Kiện đòi đất thì không có thời hiệu

Năm 1994, bà HQP được một đơn vị quân đội cấp 80 m2 đất thổ cư (có giấy tờ). Một năm sau, bà làm hợp đồng chuyển nhượng phần đất này cho ông ĐXT (anh em con chú bác với chồng bà) và được đơn vị quân đội này xác nhận.

Sau khi xây nhà, năm 1996, ông T. làm đơn gửi UBND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) xin cấp giấy đỏ nhưng ủy ban từ chối với lý do đây là đất do quân đội quản lý. Đến năm 2008, bà P. và ông T. xảy ra mâu thuẫn nên bà P. khởi kiện đòi ông T. trả lại đất và yêu cầu ông phải di dời căn nhà mà ông đang ở ra khỏi mảnh đất đó.

Bị cấp giám đốc thẩm hủy án

Năm 2010, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, HĐXX ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn kiện cho bà P. và đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn với lý do hết thời hiệu khởi kiện.

Sau đó, TAND TP Cần Thơ cũng cho rằng vụ kiện này hết thời hiệu khởi kiện. Theo tòa, việc chuyển nhượng giữa hai bên nguyên, bị được xác lập trong giai đoạn từ ngày 15-10-1993 đến 30-6-1996. Trong khoảng thời gian ba năm không có tranh chấp, mãi đến năm 2008 bà P. mới có đơn khởi kiện đòi lại đất nên tranh chấp này hết thời hiệu khởi kiện (hai năm).

Quyết định này bị chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Năm 2013, Tòa Dân sự  TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm, hủy toàn bộ hai quyết định sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm xét xử lại. Tòa này lập luận rằng theo quy định của Luật Đất đai và BLDS thì các tranh chấp về quyền sử dụng đất không có quy định về thời hiệu khởi kiện.

Tòa tối cao kết luận đúng

Nhận xét về vụ kiện trên, TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng Tòa Dân sự TAND Tối cao đã kết luận đúng về việc không tính thời hiệu khởi kiện. Bởi lẽ bản chất của quan hệ tranh chấp ở đây chỉ là đòi lại đất chứ không phải là tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thực tế thì bà P. cũng chỉ kiện đòi đất). Pháp luật về dân sự chỉ quy định thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về hợp đồng chứ không quy định thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp quyền sử dụng đất như thế này.

Luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng phân tích: Luật Đất đai không có quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất. Điều 427 BLDS có quy định thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm phạm. Điều 159 BLTTDS không quy định cụ thể về thời hiệu khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất, chỉ quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm.

Ở đây, vụ án trên được tòa xác định là tranh chấp quyền sử dụng đất và tòa đã thụ lý vào năm 2008. Thời điểm này pháp luật về đất đai, dân sự, tố tụng dân sự đều không quy định rõ thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp quyền sử dụng đất. Đến năm 2011, BLTTDS sửa đổi, bổ sung mới có quy định tại khoản 3 Điều 159 là tranh chấp về quyền sử dụng đất thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. “Như vậy, căn cứ vào tình hình quản lý đất đai của Nhà nước trải qua nhiều thời kỳ và tinh thần của các quy định pháp luật đã viện dẫn trên, vụ tranh chấp quyền sử dụng đất này không áp dụng thời hiệu khởi kiện” - luật sư Vũ khẳng định.

NHẪN NAM

Bị đơn được giữ đất nhưng phải trả tiền

Sau khi vụ kiện đòi đất của bà P. bị TAND TP Cần Thơ kết luận hết thời hiệu khởi kiện, chồng bà P. đã khởi kiện yêu cầu TAND quận Ninh Kiều hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà P. với ông T. vì vô hiệu do chỉ có chữ ký của bà P…

Sau khi nhận lại hồ sơ vụ kiện đòi đất từ Tòa Dân sự TAND Tối cao, TAND quận Ninh Kiều đã nhập luôn hai đơn kiện của vợ chồng bà P. vào thành một vụ và mới đây đã đưa ra xét xử sơ thẩm. Tòa đã chấp nhận một phần yêu cầu của vợ chồng bà P., buộc ông T. phải trả cho vợ chồng bà P. hơn 500 triệu đồng giá trị đất để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này. Đồng thời, vợ chồng bà P. phải trả lại ông T. bốn chỉ vàng (quy ra tiền) là tiền ông T. từng bỏ ra trả cho người có hoa màu trên đất vào thời điểm ông nhận đất từ bà P. (năm 1995). Sau đó, VKS quận Ninh Kiều đã kháng nghị toàn bộ bản án nhưng không đề cập gì đến vấn đề thời hiệu...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm