Mạnh thường quân thầm lặng

Vươn lên từ nghèo khó

Chị Hiền sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Quảng Ngãi. Ba tuổi, chị đã cùng gia đình vào Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) để mưu sinh. Xứ lạ quê người, cuộc sống bấp bênh nên sau bảy năm, gia đình chị lại quay trở về quê. Cuộc sống đưa đẩy, gia đình phải di chuyển lên Đà Lạt. Nhiều năm sau, chị lấy chồng rồi đến quê chồng ở Quy Nhơn (Bình Định), bắt đầu công việc buôn thúng bán bưng tại các chợ phiên. Nhưng cái khổ cứ đeo đẳng gia đình chị. Khi chị sinh được người con trai đầu lòng thì chồng mất do chiến tranh.

Năm 1976, chị lại trở vào Sài Gòn và tiếp tục mưu sinh bằng nghề buôn bán đường dài theo tàu Bắc-Nam. Rồi chị đi bước nữa. Công việc làm ăn buôn bán thua lỗ, tài sản mất hết. Chồng sau của chị cũng đã nghỉ việc và mang căn bệnh nặng suốt nhiều năm. Cái tận cùng của sự nghèo khổ cứ đeo bám. Có lúc chị đã nghĩ đến con đường quyên sinh để tự giải thoát.

Mạnh thường quân thầm lặng ảnh 1

Chị Hiền (trái) động viên thí sinh thi cử tốt. Ảnh: THÀNH NHÂN

Năm 1987, chị Hiền quyết định dừng chân, không theo tàu Bắc-Nam buôn bán nữa. Chị vay mượn tiền làm vốn buôn bán tại chợ Thanh Đa. Chị buôn bán đủ các loại mặt hàng từ quần áo cho đến cá thịt, củ quả… nhưng cũng không khá lên được. Cuối cùng, người quen ở Đồng Tháp giúp chị đổi nghề, mua gà về bỏ mối cho một số nhà hàng, quán nhậu trong thành phố. Cuộc sống của gia đình chị đỡ lên, chị bắt đầu ăn nên làm ra. Chín năm trở lại đây, gia đình chị đã thoát được cái nghèo, có nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi...

Giúp người khi mình còn khó

Chị Hiền được xem như một mạnh thường quân thầm lặng của phường, luôn sẵn sàng giúp đỡ người nghèo, các em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học bổng học sinh giỏi ở phường.

“Cuộc đời của tôi quá khổ, quá gian truân nên gặp người nghèo túng, hoàn cảnh khó khăn là muốn san sẻ, giúp đỡ”

Không phải đến khi cuộc sống ổn định chị Hiền mới giúp những người gặp khó. Ngay thời điểm gia đình đang rất khó khăn, chị vẫn giúp đỡ nhiều người. “Tôi giúp đỡ người ta với tất cả tấm lòng yêu thương. Cuộc đời của tôi quá khổ, quá gian truân nên gặp người nghèo túng, hoàn cảnh khó khăn là muốn san sẻ, giúp đỡ” - chị Hiền tâm sự.

Chị Hiền kể về một kỷ niệm đáng nhớ: Thời gian chị đang buôn bán tại chợ Thanh Đa thì có cháu gái từ Nghệ An vào TP.HCM thi đại học tìm đến khóc và xin được ở nhờ để tắm rửa vì hết tiền. Trong túi còn 300.000 đồng, chị dốc hết cho người cháu gái để cháu đi thuê phòng trọ ở.

Mạnh thường quân thầm lặng ảnh 2

Chị Hiền (thứ 5 từ trái qua) cùng với Ban điều hành khu phố và các thí sinh tại văn phòng khu phố 3. Ảnh: THÀNH NHÂN

Buôn bán, kiếm được ít tiền lời, chị dùng để giúp đỡ những người khó khăn, bất hạnh. Xóm giềng trân trọng và rất quý mến chị Hiền. “Trước đây, mặc dù chị Hiền còn khó khăn nhưng gặp cảnh một gia đình có người chết không tiền mua quan tài, chị sẵn sàng đi vay tiền mua cho. Tấm lòng của chị Hiền thật đáng quý” - chị Trương Thị Nguyệt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hạnh Phúc, khu phố 3, san sẻ.

Trong mùa thi đại học, cao đẳng năm nay, được sự ủng hộ và phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể khu phố 3, lực lượng tiếp sức mùa thi, chị Hiền đã giúp đỡ các thí sinh khắp nơi dự thi ở Thanh Đa nhưng chưa có chỗ ở. Chị mượn văn phòng của khu phố và lấy nhà riêng để cho các thí sinh ở miễn phí. Hằng ngày, chị còn bỏ tiền túi ra đi chợ mua đồ ăn thức uống rồi cùng với các chị bên Chi hội Chữ thập đỏ, Chi hội Phụ nữ, Ban Mặt trận… của khu phố 3 nấu nướng lo mỗi ngày ba bữa ăn miễn phí cho các em và phụ huynh trong những ngày thi. 

“Tôi thường chứng kiến cảnh các cháu ở ngoài quê vào đây thi cử, bị kẻ gian lừa lấy hết tiền bạc, đồ đạc. Cuộc sống của tôi giờ đã ổn định nên tôi muốn góp một chút công sức nhỏ nhoi để giúp đỡ, lo nơi ăn chốn ngủ mong các cháu yên tâm thi cử tốt. Tôi cũng cảm ơn các anh chị trong ban điều hành khu phố, các cháu tình nguyện đã giúp đỡ mình hoàn thành tâm nguyện” - chị Hiền chia sẻ.

THÀNH NHÂN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 159)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm