Khi tòa quên tuyên ai phải giao di sản

Gần đây, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã có văn bản yêu cầu hộ ông Phan Văn Hường trong thời hạn 30 ngày phải tự nguyện giao một căn nhà theo bản án đã có hiệu lực của TAND tỉnh Khánh Hòa. Trong khi đó, hộ ông Hường thì phản đối, khiếu nại quyết liệt…

Tòa không tuyên giao nhà

Năm 2005, mẹ ông Hường mất để lại di sản là nhà và đất. Do không thể tự phân chia, chị của ông Hường đã khởi kiện ra TAND TP Nha Trang. Theo đơn khởi kiện, cha mẹ ông Hường có hai người con ruột, một người con nuôi, di sản để lại gồm ba căn nhà. Người con nuôi đã được chia một căn nhà, đã bán và dọn đi nơi khác sinh sống nên không tham gia tranh chấp. Còn lại hai căn nhà, chị ông Hường yêu cầu được nhận một căn, một căn để lại cho ông Hường.

Tháng 4-2013, TAND TP Nha Trang đã xử sơ thẩm, chia cho chị ông Hường một căn nhà và cho ông Hường một căn nhà. Các bên có nghĩa vụ liên hệ cơ quan chức năng để xin cấp giấy chứng nhận. Vợ chồng ông Hường kháng cáo. Tháng 9-2013, TAND tỉnh Khánh Hòa đã giữ nguyên án sơ thẩm.

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, tháng 10-2013, Chi cục THA dân sự TP Nha Trang đã ra quyết định THA theo đơn yêu cầu của chị ông Hường. Tuy nhiên, việc THA gặp rắc rối do các bản án chỉ tuyên giao nhà nhưng lại không nói rõ ai là người có nghĩa vụ giao.

Tháng 12-2013, Chi cục THA đã có văn bản đề nghị TAND tỉnh Khánh Hòa xác định ai là người có nghĩa vụ giao nhà và đất cho chị ông Hường. Phúc đáp, TAND tỉnh Khánh Hòa cho rằng chị ông Hường là người được thừa kế di sản do mẹ để lại. Hộ ông Hường là người đang quản lý, sử dụng tài sản nên có nghĩa vụ giao nhà. Trên cơ sở đó, Chi cục THA đã ra văn bản yêu cầu hộ ông Hường tự nguyện THA như đã nói.

Đã có vụ bị kháng nghị giám đốc thẩm

Trong một vụ tương tự khác, Cục THA dân sự tỉnh Khánh Hòa đã không chấp nhận văn bản giải thích của tòa mà kiến nghị giám đốc thẩm, sau đó chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm.

Cụ thể, theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Lạo, cha mẹ bà có bốn người con chung, sau khi qua đời để lại di sản là một căn nhà từ đường tại thị trấn Diên Khánh. Di sản trên do ông Nguyễn Cấp quản lý, sử dụng, sau đó giao lại cho vợ chồng con trai.

Tháng 7-2008, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm đã chia nhà, đất cho các bên nhưng không xác định cụ thể ai là người có nghĩa vụ giao nhà, đất. Tháng 5-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng cũng giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Do không xác định được ai là người phải THA, Cục THA dân sự tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng giải thích. Phúc đáp, tháng 9-2009, tòa phúc thẩm có thông báo sửa chữa, bổ sung bản án với nội dung xác định người có nghĩa vụ giao di sản là ông Cấp. Không đồng ý với thông báo này vì cho rằng tòa bổ sung một nội dung hoàn toàn không có trong bản án, Cục THA đã có văn bản đề nghị chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.

Sau đó, chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hai bản án sơ, phúc thẩm. Theo chánh án TAND Tối cao, hai bản án trên trong phần quyết định giao di sản không nói rõ ai là người có nghĩa vụ giao di sản nên cơ quan THA dân sự không xác định được ai là đối tượng THA, dẫn đến không có căn cứ ra quyết định cưỡng chế THA…

Có phải giám đốc thẩm để khắc phục?

Theo TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn Tố tụng dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), khoản 1 Điều 240 BLTTDS quy định: Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Nghị quyết số 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng hướng dẫn rất rõ về việc phân biệt thế nào lỗi về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Theo đó, “lỗi rõ ràng về chính tả” là lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự... Còn “số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai” (kể cả án phí) như cộng, trừ, nhân, chia sai... mà phải sửa lại cho đúng.

Từ đó, TS Tiến nhận xét trong trường hợp các tòa quên tuyên ai là người có nghĩa vụ giao di sản thì không được sửa chữa, bổ sung bản án mà phải khắc phục bằng thủ tục giám đốc thẩm vì đây là một nội dung mới không có trong bản án.

Tuy nhiên, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại có cái nhìn khác. Theo ông, việc không tuyên rõ ai phải giao di sản là thiếu sót của tòa nhưng chưa nghiêm trọng đến mức phải giám đốc thẩm mà có thể khắc phục bằng thông báo sửa chữa, bổ sung bản án. Bởi lẽ vấn đề mấu chốt nhất của tranh chấp là phân chia di sản đã được tòa giải quyết. Còn về việc giao di sản thì đương nhiên người đang quản lý, sử dụng di sản sẽ phải giao.

Trước hai luồng quan điểm như trên, nhiều chuyên gia khác mà chúng tôi trao đổi cho rằng TAND Tối cao và Tổng cục THA dân sự cần có hướng dẫn về chuyện này để các tòa, các cơ quan THA vận dụng thống nhất.

HỒNG TÚ

 

Không được “đính chính nội dung”?

Tòa án chỉ có thể thông báo sửa đổi, bổ sung sai sót của bản án đối với các lỗi chính tả hoặc nhầm lẫn về việc tính toán. Việc đính chính về nội dung người có trách nhiệm giao di sản là vượt quá phạm vi đính chính bản án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Trong thực tiễn xét xử có rất nhiều trường hợp bản án có sai sót về mặt nội dung bản án. Theo tôi, để khắc phục các sai sót đó, không có cách nào khác là phải được người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm để giải quyết lại bản án. Mặt khác, ngành tòa án cũng cần tiến hành rút kinh nghiệm các hội đồng xét xử khi tuyên những bản án còn chung chung kiểu này.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm