Luật sư cãi lấy được chỉ làm hại thân chủ!

Theo nhiều chuyên gia, đội ngũ luật sư hiện nay chất lượng không đồng đều. Tham gia tố tụng, không ít người, nhất là các luật sư trẻ còn yếu về chuyên môn, kinh nghiệm, cãi chày cãi cối, nhiều khi không bảo vệ được mà còn làm xấu hơn tình trạng của thân chủ...

Báo Pháp Luật TP.HCM mới đây đã phản ánh hiện tượng một số luật sư chỉ gửi bài bào chữa nhờ thư ký phiên tòa đọc giùm, không tham gia, không theo dõi phiên xử, không tranh luận với kiểm sát viên, gây thiệt thòi cho thân chủ. Sau bài viết, nhiều ý kiến gửi về báo phản ánh còn có hiện tượng nhiều luật sư tham gia bào chữa cãi lấy được, chỉ nhăm nhăm bảo vệ thân chủ bằng mọi giá nên cãi cùng cãi cố, lập luận vô lý…

“Bị cáo mắc bệnh gì đó” (!?)

Trước đây, khi tham gia bào chữa trong một vụ giết người tại TAND TP.HCM, một luật sư đã lập luận rằng bị cáo chém nạn nhân để “phòng xa”. Theo luật sư này, khi hai bên ẩu đả, nạn nhân đuổi theo bị cáo thì việc bị cáo cầm dao chém nạn nhân là chuyện bình thường. Bởi vì nếu không làm vậy thì nạn nhân vẫn tiếp tục đuổi theo và có thể… giết bị cáo.

Đối đáp, kiểm sát viên cắc cớ: “Luật sư nói thế nhưng tại sao nạn nhân gục xuống rồi bị cáo vẫn chém tiếp cho chết hẳn?”. Luật sư nói: “Thưa quý viện, thân chủ của tôi làm vậy cho... chắc ăn” (!). Lúc này kiểm sát viên thật sự nóng mặt: “Đề nghị luật sư tranh luận nghiêm túc vào đúng bản chất vụ án. Rõ ràng hồ sơ thể hiện bị cáo đã cố sát chém nạn nhân cho đến chết rồi bỏ trốn, không hề có dấu hiệu của sự phòng vệ chính đáng, thế mà luật sư cũng nói cho được”. Vị luật sư này không chịu thua: “Tui nói vậy thôi, trúng hay trật tùy tòa đánh giá” (!?).

Luật sư cãi lấy được chỉ làm hại thân chủ! ảnh 1

Luật sư đang bào chữa cho bị cáo tại một phiên tòa lưu động. (Ảnh minh họa không liên quan đến nội dung bài viết) Ảnh: HTD

Một vụ khác, trong phiên xử bị cáo LCQ tại TAND tỉnh Bình Dương, một luật sư đã khiến những người dự khán cảm thấy khó chịu khi trình bày bài bào chữa nhằm làm nhẹ tội cho thân chủ. Nguyên Q. bị truy tố về sáu tội danh là hiếp dâm trẻ em, hiếp dâm, bắt, giữ người trái pháp luật, làm nhục người khác, cướp tài sản, hủy hoại tài sản với những hành vi phạm tội rất tàn bạo. Với những tội danh trên, kiểm sát viên đã đề nghị tòa phạt Q. gần 30 năm tù.

Đến phần bào chữa, vị luật sư đã biện hộ như sau: "Thưa tòa, dù giám định tâm thần cho thấy bị cáo hoàn toàn bình thường nhưng có thể bị cáo bị mắc một bệnh lý gì đó về tâm lý mà cơ quan chức năng chưa tìm ra được nên mới hành động như vậy, mong tòa xem xét đặc biệt để giảm án cho bị cáo” (!?). Sau đó, vị luật sư này nói tiếp: “Bản thân bị cáo cũng không thể lý giải được tại sao mình lại hành động như vậy, chứng tỏ bị cáo suy nghĩ chưa chín chắn, đây cũng là tình tiết giảm nhẹ cần được cân nhắc"…

Phải bảo vệ pháp chế, công lý

Trên đây chỉ là hai trong nhiều vụ luật sư thực hiện việc bào chữa lấy được, theo kiểu cố đấm ăn xôi. Theo nhiều chuyên gia, đội ngũ luật sư hiện nay, đặc biệt là các luật sư trẻ chất lượng không đồng đều. Tham gia tố tụng, không ít luật sư còn yếu về chuyên môn, kinh nghiệm, cãi chày cãi cối, không bảo vệ được mà còn làm xấu hơn tình trạng của thân chủ bởi đương nhiên là không tòa nào chấp nhận những lập luận vô lý của họ.

Theo kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) kể thực tiễn ngồi ghế công tố, ông thấy có những vụ bị cáo phạm tội bị bắt quả tang, chứng cứ, nhân chứng rõ ràng. Tuy nhiên, thay vì tập trung bào chữa theo hướng giảm nhẹ, luật sư lại cứ hừng hào tuyên bố thân chủ không phạm tội, làm giảm hiệu quả của việc bào chữa. Trong khi đó, ngoài trách nhiệm bảo vệ cho thân chủ, luật sư còn có trách nhiệm bảo vệ trật tự pháp luật, công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đây là nguyên tắc được quy định rõ trong Luật Luật sư nhưng không ít luật sư lại quên chức trách cao cả này.

Luật sư Lê Thành Kính (Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng xuất phát từ hệ thống pháp luật và văn hóa của người Á Đông nói chung, khi ra tòa luật sư phải có khái niệm về văn hóa pháp đình, không phải muốn nói gì cũng cũng được. Quyền bào chữa là của luật sư nhưng phải có tình có lý, đúng pháp luật và hợp lý lẽ, nói cách khác là không nên cãi chày cãi cối.

Theo luật sư Kính, ở các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ, luật sư bào chữa có thể nói những điều vô lý nhưng nếu chứng minh được cái vô lý đó là có lý thì tòa sẽ chấp nhận bởi quyền bào chữa, quyền bảo vệ thân chủ của họ là tối thượng. Nhưng ở ta, pháp luật quy định khác, văn hóa ứng xử khác nên đòi hỏi luật sư phải cẩn trọng.

Còn theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang), để khắc phục hiện tượng trên cần thực hiện song song ba biện pháp: Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đoàn luật sư các tỉnh cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, đạo đức nghề nghiệp. Bản thân từng luật sư thì cần tự nâng chất, bào chữa có trách nhiệm, nghiên cứu hồ sơ án nghiêm túc, có văn hóa pháp đình phù hợp khi hoạt động nghề nghiệp. Ngoài ra, quy định pháp luật về nghề luật sư cũng phải được bổ sung, hoàn thiện…

Bảo vệ pháp chế là làm đúng luật

Cụm từ “luật sư góp phần bảo vệ pháp chế” mà chúng ta hay nói chính là việc luật sư làm đúng pháp luật, tìm ra công lý. Tuy nhiên, thực tế nhiều luật sư chưa hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ này. Cụ thể, nó thể hiện bằng việc luật sư thực hiện đúng, đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình mà xã hội giao và pháp luật quy định. Chẳng hạn trong phiên tòa hình sự, luật sư làm nhiệm vụ gỡ tội cho thân chủ thông qua hoạt động bào chữa. Việc gỡ tội thực hiện thông qua việc cung cấp các chứng cứ, đưa lý lẽ, phân tích việc áp dụng pháp luật, nói chung là hướng đến việc yêu cầu các cơ quan tố tụng làm đúng pháp luật và tìm ra bản chất của vụ án. Việc luật sư cãi chày cãi cối, cãi lấy được… đều đi sai mục đích này.

Luật NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An

Mỹ: Luật sư có thể nói điều vô lý

Theo luật pháp Mỹ, quyền được phép im lặng của cá nhân được cho là tối thượng, một người khi bị bắt có quyền im lặng cho tới khi có luật sư bảo vệ. Tại tòa, quyền bào chữa của luật sư cũng cao không kém, các luật sư có thể nói bất cứ điều gì, kể cả những điều vô lý, miễn sao đưa ra được lý lẽ chứng minh cụ thể. Những chứng minh của luật sư tại tòa được chấp nhận ngoại trừ khi bồi thẩm đoàn và công tố viên có những chứng cứ chứng minh ngược lại. Để bảo vệ thân chủ, luật sư Mỹ có quyền tự thu thập các chứng cứ có lợi cho phía mình và nếu chứng minh được thì tòa sẽ chấp nhận chứng cứ đó.

Nhật: Làm tất cả để bảo vệ thân chủ

Theo nguyên tắc tranh tụng tại Nhật, luật sư bào chữa không tham gia tố tụng với vai trò hỗ trợ, bổ sung mà là một trong những chủ thể chính tiến hành tố tụng. Luật sư bào chữa phải thật sự nhiệt tình, không chỉ sẵn sàng mà phải làm tất cả mọi việc có thể để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ. Song luật pháp Nhật cũng quy định những điều cấm khi luật sư làm trái với pháp luật và đạo đức như khi bào chữa cố tình đưa ra các lời khai hoặc cung cấp chứng cứ giả mạo cho tòa. Thẩm phán và bồi thẩm đoàn không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ mà chủ yếu chỉ ngồi nghe, cân nhắc xem giữa công tố viên với luật sư ai đưa ra bằng chứng có sức thuyết phục hơn để có phán quyết thích hợp.

SONG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm