Kiện sa thải trái luật, tòa lúng túng

Mới đây, chị NTK đã đến TAND một quận ở TP.HCM định nộp đơn khởi kiện vì cho rằng mình bị sa thải không đúng quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ). Tuy nhiên, đến đây chị bất ngờ khi nghe cán bộ tòa nói trường hợp của chị, dù tòa có xác định là bị sa thải trái luật đi chăng nữa thì tòa cũng không biết dựa vào quy định nào của BLLĐ để làm căn cứ buộc phía công ty có trách nhiệm với chị. Vì vậy, chị K. cứ chần chờ không biết có nên nộp ngay đơn khởi kiện hay chờ thêm một thời gian nữa cho đến khi tòa có hướng dẫn...

Luật cũ có, luật mới bỏ

Từ chuyện của chị K., chúng tôi tìm hiểu và được một thẩm phán chuyên xử án lao động tại TP.HCM cho biết: Điểm b khoản 1 Điều 38 BLLĐ cũ có quy định người lao động (NLĐ) bị xử lý kỷ luật sa thải là một trong những trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Trong trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải nhận NLĐ trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký. Ngoài ra, họ còn phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương, phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày NLĐ không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương, phụ cấp lương (nếu có).

Trong trường hợp NLĐ không muốn trở lại làm việc thì ngoài khoản tiền được bồi thường quy định trên, NLĐ còn được trợ cấp theo quy định tại Điều 42 của bộ luật này. Còn trong trường hợp NSDLĐ không muốn nhận NLĐ trở lại làm việc và NLĐ đồng ý thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định trên và trợ cấp quy định tại Điều 42, hai bên thỏa thuận về khoản tiền bồi thường thêm cho NLĐ để chấm dứt HĐLĐ (theo khoản 1 Điều 41).

Như vậy, gặp trường hợp NLĐ nộp đơn khởi kiện vì cho rằng mình bị sa thải trái pháp luật, ngành tòa án sẽ dựa vào các quy định rất cụ thể nói trên để giải quyết, buộc NSDLĐ có các trách nhiệm với NLĐ.

Trong khi đó, hiện nay BLLĐ hiện hành (có hiệu lực từ ngày 1-5-2013) có quy định thế nào là sa thải trái pháp luật (Điều 126). Tuy nhiên, khoản 1 Điều 38 BLLĐ hiện hành lại bỏ quy định NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải là một trong những trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Hệ quả là việc sa thải trái pháp luật không được xác định là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (Điều 41 BLLĐ hiện hành), từ đó không buộc được trách nhiệm của NSDLĐ (Điều 42 BLLĐ hiện hành).

Cần sớm có hướng dẫn khắc phục

Chính vì thế, gặp trường hợp NLĐ khởi kiện đòi bồi thường vì bị sa thải trái pháp luật, các tòa lúng túng không biết dựa vào quy định nào của BLLĐ hiện hành để làm căn cứ buộc phía NSDLĐ phải có trách nhiệm với NLĐ. Một số thẩm phán định linh hoạt áp dụng quy định của BLLĐ cũ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ nhưng rồi lại băn khoăn vì sợ bị bắt bẻ rằng luật cũ đã bị thay thế, áp dụng luật cũ như vậy liệu có ổn không...

Theo một lãnh đạo Tòa Lao động TAND TP.HCM, BLLĐ hiện hành đã có hiệu lực từ hơn một năm nay. Để tháo gỡ vướng mắc trên, trước hết TAND Tối cao cần sớm có hướng dẫn để các tòa có căn cứ pháp lý vận dụng, tránh các cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc NLĐ đã bị sa thải trái luật lại còn phải chịu thiệt thòi vì không được bồi thường cũng như nhận lại làm việc.

Vị lãnh đạo này nhấn mạnh: Điều đáng lưu ý là thời hiệu cho NLĐ khởi kiện tranh chấp về sa thải theo luật hiện hành chỉ có một năm nên rất cần có hướng dẫn tháo gỡ sớm, tránh trường hợp NSDLĐ lợi dụng sa thải tràn lan vì không phải chịu trách nhiệm.

HOÀNG YẾN

Nghỉ việc vì lý do kinh tế: Cũng chưa rõ

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có Công văn số 5907 hỏi ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH về quyền lợi của NLĐ khi bị cho nghỉ việc vì lý do kinh tế bởi chưa rõ ràng.

Hiện đang có hai quan điểm về vấn đề này: Quan điểm thứ nhất cho rằng NLĐ chỉ được hưởng trợ cấp mất việc theo Điều 49 BLLĐ (mỗi năm làm việc một tháng lương). Quan điểm thứ hai cho là NLĐ được hưởng trợ cấp mất việc theo Điều 49 BLLĐ (mỗi năm làm việc một tháng lương) và cả trợ cấp thôi việc theo Điều 48 BLLĐ (mỗi năm làm việc được nửa tháng lương).

Có sự hiểu khác nhau này là do khoản 10 Điều 36 BLLĐ và Điều 44 BLLĐ đều đề cập đến trường hợp bị cho nghỉ việc vì lý do kinh tế. Điều 49 BLLĐ quy định trả trợ cấp mất việc cho trường hợp tại khoản 10 Điều 36 BLLĐ, còn Điều 48 BLLLĐ quy định trả trợ cấp thôi việc cho trường hợp tại Điều 44 BLLĐ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm