu năm trước, CLB Muangthong ra đời, được xây dựng trên nền tảng một đội bóng trẻ, chiêu mộ nhiều tài năng bóng đá Thái Lan đang lưu lạc khắp mọi nơi như Thonglao, Dangda trở về, cùng một số ngoại binh chất lượng cao.

Mối quan hệ giữa CLB, nhà tài trợ và khán giả ảnh 2

Tác giả trao đổi với lãnh đạo CLB Muangthong ngay trên sân bóng. Ảnh: ANH SANG

Chúng tôi xây dựng sân bóng từ quỹ đất đai do chính chúng tôi có (điều này khác với một số ông bầu Việt Nam lập đội bóng chỉ để xin Nhà nước cấp đất - PV). Tôi mê bóng đá Anh, nên gửi nhân viên sang Anh học cách làm bóng đá về quản lý CLB của mình nhưng đến giờ thì tôi thấy mình vẫn còn phải học nhiều nên tại sao tôi nói Muangthong vẫn còn đang lơ lửng trên cây”.

MH

MINH HÙNG - TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm