Luật sư có quyền lộ bí mật thân chủ?

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số góp ý tâm huyết của các luật sư nhằm hoàn thiện quy tắc này.

Trước đây, nhiều bạn đọc của Pháp Luật TP.HCM từng bàn luận sôi nổi về chuyện khách hàng hứa thưởng cho luật sư nhưng không có hồi kết.

Theo dự thảo quy tắc đạo đức luật sư, luật sư phải thông báo rõ ràng, minh bạch mức thù lao, căn cứ, phương thức thanh toán. Trong trường hợp khách hàng tự nguyện cam kết hứa thưởng ngoài khoản thù lao thỏa thuận thì luật sư không được để việc hứa thưởng đó thành nghĩa vụ bảo đảm kết quả vụ việc theo yêu cầu của khách hàng.

Chỏi Bộ luật Dân sự?

Một số chuyên gia pháp lý e ngại không loại trừ khả năng luật sư muốn được thân chủ thưởng nên chạy án. Tuy nhiên, các luật sư đều khẳng định hứa thưởng và chạy án là hai chuyện khác nhau. Một luật sư có tâm lý, xu hướng chạy án thì dù có được hứa thưởng hay không họ vẫn làm, ngược lại không phải luật sư nào được hứa thưởng cũng chạy án.

Vấn đề mà các luật sư băn khoăn là quy định trong dự thảo chưa hợp lý bởi thực tế không khách hàng nào chịu cam kết thưởng khi luật sư không đem lại một kết quả có lợi cho họ. Chưa kể, quy định trên còn chỏi với Bộ luật Dân sự bởi theo luật, hợp đồng hứa thưởng phải luôn gắn với một công việc cụ thể và đi kèm với kết quả.

Theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang), một khi đã chấp nhận chế định hứa thưởng thì dự thảo phải quy định rõ theo hướng phù hợp với Bộ luật Dân sự. Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Chuyện hứa thưởng là bình thường vì nó ghi nhận công sức, thành quả làm việc của luật sư. Hứa thưởng kèm theo kết quả công việc, về bản chất không trái với đạo đức vì nó chỉ là điều kiện để khách hàng thưởng công cho luật sư mà thôi.

Luật sư có quyền lộ bí mật thân chủ? ảnh 1

Luật sư đang bào chữa cho thân chủ tại một phiên tòa dân sự. Ảnh minh họa: HTD

Giữ bí mật thân chủ đến đâu?

Theo dự thảo, luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng khi thực hiện dịch vụ và cả khi đã kết thúc nghĩa vụ đó. Luật sư chỉ được tiết lộ bí mật thông tin của khách hàng nếu được khách hàng đồng ý. Trong trường hợp pháp luật có quy định rõ về nghĩa vụ tiết lộ thông tin của khách hàng hoặc phải bảo vệ lợi ích công cộng, luật sư cần động viên, thuyết phục khách hàng chọn thái độ ứng xử trung thực theo yêu cầu của pháp luật trước khi thực hiện việc tiết lộ thông tin đó.

Như vậy, gặp trường hợp bắt buộc, luật sư vẫn phải tiết lộ bí mật của thân chủ với cơ quan chức năng. Quy định này đã không được một số luật sư tán đồng.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định giữ bí mật cho khách hàng là nguyên tắc cơ bản hàng đầu. Thực hiện tốt nguyên tắc này thì khách hàng mới có niềm tin vào luật sư, mới cung cấp đầy đủ, toàn bộ thông tin liên quan đến sự việc, kể cả những vấn đề tế nhị. Đó chính là điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Vì vậy, luật sư không được tiết lộ bất cứ thông tin gì về thân chủ mà mình biết được.

Các luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.HCM), Nguyễn Văn Hoàng (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long) cũng cùng quan điểm này. Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) lại phân biệt thành hai trường hợp: Nếu bí mật đó luật sư phát hiện được do hoạt động nghề nghiệp thì phải có nghĩa vụ giữ kín cho thân chủ, không được tiết lộ bất cứ điều gì. Còn nếu phát hiện ngoài hoạt động nghề nghiệp thì luật sư phải tố giác. Khi ấy, vai trò của luật sư cũng như một công dân bình thường, thấy có dấu hiệu tội phạm thì phải tố cáo.

Im lặng có phạm pháp?

Vấn đề đặt ra là nếu luật sư chọn giải pháp im lặng để bảo vệ thân chủ thì họ có thể phạm các tội như không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm và bị xử lý hình sự hay không.

Luật sư Lê Thành Kính nhìn nhận khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra. Ngược lại, luật sư Bùi Quang Nghiêm nói một khi luật sư đang hoạt động nghề nghiệp thì không thể bắt tội. Không thể coi hoạt động nghề nghiệp của luật sư đơn thuần như các đối tượng khác vì Luật Luật sư (luật chuyên ngành) đã quy định luật sư phải có nghĩa vụ giữ tất cả các bí mật cho thân chủ. Đây là điều bảo đảm cho luật sư hoạt động, chiếu theo luật thì không giữ bí mật cho thân chủ mới… phạm pháp.

Cách tính thù lao của luật sư Mỹ

Ở Mỹ, thù lao luật sư cao hay thấp căn cứ vào tính chất của vụ việc, chuyên môn, kinh nghiệm, cường độ lao động và tiếng tăm của luật sư.

- Thù lao theo giờ: Thường tính trong các vụ kiện kéo dài và thay đổi khi tình huống của vụ kiện thay đổi. Những ngày luật sư bào chữa tại tòa thì thù lao sẽ cao hơn.

- Thù lao trọn gói: Thường được tính cho các vụ ly hôn không có tranh chấp tài sản, vụ án hình sự nhỏ hoặc xin cấp giấy phép kinh doanh.

- Thù lao theo tỉ lệ phần trăm giá trị vụ việc: Tính cho các việc thu nợ, chứng thực di sản.

- Thù lao theo kết quả của vụ án: Tính trong các vụ kiện đòi bồi thường thương tích, tai nạn. Luật sư sẽ hưởng phần trăm (căn cứ theo độ khó của vụ kiện) trên tổng số tiền mà luật sư giành được cho thân chủ qua thương lượng hay bào chữa tại tòa.

Phải tố giác

Giữ bí mật khách hàng là quy tắc đạo đức hành nghề của luật sư nhưng mỗi luật sư đều phải có trách nhiệm của một công dân là bảo vệ pháp luật và bảo vệ công lý.

Luật sư ĐỖ TRỌNG HIỂN, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng

Im lặng

Gặp tình huống này, luật sư sẽ rất khó xử vì thụ động. Khuyên nhủ thân chủ rằng hãy đầu thú đi thì chắc chắn thân chủ đó sẽ không còn tin tưởng để thuê luật sư bảo vệ mình nữa. Vì thế luật sư nên im lặng theo nguyên tắc cơ quan điều tra không biết thì thôi.

Luật sư LÊ THÀNH KÍNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Chỉ khuyên nhủ

Trong mọi trường hợp, luật sư đều phải im lặng vì giữ bí mật khách hàng là nguyên tắc nghề nghiệp hàng đầu. Nhưng khi hành vi của thân chủ chưa gây hậu quả thì luật sư nên khuyên nhủ, can ngăn thân chủ phạm tội.

Luật sư NGUYỄN VĂN HOÀNG, Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long

Không cản được, rút lui

Luật sư phải tôn trọng nguyên tắc nghề nghiệp là không được làm xấu đi tình trạng của khách hàng nên tôi ủng hộ ý kiến luật sư không được tố cáo thân chủ, đặc biệt là trước những hành vi đã xảy ra rồi. Còn khi phát hiện những hành vi thân chủ làm mà có dấu hiệu phạm pháp hoặc tội phạm sắp xảy ra thì luật sư nên khuyên can thân chủ mình. Nếu không khuyên ngăn được thì luật sư nên rút ra khỏi vụ án, không nhận bào chữa, bảo vệ cho thân chủ này nữa. Sau khi đã rút ra khỏi tư cách luật sư rồi thì luật sư được coi như một công dân bình thường, sẽ có nghĩa vụ tố giác tội phạm với cơ quan chức năng, nhất là những tội nghiêm trọng.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, ủy viên Hội đồng Liên đoàn Luật sư Việt Nam 

Phân biệt tội

Ở Nhật, luật sư không được phép tiết lộ thông tin của khách hàng. Tuy nhiên, nếu biết được khách hàng của mình đang chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng, luật sư được phép thông báo cho cơ quan chức năng sau khi đã làm hết các biện pháp khác nhưng không ngăn cản khách hàng được. Còn lại, tất cả trường hợp khác luật sư đều không được tố cáo, đó là một nguyên tắc nghề nghiệp.

Luật sư TORIYAMA HANROKU, Đoàn Luật sư Osaka (Nhật)

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm