Kiện đòi trả con mương cũ

Giữa hai cấp tòa sơ, phúc thẩm có quan điểm trái ngược trong việc xác định vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án hay không.

TAND TP.HCM vừa hủy quyết định đình chỉ của TAND quận 11 trong một vụ tranh chấp khá lạ: Nguyên đơn kiện hàng xóm trả lại một con mương không còn tồn tại giữa hai nhà để sử dụng công cộng.

Kiện đòi trả nguyên trạng

Theo hồ sơ, tháng 4-2010, ông L. nộp đơn ra TAND quận 11 kiện ông H. nhà sát vách. Ông L. trình bày rằng nhà ông ở đường Trần Quý (phường 6). Năm 1991, nhà ông được Sở Nhà đất TP cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Vị trí ngôi nhà của ông như sau: Phía đông giáp nhà số 96, phía tây và bắc giáp một con mương, phía nam thì giáp đường.

Như vậy, trước đây giữa nhà ông L. với nhà ông H. có một con mương chung. Theo ông L. nhớ thì chiều ngang con mương khoảng 1 m, chiều dài thì bằng chiều dài của hai nhà. Sau đó, nhà ông H. nhiều lần cố tình lấn chiếm con mương này. Ông L. đã khiếu nại đến UBND phường nhưng không được giải quyết.

Kiện đòi trả con mương cũ ảnh 1

Đến năm 2003, con mương trên biến mất. Theo ông L. tìm hiểu thì trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, nhà ông H. đã được cấp luôn phần diện tích con mương. Vì vậy, ông khởi kiện buộc nhà ông H. trả lại hiện trạng ban đầu, đồng thời yêu cầu tòa công nhận con mương là phần diện tích sử dụng chung của cả hai nhà như trước đây.

Kèm đơn khởi kiện, ông L. có nộp một văn bản của Phòng Quản lý đô thị quận 11, xác nhận trước đây cạnh nhà của ông là con mương.

Có thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa?

Thụ lý, tháng 7-2010, TAND quận 11 đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp con mương này của ông L. Theo tòa, đây là một vụ tranh chấp ranh giới chung giữa các bất động sản. Ông L. không tranh chấp quyền sử dụng đất với ông H. mà lại yêu cầu phải trả lại con mương là phần đất giáp ranh giữa hai nhà để sử dụng công cộng. Như vậy yêu cầu của nguyên đơn không phải là tranh chấp quyền sử dụng đất nên vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Ngay sau đó, ông L. kháng cáo, không đồng ý với quyết định đình chỉ này của TAND quận 11. Xử phúc thẩm, TAND TP nhận định lý do cấp sơ thẩm đình chỉ là không đúng. Theo TAND TP, hồ sơ thể hiện ông L. yêu cầu công nhận con mương là diện tích sử dụng chung của hai nhà, đồng thời yêu cầu tòa đo diện tích và định giá con mương tranh chấp. Tại các biên bản hòa giải, dù ông L. có nêu không tranh chấp quyền sử dụng đất đối với phần làm mương nhưng ông vẫn buộc phía ông H. trả lại hiện trạng con mương để sử dụng như đất công cộng. Phần diện tích con mương này ông H. đã được UBND quận 11 cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Như vậy, thực chất yêu cầu tranh chấp con mương của ông L. vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Từ đó, TAND TP đã chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông L., hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của cấp sơ thẩm, giao hồ sơ về cho TAND quận 11 giải quyết lại.

Hiểu như tòa phúc thẩm là hợp lý

Trong vụ án này, giữa hai cấp tòa có quan điểm trái ngược trong việc xác định vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án hay không. Cấp sơ thẩm cho rằng nguyên đơn không tranh chấp về quyền sử dụng đất, chỉ yêu cầu trả lại nguyên trạng con mương để sử dụng công cộng nên không thuộc thẩm quyền. Còn cấp phúc thẩm lại cho rằng có sự tranh chấp về quyền sử dụng đất bởi phần đất có con mương nay đã thuộc sở hữu của phía bị đơn.

Theo tôi, hiểu như cấp phúc thẩm là hợp lý bởi nguyên đơn tuy không đòi đất cho mình nhưng vẫn buộc bị đơn trả lại đất để làm không gian chung, tức là về bản chất đã có sự tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm