Ly hôn ở tuổi thất thập

Hai ông bà cùng 65 tuổi, nhà ở quận 11, TP.HCM. Cả hai cùng là giáo viên, đã có hơn 40 năm nên nghĩa vợ chồng. Các con ông bà thành đạt, có cuộc sống riêng. Những lỗi lầm thời trẻ họ đều đồng thuận bỏ qua, nắm chặt tay nhau tiếp tục chung đường để gia đình hạnh phúc, các con yên tâm học hành.

Thế mà ở cái tuổi gần đất xa trời, nhớ lại những câu nói thời trẻ của bà làm ông uất ức, muốn đạp đổ bao năm xây dựng hành phúc của vợ chồng để tự do làm những gì mình thích. Tòa sơ thẩm bác đơn, ông tiếp tục kháng cáo cương quyết đòi ly hôn.

Ông liệt kê những hành động, những lời nói của bà từ thời hai người mới cưới nhau cho đến hôm này. Nào là bà không tôn trọng chồng, cứ cưới ông, đánh ông, không biết tiết kiệm tiền, không vun vén trong chi tiêu.

Ông nói đi chợ, mua gì, chi gì trong nhà bà phải ghi vào sổ, để cuối tháng nhìn vào khoản nào cần thì tiêu, không thì rút lại. Tháng nào ông cũng đưa tiền cho bà, vậy mà nửa tháng hỏi bà bào hết.

Để tiết kiệm, ông cặm cụi đi chợ rồi tự ghi ra sổ. Mọi chi tiêu trong nhà, con ăn học một mình ông lo. Tiền của bà bà khư khư giữ lấy.

Anh rể ông là người nuôi ông ăn học, giờ gia đình khó khăn, ông muốn giúp đỡ nhưng rất khổ tâm vì bà luôn cằn nhằn. Có lần cái kính anh rể bị hư, phải mua mới, ông nói bà cho anh rể vay nhưng bà không đưa mà còn căn nhằn, chì chiết ông mãi.

Ông bảo đừng nói nữa nhưng bà vẫn không ngừng. Ông hét lên, bà đánh vào tay ông, mắng chửi ông thâm tệ rồi đập phá đồ đạc trong nhà.

Hai ông bà cùng làm việc trong một trung tâm ngoại ngữ. Ông quản lý sổ sách, bảng điểm, bà giảng dạy cho các học viên. Một lần bà đánh rớt một nữ học viên trẻ vì không đủ tiêu chuẩn. Xem lại hồ sơ, ông thấy bà làm không đúng nên tự ý chỉnh điểm. Đáng lẽ bà phải nhỏ nhẹ nói với ông, đằng này bà mắng ông từ trung tâm về đến nhà.

''Tôi rất xấu hổ và nhục nhã. Những điều đó tôi mãi khắc ghi, không quên được. Tôi muốn ly hôn từ lâu nhưng vì nghĩ cho các con, vì thể diện, tôi không dám. Giờ các con đứa nào cũng có học vị tiến sĩ, có gia đình riêng nên tôi phải giải thoát cho mình” - ông nói.

Vị chủ tọa khuyên giải: ''Hai ông bà đã lớn tuổi, con cái đã thành đạt nên tha thứ, bỏ qua cho bà để sống an nhàn tuổi già''.

Ông gắt lên: ''Níu kéo, nhẫn nhịn sẽ không hạnh phúc đâu chủ tọa ơi. Bây giờ tôi chỉ thích làm việc, thích công hiến chứ không muốn hưởng thụ".

Bà ra sức níu kéo, mong tòa bác đơn. Theo bà, việc ông đòi ly hôn chỉ là nóng giận, bộc phát tức thời.

''Hơn 40 năm tình nghĩa vợ chồng, đã bao lần cãi nhau, chì chiết nhau, có lúc cuộc sống khó khăn vô cùng chúng tôi đều nắm tay vượt qua. Ông ấy chỉ vì nóng giận mà ra tòa đòi ly hôn, chứ tôi biết vài hôm nữa ổng lại tự làm hòa cho coi. Xin tòa hãy cho tôi cơ hội sữa những cái sai đã làm ông ấy buồn'' - bà van nài.

Bà cũng thừa nhận trong quá trình chung sống, không ít lần bà căn nhằn, đó là bản tính của người vợ khi thấy chuyện không vừa lòng.

Có lần ông muốn bỏ nghề giáo vì lương thấp, nói qua nói về, bà chỉ bảo: ''Không đi dạy nữa thì ông đi đạp xích lô cũng có tiền'' những ông để bụng câu nói đó cho đến hôm nay, cho là bà chê bai ông.

Chuyện cái mắt kính, bà giải thích: ''Tôi là phụ nữ bị cận, cũng muốn mua cho mình cái mắt kính đẹp, giá hồi đó vài ba trăm ngàn đồng thôi mà còn không dám mua. Thấy kính anh rể tới 50 USD, quá cao so với kinh tế của mình, tôi phải thắc mắc chứ. Anh rể nuôi ông ấy, tôi đâu có quên ơn nhưng kinh tế còn khó khăn, mình giúp được gì có thể thôi''.

Bà biết những câu nói của mình làm ông buồn, tất cả do tính bà nóng và ông chưa hiểu hết ý. Bà chỉ mong ông rút đơn, cho bà cơ hội sửa sai.

Quay qua chồng, bà thủ thỉ: ''Tuổi của tôi và ông đã cao rồi, chẳng sống bên con cháu lâu nữa đâu. Ngày xưa vì tình yêu tôi với ông mới đến được với nhau, mới hy sinh cho nhau, cùng nhau vượt qua gian khó. Bây giờ, kinh tế khá hơn, xin ông hãy bớt giận để chúng ta lại đoàn tụ. Ông thấy đó, mỗi lần các cháu đến nhà chơi, chúng bi bô gọi ông bà, xà vào lòng mình hạnh phúc lắm. Mong ông vì gia đình, vì các cháu mà quên đi cái tôi của mình''.

Tòa nhận đình mâu thuẫn của ông bà chưa đến mức trầm trọng. Vợ chồng nào cũng có cãi vã, quan trọng sau đó hai người vẫn yêu thương, nhường nhịn, trân trọng nhau.

Tòa bác kháng cáo của ông, tuyên ý án sơ thẩm. Ông khẳng định, một năm sau sẽ tiếp tục nộp đơn để được làm người tự do.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm