Lập bàn thờ đòi nợ: Phạt hành chính trước

Xung quanh vụ một người dân cho xe tải chắn cửa, giăng võng ngủ, lập bàn thờ, thắp nhang, mở cassette tụng kinh… trước nhà con nợ, nhiều bạn đọc thắc mắc: Các hành vi này có vi phạm gì không? Vi phạm hành chính hay hình sự?

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nhận xét các hành vi “khủng bố” con nợ của bà NTL ở xã Lai Uyên (Bến Cát, Bình Dương) như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trên số báo ngày 1-1-2014 là trái pháp luật.

Phạt hành chính

Cụ thể, việc bà NTL vẽ sơn lên tường rào, dùng xe tải chắn ngang cửa nhà bà LTH, lập bàn thờ, thắp nhang, mở cassette tụng kinh từ 5 giờ sáng là những hành vi gây mất mỹ quan, gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, đi lại nơi công cộng.

Tuy nhiên, hậu quả của các hành vi này gây ra là chưa lớn bởi nó chưa gây ra thương tích cho ai, chưa làm hư hỏng tài sản của bà H. Đây chỉ là những việc làm nhằm mục đích gây sức ép để bà H. trả nợ (hơn 5,5 tỉ đồng) và diễn ra phía ngoài khuôn viên nhà bà H. Các hành vi này chưa nghiêm trọng, mặt khác dấu hiệu tội phạm cũng không rõ ràng nên không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Xe tải và bàn thờ do bà L. lập trước cửa nhà bà H. Ảnh: N.ĐỨC (chụp ngày 1-1)

Theo Thẩm phán Hùng, để đảm bảo trật tự trị an, công an địa phương có thể dẹp bàn thờ, sau đó xử phạt hành chính bà L. về hành vi gây rối trật tự công cộng. Cạnh đó, công an địa phương nên hướng dẫn bà L. làm đơn tố giác tội phạm hoặc khởi kiện bà H. ra tòa để giải quyết tranh chấp nợ nần.

Đồng tình, ông Nguyễn Kim Tiếng (Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM) cũng cho rằng bà L. không có hành vi đe dọa giết người, không hủy hoại tài sản cụ thể nào trong nhà bà H. nên không có dấu hiệu tội phạm hình sự. Những hành vi của bà L. không làm cho gia đình bà H. thật sự hoảng sợ, ảnh hưởng đến tâm lý mà chỉ gây ra sự phiền toái. Tương tự, ảnh hưởng từ các hành vi của bà L. đối với trật tự công cộng và những người xung quanh cũng chưa thật sự nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Vì vậy, chỉ cần xử phạt hành chính là đủ.

Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), các hành vi của bà L. có dấu hiệu vi phạm hành chính theo quy định tại các điểm a, d Điều 5 và điểm a Điều 6 Nghị định số 167 ngày 12-11-2013 của Chính phủ (về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…). Mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng cho mỗi hành vi.

Phạt rồi mà vẫn tái diễn: Có thể khởi tố

Theo TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương), nếu sau khi bị xử phạt hành chính, bà L. tiếp tục tái diễn các hành vi “khủng bố” con nợ như trên thì lúc đó, công an có thể khởi tố bà về tội gây rối trật tự công cộng.

TS Hưng lý giải: Khoản 1 Điều 245 BLHS về tội danh này quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Như vậy, ở lần vi phạm thứ nhất, bà L. sẽ bị xử phạt hành chính nhưng nếu sau đó bà không chấm dứt việc đòi nợ này mà vẫn cố tình vi phạm thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.

 

Nếu bà L. tiếp tục quá khích, công an sẽ xử lý

Ngày 1-1, trao đổi với PV, ông Hùng (con bà H., được bà H. ủy quyền trả lời) cho biết bà L. và Công ty ĐH do bà H. làm chủ là hai đối tác mua bán tiêu. Do việc buôn bán không được thuận lợi nên giữa bà H. và bà L. đã làm biên bản thống nhất món nợ khoảng 5,5 tỉ đồng, hẹn đến mùa điều (gần cuối năm 2014), bà H. sẽ trả nợ. “Đây chỉ là giao dịch dân sự thôi, mẹ tôi không lừa gì cả. Không hiểu sao bà L. cứ thường xuyên quấy rối, lập bàn thờ tụng kinh. Tôi mong công an sớm vào cuộc xử lý để gia đình không bị khủng bố nữa”…

Trong khi đó, bà L. nói: “Trong tháng 9-2012, tôi bán cho bà H. số tiêu trị giá hơn 5,5 tỉ đồng. Bà H. cam kết cứ nhập hàng là sẽ chuyển khoản ngay. Tuy nhiên, bà H. hứa mãi mà tôi không nhận được tiền. Sau đó bà H. hứa đến tháng 6-2013 sẽ trả hết nợ nhưng đến hạn lại không trả nên tôi mới đi đòi nợ. Tôi yêu cầu bà H. viết giấy nợ nhưng bà H. bảo là nếu chịu đến năm 2014 trả nợ thì mới ghi giấy. Không còn cách nào khác vì phải để làm bằng chứng cho hàng chục người mà tôi đã vay mượn để mua hàng bán cho bà H. nên tôi đành ký vào giấy”.

Giải thích về việc lập bàn thờ, mở máy tụng kinh, bà L. cho biết: “Do tôi gọi điện thoại cho bà H. nhiều lần để yêu cầu trả tiền không được nên tôi để bàn thờ, thắp nhang là cầu nguyện tôi có sức khỏe, cho bình an, cho sớm được trả nợ chứ không hại ai. Tôi không có ý quấy rối ai cả. Tôi đặt bàn thờ, thắp nhang cách tường nhà bà H. 3 m. Tôi xác nhận là tôi có vẽ sơn lên tường rào nhà bà H. nhưng không thuê người ném xăng. Tôi chỉ muốn đòi tiền chứ không muốn gây rối gì và tôi cũng không làm mất an ninh trật tự”…

Được biết trưa 31-12-2013, Công an xã Lai Uyên đã yêu cầu phía bà L. dẹp bàn thờ, ngưng tụng kinh và tránh những hành vi quá khích nhưng đến ngày 1-1, bà L. vẫn để bàn thờ ở gần nhà ông Hùng và thắp nhang (chỉ không còn mở máy cassette tụng kinh).

Chiều tối 1-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Trương Văn Dũng (Trưởng Công an huyện Bến Cát) cho biết ông đã yêu cầu Công an xã Lai Uyên tăng cường kiểm tra, tránh việc gây mất trật tự tại địa phương. Ông Dũng cũng cho biết không xử lý bà L. vì bà đã có cam kết không gây mất trật tự nữa. Tuy nhiên, nếu bà L. tiếp tục có hành vi quá khích, gây mất trật tự thì sẽ xử lý nghiêm. “Qua xác minh, công an huyện cũng được biết nguyên nhân xuất phát từ bà L. tố giác bị bà H. chiếm dụng vốn nên mới nảy sinh bức xúc. Do vụ việc còn nhiều dấu hiệu khác nên chúng tôi vẫn đang tiến hành xác minh, làm rõ. Trong tuần, công an huyện sẽ họp liên ngành để xem xét các dấu hiệu liên quan đến vụ bà L. tố giác bị chiếm dụng tiền…” - ông Dũng nói.

THANH TÙNG - NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

bài test

bài testLongform

(PLO)- Trải qua 124 ngày giãn cách xã hội với nhiều lần thay đổi cấp độ, biện pháp chống dịch, TP.HCM đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước bước vào giai đoạn bình thường mới và dần thích nghi với việc sống chung cùng COVID-19.
[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bài

[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bàiInfographic

(PLO)- Mùa dịch vẫn chưa đi qua hẳn nhưng doanh số bán xe ô tô có hướng tăng trở lại đối với một số dòng xe. Vẫn là những chiếc xe phân khúc giá tiền dễ tiếp cận nằm đầu top, đối với tháng 6 vừa qua thì doanh số đầu bảng thuộc về Honda City, vượt doanh số của Vios hơn 300 chiếc xe.
Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Ngày nay chuyện bốn phương tám hướng gì cũng loan truyền chóng mặt. Ngoài một rừng cơ quan báo chí chuyên nghiệp thì giới đưa tin dạo còn nhiều gấp vạn lần.
Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

(PL)- Số lượng bạn đọc ở Đắk Lắk đã từng được trúng giải À Ra Thế khá nhiều, tuy nhiên đây là lần đầu tiên bảng vàng xướng tên một bạn đọc ở địa phương này, đồng thời Bình Phước vẫn luôn giữ “áp đảo” các vị trí còn lại.
Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

(PL)- Nếu tình huống chỉ dừng lại ở số tiền 300.000 đồng, chắc hầu hết bạn đọc đều có đáp án cho tình huống này. Nhưng cùng với hai tờ vé số trúng thưởng được 6 triệu đồng, nhiều bạn đọc đã “vội vã” kết luận A phải bị xử lý hình sự.