Ký ức Trường đua Phú Thọ - Bài 3: Nhân chứng sống của trường đua

Ông Bảy Đực là người có công giúp Giám đốc Sở TDTT Lê Bửu mở lại trường đua nhờ kinh nghiệm của ông khi từng làm cố vấn trường đua thời Pháp và chế độ cũ.

Nhớ ngựa buồn muốn chết

Ông Bảy già lụm khụm, đi đứng chậm rãi, mắt kèm nhèm, hơi điếc. Đôi tai phúc hậu to, rộng nhưng nghe tiếng được tiếng mất. Thế nhưng trí nhớ thì cực kỳ minh mẫn và giọng kể chuyện ngựa đua thì rổn rảng. Hơn 70 năm gắn bó với trường đua, ông Bảy Đực nuôi cả trăm chiến mã, nức tiếng Sài Gòn.

Mọi người kể chiều chiều nhớ ngựa quá thì ông Bảy nhắn con cháu hàng xóm dắt ngựa qua cho ổng rờ, khỏe một chút thì giành tắm ngựa, cho ăn. Mấy năm đầu không còn sức ra trường đua, không nuôi ngựa nữa, ông Bảy buồn muốn chết.

Biết chúng tôi đến thăm hỏi ông về một thời vang bóng trường đua, ông Bảy vui lắm. Ông nhắn người cháu đi mua hai cục pin tiểu về lắp vào con ngựa sắt mô hình để trên bàn. Rồi ông thích thú nhấn nút, chú ngựa hí vang nhà. Ông Bảy dỏng tai lên nghe rồi vỗ đùi cười khùng khục…

“Tui sống dai chi mà quá trời vậy không biết, tụi nó chết hết trơn rồi. Dân ngựa đua bọn tui sống riêng trong một cái vòng, gọi là đam mê hay luẩn quẩn cũng được. Mấy đứa nhỏ theo nghề truyền thống nài ngựa, có tiền mua ngựa, làm huấn luyện, không thay đổi được. Lớp này chết đi thì lớp sau cứ tiếp tục. Có đứa nào chuẩn bị mua hoặc mới mua ngựa, tui đều nói nó dắt vô coi, hay chỉ cho bọn nó cách xem tướng ngựa”.

Sinh năm 1924, mới 12 tuổi, khi quan Pháp mở trường đua trở lại (khánh thành năm 1936), ông Bảy đã cưỡi ngựa chiến lắm rồi. Ông Bảy từ nhỏ đã làm quen với ngựa đua, thời ba ông ngày xưa cưỡi ngựa, anh ông cưỡi. Rồi tới lượt ông Bảy cưỡi mải miết đến năm 24 tuổi mới thôi làm nài và chuyển sang làm huấn luyện ngựa đua. Tuổi thọ dài hơn trường đua, từ thời ông chủ người Pháp Lozenzi (từ năm 1933 đến 1954).

Ký ức Trường đua Phú Thọ - Bài 3: Nhân chứng sống của trường đua ảnh 1

Nhớ ngựa, ông Bảy Đực hay dặn con cháu mang ngựa đến để ông chăm. Ảnh: XUÂN HUY

Làm kỵ mã thời chiến

Ông Bảy chỉ lên tấm di ảnh vợ trên bàn thờ: “Bà xã tui mất mấy năm nay rồi. Hồi đó hai vợ chồng tui nuôi ngựa hay lắm. Mấy đứa con trai theo nghề nhưng sau này khó quá, sống không nổi. Con gái út của tui có thời gian bán báo, bản tin ở trường đua, sau lấy chồng đi Mỹ rồi. Thỉnh thoảng nó gửi tiền hay gọi điện thoại hỏi ba chơi ngựa đua ra sao. Mình giấu nó chứ già quá rồi, đâu có nuôi ngựa nổi”.

Ông Bảy Đực lại đưa tay nhấn cái nút nhỏ dưới bụng con ngựa sắt trên bàn cho nó hí vang. Mười mấy năm qua, chú ngựa phi hai chân dõng dạc đứng trên bàn là bạn thân thiết của ông. “Đệ tử của tui nhiều lắm, đếm không hết” - ông móm mém kể - “Hồi đó nài nhiều, muốn ăn một độ ngựa khó lắm, do cả tuần chỉ đua có ngày Chủ nhật. Có cái sướng của dân nài là chỉ cần thắng một độ là đủ tiền sống đã đời một năm. Hồi đó quy định nài 40 kg, mà nếu có 37 kg như tui thì nài phải mang trên người thêm 3 kg chì, đeo như sợi dây xích, chạy xóc vô người đau dữ lắm. Tui cưỡi ngựa khá nên thắng độ nhiều. Khoảng 20 độ thì lên nài chiến, nghĩa là phải chấp nài ít thắng độ hơn từ 1 đến 3 kg. Sau năm 1975, bọn tui mới có sáng kiến may hai túi chì bỏ bên hai hông ngựa, nài mới đỡ ê ẩm”.

Có mặt từ ngày đầu mở cửa trường đua, từ nài ngựa lên chủ ngựa, phất cờ điện xuất phát rồi làm cố vấn hai thời kỳ, ai qua mặt nổi. Ông Bảy Đực kể mấy tháng đầu xa trường đua, đêm nằm chợp mắt là nghe tiếng ngựa hí. Mấy đứa con cháu hàng xóm chiều nào dắt ngựa đi dợt hoặc đi đua về, ông đều gọi lại hỏi thăm rồi chỉ cho bọn nhóc mấy chiêu thuần ngựa chứng.

Ông Bảy kể thời điểm Nhật-Pháp đánh nhau, mỗi lần nghe tiếng súng đì đùng chỗ Công viên Lê Thị Riêng bây giờ và ở ga xe lửa thì anh em kéo nhau xuống hầm núp hết. Mấy cái hầm trú thân ấy bây giờ đã xây cư xá Lữ Gia, hồi đó xung quanh là rừng cao su bạt ngàn. Bom đạn hết nổ thì kéo nhau lên đua tiếp.

Bị bắt vì dám đòi quyền lợi cho chủ ngựa

Trường đua mở lại, giải quyết việc làm cho biết bao nhiêu người. Giới ngựa đua mang ơn ông Bảy Đực lắm. Kỷ luật trường đua dưới tay ông Bảy Đực đâu vào đó. Hồi trước năm 1954, trò chơi đua ngựa giải trí lành mạnh, chơi vui vẻ. Người chơi vào trường đua ngăn nắp, bài bản. Ông Bảy hãnh diện kể cái cách thiết kế phòng vé lịch sự, quán bar uống rượu nhưng văn minh. Trẻ em dưới 18 tuổi dứt khoát không bán vé.

Nài ngựa hồi thời ông Bảy Đực làm quản lý không dám làm trò bậy bạ hoặc tiêu cực. Ông chơi nghiệt, dán ảnh nài vô hàng cây dọc đường Lê Đại Hành bây giờ, y như kiểu lệnh truy nã. Nài ngựa nào dính kỷ luật coi như bỏ nghề luôn.

Ông Bảy Đực sử dụng kỷ luật thép nhưng vẫn dùng bàn tay nhung với giới ngựa đua. Hai lần ông bị chính quyền chế độ cũ bắt giam vì dám xúi đình công đòi quyền lợi cho chủ ngựa.

Ông Bảy kể lại: “Hồi năm 1969-1970, chủ trường đua tên Nguyễn Duy Tiên là thiếu úy dưới thời của Pháp (gọi là quan Một) ức hiếp, trả công o ép các chủ ngựa. Tui mới xúi ông hội chủ ngựa Nguyễn Văn Triều hợp tác tẩy chay. Bọn tui ra ngoài vận động chủ ngựa nghỉ đua. Có người sợ Một Tiên, đâu dám nghỉ ngang. Tui mới cầm cái roi, đứa nào xé rào dẫn ngựa vào trường, tui quất túi bụi đuổi về hết. Bọn nó nghe tin, báo cảnh sát bắt tui giam ở khám Chí Hòa mấy tháng, gán cho tội kích động gây rối. Sau đem ra xử, mấy chủ ngựa thuê luật sư cãi cho tui, hỏi tội gì, bọn quan tòa chế độ cũ ngọng nghịu. Cuối cùng, đâu có khép tui vào tội gì đâu, họ thả ra. Ông Một Tiên gặp tui cứ hăm he: Mày chỉ có nước cảnh sát bắt nhốt mới sợ. Thế nhưng hai lần bị giam tui đâu có ngán. Mình hiểu rõ, quy định trường đua thì mình xử nội bộ trong giới thôi, sao mà mang ra tòa được. Có lần nó bắt tui nhốt ở Gia Long, kiểu giam lỏng, cho ăn ngủ bình thường, chủ yếu để khỏi cho ra ngoài, sợ tui quậy. Thực sự bọn nó mượn tay để loại tui ra, vì cái tội hay bênh vực cho giới chủ ngựa. Một Tiên dữ dằn lắm cũng đâu làm gì nổi tui. Dẫu sao thì ổng cũng là một phần lịch sử trường đua, làm từ năm 1954 đến 1975. Sau tui có xây miếu ổng, chung với những người có công khác và mấy nài ngựa đua té chết. Cứ vào rằm tháng Bảy, bọn tui lại cúng mấy ổng”.

Hồi còn nhỏ xíu, ông Bảy được cha dẫn vô trường đua chơi. Khi đó, tại đây có mấy cái quan tài để sẵn, nài chết thì đem chôn. “Sau này tui làm cố vấn phải điều chỉnh lại nhiều thứ” - ông Bảy nhíu mày nhớ lại - “Đầu tiên là làm quai chân cho nài không quá rộng. Hồi trước do nịt chân lỏng, nài bị dính cái gót vào như một cái khóa. Lỡ ngã ngựa là bị kéo lê trên đường mấy trăm mét, người nhầy nhụa máu. Anh em vừa khóc vừa chia nhau chạy vào bủa vây để ghìm cương ngựa lại, dã man lắm. Sau này tui bắt buộc phải đội thêm nón bảo hiểm, nhờ bạn bè đi nước ngoài mua về. Tui lập quỹ giúp đỡ nài gặp khó khăn trong cuộc sống hay lỡ chấn thương hoặc tử nghiệp”.

Ký ức Trường đua Phú Thọ - Bài 3: Nhân chứng sống của trường đua ảnh 2

Niềm vui của ông Bảy Đực là con ngựa nhỏ dùng pin để bàn. Ảnh: XUÂN HUY

Ông Bảy Đực tự hào từng được mời đóng phim. Đạo diễn chọn nhờ ông đua ngựa giỏi, đóng vai nài đua ngựa đi kháng chiến rồi nên người. “Thù lao không có bao nhiêu, do nhân vật giống mình một phần nên khoái, nhận lời” - ông Bảy Đực cười phá ra - “Tui còn viết báo nữa, bút danh là Đả Long Sa, ngầm hiểu là đánh phá bọn cơ hội đó”.

CÔNG TUẤN

Kỳ sau: Người hồi sinh môn đua ngựa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm