VỤ NGUYÊN PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ Ở LÂM ĐỒNG TÔNG XE CHẾT NGƯỜI

Miễn trách nhiệm hình sự là sai luật

Sự kiện VKSND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ra quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Mai Nam Dương - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, lái xe tông chết một người và làm bị thương ba người - đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người, không chỉ trong giới tố tụng.

Theo VKS, ông Dương tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường cho các nạn nhân hơn 1 tỉ đồng và đặc biệt được người bị hại bãi nại nên viện miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án và đề nghị xử phạt hành chính ông Dương.

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với các chuyên gia pháp lý xung quanh quyết định gây tranh cãi này. Hầu hết các chuyên gia pháp lý đều nhận định quyết định trên của VKSND Đà Lạt là sai luật.

Không thuyết phục!

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), người gây tai nạn giao thông làm chết một người, làm bị thương nặng ba người trong tình trạng uống nhiều rượu bia phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 202 BLHS về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.Theo quy định của BLTTHS, tội danh này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (Điều 105). Vì vậy, việc người bị hại bãi nại không phải là căn cứ để đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can và miễn trách nhiệm hình sự.

Miễn trách nhiệm hình sự là sai luật ảnh 1

Hiện trường vụ tai nạn giao thông do ông Mai Nam Dương (nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng) gây ra làm chết một người và bị trọng thương ba người. Ảnh: MINH CHÂU

Đồng quan điểm, một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao phân tích: Việc miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25 BLHS được áp dụng khi quá trình điều tra, truy tố, xét xử, do chuyển biến của tình hình, hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Hoặc trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai báo rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm thì cũng có thể miễn trách nhiệm hình sự.

Như đã viện dẫn, trường hợp của ông Dương không thuộc một trong các điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự. Vì vậy, việc VKSND TP Đà Lạt đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự cho ông Dương là không thuyết phục.

Tình hình chẳng có gì chuyển biến

Đi sâu hơn, kiểm sát viên này phân tích khái niệm “chuyển biến của tình hình” phải được xác định là yếu tố khách quan đối với vụ án chứ không phải do cơ quan tố tụng hoặc người phạm tội đặt ra.

Có hai trường hợp “chuyển biến của tình hình”. Chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là trường hợp do chính sách xử lý về pháp luật hình sự có thay đổi theo hướng hành vi sai trái đã bị khởi tố, điều tra, truy tố không còn đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc không còn quy định là tội phạm. Ví dụ trước đây hành vi trộm cắp tài sản trị giá từ 500.000 đồng trở lên thì đã có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng với quy định hiện nay, trị giá tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên thì mới bị truy cứu.

Thứ hai, chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là trường hợp người phạm tội bị tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo, tâm thần dẫn đến bại liệt, bại não… hoặc một số trường hợp khác theo quy định hiện hành.

Trong vụ án này, người có hành vi phạm tội đã gây tai nạn làm chết người và ba người bị thương, hậu quả rất nguy hiểm. Hơn nữa, Chính phủ chủ trương tìm mọi cách để giảm tai nạn giao thông thì không thể xác định hành vi trên là đã không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Nói tóm lại, hành vi lái xe có nồng độ rượ u bia vượt mức cho phép, chạy xe tốc độ cao vi phạm luật giao thông rồi gây tai nạn làm chết người là hành vi rất nguy hiểm.

Bồi thường, bãi nại chỉ là tình tiết giảm nhẹ

Thẩm phán Phạm Công Hùng phân tích: Ông Dương có hai tình tiết định khung, một là có nồng độ cồn đo được tại thời điểm gây tai nạn vượt ngưỡng cho phép 0,644 miligam/lít khí thở và hai là làm chết một người và làm ba người khác bị trọng thương. Chiếu theo quy định hiện hành, người phạm tội có thể bị phạt tù tới 10 năm, thuộc loại tội rất nghiêm trọng.

Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) bàn thêm: TAND Tối cao còn có văn bản hướng dẫn các tòa cấp dưới là những trường hợp gây tại nạn giao thông dẫn đến chết người là phải tuyên án giam chứ không được cho hưởng án treo. “Đến án treo mà còn không được xem xét thì nói gì đến miễn trách nhiệm hình sự” - luật sư Sang nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc bồi thường chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi lượng hình chứ không phải là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. Tình tiết người bị hại bãi nại cũng vậy, nó chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 BLHS. Tình tiết người phạm tội đã khắc phục hậu quả cũng thế, đó chỉ là tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS. Việc ông Dương sau khi gây tai nạn đã đến cơ quan công an trình diện cũng chỉ được xem là tình tiết “đầu thú” và được áp dụng theo khoản 2 Điều 46 BLHS.

“Tôi nghĩ trường hợp này mà miễn trách nhiệm hình sự và đình chỉ điều tra là sai luật nghiêm trọng. Nó vừa gây phản cảm trong dư luận nhân dân, vừa đi ngược với yêu cầu xử nghiêm của Nhà nước trong nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông” - luật sư Sang nói.

Công an yêu cầu truy tố, viện lại đình chỉ

Chiều 22-5, ông Mai Nam Dương (nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng) lái ô tô loại bảy chỗ chạy tốc độ cao từ đường Lê Hồng Phong đến ngã ba giáp đường Trần Phú. Khi đến trước khách sạn Sammy Đà Lạt, xe ông Dương đã băng qua dải phân cách và tông liên tiếp ba xe máy đang lưu thông cùng chiều trên đường Trần Phú. Hậu quả làm anh Trương Văn Hiến bị văng xa 10 m và chết tại chỗ. Ba nạn nhân khác bị trọng thương gồm Phạm Thị Đan Thanh, Nguyễn Thị Hạnh Nguyên và anh Nguyễn Văn Minh.

Theo kết quả điều tra, khi tai nạn xảy ra, ông Dương có nồng độ cồn đo được vượt ngưỡng cho phép 0,644 miligam/lít khí thở nên không làm chủ tốc độ và thiếu quan sát khi điều khiển xe. Công an TP Đà Lạt đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Dương về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS. Đầu tháng 11, Cơ quan điều tra Công an TP Đà Lạt kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ, đề nghị VKS cùng cấp truy tố ông Dương. Tuy nhiên, sau đó VKSND TP Đà Lạt đã ra quyết định đình chỉ.

Khi bị khởi tố, ông Dương cũng không bị áp dụng biện pháp tạm giam vì cho rằng bị can có nhân thân tốt và có quá trình công tác nhiều thành tích.

Xem xét hình sự người đình chỉ?

Từ trước tới nay, tôi chưa từng thấy trường hợp nào miễn trách nhiệm như trường hợp này. Hành vi phạm tội của ông Dương là rất rõ ràng, không thể chối cãi được. Việc VKSND TP Đà Lạt không truy tố ông Dương là hành vi vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Trong trường hợp này, cần phải xem xét và khởi tố người ra quyết định đình chỉ vụ án về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo Điều 294 BLHS. Điều 294 BLHS quy định: “Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội thì bị phạt tù…”.

Luật sư HOÀNG CAO SANG, Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm