Kiện “quan”: Thắng chưa chắc đã hết khổ!

Có cơ quan đối phó bằng việc ban hành quyết định mới theo kiểu “bình mới, rượu cũ”, có cơ quan lại chây ì, phớt lờ án tòa…

Tháng 4-2008, Công ty TNHH Sản xuất Ô tô JRD Việt Nam (trụ sở tại huyện Tuy An, Phú Yên) mở tờ khai hải quan làm thủ tục nhập khẩu cho một lô hàng. Theo khai báo của Công ty JRD, lô hàng này là 100 bộ linh kiện, phụ tùng rời và một số linh kiện, phụ tùng rời xe ô tô tải 1,45 tấn, mới 100% do Trung Quốc sản xuất. Tổng số tiền thuế mà Công ty JRD khai báo và nộp tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Yên là hơn 630 triệu đồng.

Quyết định mới, nội dung cũ

Hai tháng sau, Chi cục Hải quan Sài Gòn khu vực 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với Công ty JRD với lý do nhập khẩu hàng hóa sai về chủng loại, số lượng hàng hóa.

Sau đó, chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phú Yên đã ban hành Quyết định số 367 đối với lô hàng nhập khẩu theo tờ khai hải quan của Công ty JRD với tổng số tiền thuế ấn định là hơn 2,3 tỉ đồng. Tháng 11-2008, chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phú Yên có Quyết định số 569 ấn định số tiền thuế mà Công ty JRD phải nộp như trên, trừ số tiền thuế đã nộp thì công ty này còn phải nộp thêm hơn 1,7 tỉ đồng.

Kiện “quan”: Thắng chưa chắc đã hết khổ! ảnh 1

Không đồng ý, Công ty JRD khởi kiện ra TAND tỉnh Phú Yên yêu cầu hủy hai quyết định số 367, 569 của chi cục trưởng Chi cục Hải quan tỉnh này. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Yên đã bác yêu cầu khởi kiện của Công ty JRD. Tuy nhiên, xử phúc thẩm hồi tháng 6-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng cáo của Công ty JRD, sửa án sơ thẩm, hủy hai quyết định trên của chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phú Yên.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực, được chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phú Yên đối phó bằng cách… ra quyết định mới số 196 ngày 5-4-2011, tiếp tục ấn định số tiền thuế y như cũ đối với Công ty JRD là hơn 2,3 tỉ đồng.

Công ty JRD lại phải tiếp tục khởi kiện yêu cầu tòa hủy Quyết định số 196. Lần này, cả TAND tỉnh Phú Yên lẫn Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đều nhận định chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phú Yên đã không chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật khi ban hành quyết định ấn thuế mới với nội dung y như quyết định cũ đã bị hủy. Vì vậy, cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty JRD, tuyên hủy Quyết định số 196 của chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phú Yên.

Không thực hiện án tòa

Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật để giải quyết nội dung khiếu nại của ông Đặng Đình Lạp.

13 năm trước, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành hai quyết định số 379 và 265 với nội dung thu hồi đất của gia đình ông Lạp tại khu 100 Trần Phú (TP Nha Trang) để giao lại cho người khác. Ông Lạp khiếu nại các quyết định trên. Đến tháng 2-2008, UBND tỉnh Khánh Hòa mới có quyết định giải quyết khiếu nại, bác đơn của ông Lạp.

Không đồng ý, ông Lạp khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Khánh Hòa hủy hai quyết định số 379 và 265. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Lạp. Ông Lạp kháng cáo. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận đơn kháng cáo của ông Lạp, hủy hai quyết định số 379 và 265 của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Thua kiện nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa không thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật, đồng thời gửi văn bản kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Tháng 2-2010, TAND Tối cao đã có văn bản không chấp nhận kháng nghị vì bản án phúc thẩm có căn cứ, đúng pháp luật.

Dù vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn tiếp tục ra quyết định phê duyệt sơ đồ quy hoạch phân lô điều chỉnh khu đất 100 Trần Phú, trong đó bố trí giao cho hộ ông Lạp lô đất số 1 với diện tích 85,6 m2, đồng thời bồi hoàn, hỗ trợ vật kiến trúc trên đất cho hộ ông Lạp... Tháng 4-2012, UBND TP Nha Trang đã ban hành các quyết định thu hồi đất, giao đất đối với hộ ông Lạp để thực hiện theo quy hoạch phân lô nói trên. Gia đình ông Lạp không chấp hành thì tháng 11-2012 đã bị UBND TP Nha Trang ban hành quyết định cưỡng chế.

Được tòa tuyên thắng kiện nhưng giờ đây ông Lạp vẫn phải tiếp tục con đường khiếu nại đầy gian truân để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Làm sao để án tòa không chỉ nằm trên giấy?

Thực tiễn xét xử án hành chính cho thấy người dân thường bị thua kiện ở cấp sơ thẩm. Việc thắng kiện (nếu có) cũng chỉ xảy ra ở giai đoạn xét xử phúc thẩm. Trải qua một quá trình dài nhọc nhằn đeo đuổi hầu tòa, đến khi được tòa tuyên thắng kiện rồi, người dân cũng chưa chắc đã được khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của mình.

Có một vướng mắc rất rõ là khi xét xử các vụ kiện quyết định hành chính, nếu tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện thì cũng chỉ có quyền tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định bị kiện. Tòa không có quyền cấm bên bị kiện không được ra quyết định khác với nội dung cũ, cũng không được buộc bên bị kiện phải ra một quyết định mới có nội dung khác.

Từ đó, một số cán bộ, cơ quan thua kiện đã đối phó với án tòa bằng cách ban hành quyết định mới theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Người thắng kiện tiếp tục bị hành, tiếp tục phải quay lại con đường gian truân là khiếu kiện quyết định mới, nếu không khiếu kiện kịp thời thì sẽ bị tổ chức cưỡng chế.

Chưa kể nhiều vụ bên thua kiện là chính quyền địa phương, nếu không chịu thi hành án tòa, cứ cương quyết chây ì thì người thắng kiện cũng chỉ biết bó tay kêu trời. Bởi lẽ theo quy định, chính UBND thua kiện có trách nhiệm tổ chức thi hành án. Trong khi đó, pháp luật lại chưa có cơ chế cụ thể để đảm bảo thi hành án hành chính trong các trường hợp này.

Làm sao để án hành chính không chỉ nằm trên giấy? Có lẽ câu trả lời xin nhường lại cho các nhà làm luật. Một khi pháp luật chưa có một cơ chế cụ thể để đảm bảo thi hành án hành chính với các quy định chi tiết về trách nhiệm, về chế tài với cán bộ, cơ quan chây ì thì thực trạng này sẽ không thể được tháo gỡ.

Thua kiện nhưng không thi hành án

Năm 2006, UBND quận 12 (TP.HCM) ra quyết định bồi thường hơn 600 triệu đồng đối với diện tích đất bị thu hồi cho ông Cao Hồng Trung, đồng thời thông báo sẽ cấp nền tái định cư cho ông. Cho rằng mức giá bồi thường chưa phù hợp, ông Trung khiếu nại. Tháng 9-2009, UBND quận 12 bất ngờ thu hồi quyết định bồi thường. Hơn ba tháng sau, ông Trung khởi kiện yêu cầu tòa hủy cả hai quyết định trên của ủy ban.

Giữa năm 2010, TAND quận 12 đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Trung. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã sửa án sơ thẩm, hủy quyết định thu hồi quyết định bồi thường của UBND quận 12. Thắng kiện, ông Trung nhiều lần làm đơn yêu cầu UBND quận 12 thi hành án nhưng hơn một năm nay, ủy ban cương quyết không chịu thi hành vì cho rằng tòa phúc thẩm xử sai và làm văn bản kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm...

LÊ NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm