Kiện quyết định giải quyết khiếu nại khi nào?

Vợ chồng ông Trần Văn Triệu có một mảnh đất rộng khoảng 700 m2, bị UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) thu hồi để thực hiện một dự án đầu tư xây dựng. Sau đó, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định hỗ trợ, bồi thường và trợ cấp di chuyển nhà cho ông Triệu với số tiền gần 1 tỉ đồng.

Chấp nhận một phần khiếu nại

Ông Triệu khiếu nại lên chủ tịch UBND huyện Bình Chánh với ba yêu cầu cụ thể sau: Thứ nhất là tính lại đơn giá bồi thường, thứ hai là bố trí nền tái định cư, thứ ba là bồi thường hơn 157 m2 đất lề đường.

Tháng 10-2012, chủ tịch UBND huyện ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 6298 bác hai yêu cầu đầu của ông Triệu, công nhận nội dung khiếu nại đòi bồi thường hơn 157 m2 đất lề đường.

Không đồng tình, ông Triệu đã khởi kiện yêu cầu TAND huyện Bình Chánh hủy Quyết định 6298 nói trên. Xử sơ thẩm, TAND huyện Bình Chánh nhận định Quyết định 6298 được ban hành sau khi ông Triệu có khiếu nại và có nội dung sửa một phần nội dung của quyết định hỗ trợ, bồi thường và trợ cấp di chuyển nhà ban đầu (công nhận nội dung khiếu nại yêu cầu bồi thường hơn 157 m2 đất lề đường). Vì thế, quyết định này là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính theo hướng dẫn trong Nghị quyết 02/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính). Tuy nhiên, sau khi xem xét các chứng cứ, TAND huyện Bình Chánh đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Triệu.

Sau khi ông Triệu kháng cáo, nghiên cứu vụ việc, TAND TP.HCM lại có quan điểm khác với cấp sơ thẩm về việc xác định Quyết định 6298 có phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính hay không. Theo TAND TP, về hình thức, Quyết định 6298 có sửa đổi so với quyết định hỗ trợ, bồi thường và trợ cấp di chuyển nhà ban đầu của UBND huyện Bình Chánh khi công nhận một nội dung khiếu nại của ông Triệu. Tuy nhiên, phần sửa đổi này không chứa đựng nội dung hành chính nên chưa phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính.

Dù nhận định như vậy nhưng cuối cùng TAND TP lại không đình chỉ giải quyết vụ án mà chỉ hủy án sơ thẩm vì cho rằng cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng và giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.

Hiểu sao cho đúng?

Theo điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 02/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính được hướng dẫn tại điểm a khoản này là đối tượng khởi kiện trong án hành chính.

Ông Phan Ngọc Khanh (VKSND TP.HCM) đồng tình với cách hiểu của TAND TP. Theo ông Khanh, không phải cứ quyết định giải quyết khiếu nại nào có sự sửa đổi, bổ sung… so với quyết định hành chính ban đầu đều trở thành đối tượng khởi kiện trong án hành chính. Quan trọng là phần sửa đổi, bổ sung đó có chứa đựng nội dung hành chính hay không. Theo điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 02 thì phần sửa đổi, bổ sung đó phải có nội dung chi tiết, cụ thể thì mới là đối tượng khởi kiện trong án hành chính.

Trở lại vụ án trên, ông Khanh cho rằng nhìn vào Quyết định 6298, bản chất sự thay đổi chỉ là “lời hứa” xem xét, giải quyết một trong ba nội dung khiếu nại mà lại không nói rõ sẽ giải quyết cụ thể ra sao. Trong khi đó, cơ sở để người dân khởi kiện phải là cái cụ thể (ví dụ bồi thường hơn 157 m2 đất lề đường cho ông Triệu với giá bao nhiêu) chứ không phải là phần công nhận một nội dung khiếu nại chung chung như vậy.

Đồng tình, ThS Dương Hoán (giảng viên môn Tố tụng hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM) bổ sung: Cần phải hiểu một quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện khi quyết định đó có chứa đựng nội dung cụ thể mà người khởi kiện cho rằng quyền lợi hợp pháp của họ bị xâm phạm. Ở đây Quyết định 6298 có phần được sửa đổi nhưng phần sửa đổi này chỉ là phương hướng chứ chưa phải là nội dung cụ thể để ông Triệu cho rằng quyền lợi hợp pháp của ông bị xâm phạm. Mặt khác, phần sửa đổi trong Quyết định 6298 lại không hề xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của ông Triệu (công nhận chứ không bác bỏ) nên bản thân Quyết định 6298 không thể là đối tượng khởi kiện trong án hành chính.

Ngược lại, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3) và luật sư Nguyễn Hồng Lâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại nhận định phải hiểu như TAND huyện Bình Chánh mới đúng.

Ông Thêm phân tích: Quyết định giải quyết khiếu nại là một phần không thể tách rời với quyết định hành chính ban đầu. Nếu quyết định giải quyết khiếu nại bác các khiếu nại, giữ nguyên quyết định hành chính ban đầu thì đương nhiên đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính ban đầu. Nhưng nếu quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung sửa đổi, bổ sung… so với quyết định hành chính ban đầu thì đối tượng khởi kiện lúc này chính là quyết định giải quyết khiếu nại. Nội dung sửa đổi, bổ sung chỉ là điều kiện cần để xác định quyết định nào là đối tượng khởi kiện hành chính chứ không phải để soi xét rằng có chứa vấn đề cụ thể gì, có xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người khởi kiện hay không...

PHAN THƯƠNG

 

Chủ tịch huyện muốn sửa quyết định ban đầu

Đúng là nội dung sửa đổi trong Quyết định giải quyết khiếu nại số 6298 (công nhận nội dung khiếu nại yêu cầu bồi thường gần 158 m2 đất lề đường của ông Triệu) còn nửa vời, không ghi rõ giải quyết như thế nào. Đây cũng có thể do kỹ thuật giải quyết khiếu nại không chính xác, là lỗi của người ban hành quyết định hành chính. Tuy nhiên, nên hiểu là dù quyết định không nói rõ nhưng ý chí của người ra quyết định giải quyết khiếu nại là muốn sửa quyết định ban đầu. Vì vậy cần coi phần công nhận này là có sự sửa chữa, bổ sung như hướng dẫn của Nghị quyết 02 để từ đó xem Quyết định 6298 là đối tượng khởi kiện án hành chính.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm