Kẻ đánh lén trong "Ỷ thiên Đồ long ký "

Giả danh Minh giáo tập kích Võ Đang

Binh pháp Tôn Tử từng dạy: “Tiên phát chế nhân, hậu phát chế ư nhân” (Đánh trước thì khống chế được người, đánh sau thì bị người khống chế) và “Tiên hạ thủ vi cường” (Kẻ nào đánh trước làm cha). Có lẽ đắc thủ được các bài học quý giá đó mà trong lịch sử và văn học Trung Quốc thường mô tả những màn đánh lén. Một vụ án đánh lén tiêu biểu đã được thuật lại trong Ỷ thiên Đồ long ký của Kim Dung.

Triệu Mẫn tức Minh Minh Đặc Mộc Nhĩ (Ming Ming Tarmour), quận chúa Mông Cổ, có tham vọng tiêu diệt các môn phái võ lâm Trung Quốc để hỗ trợ cho sự nghiệp đô hộ lâu dài của đế chế Mông Cổ trên đất nước này. Cô tổ chức một đoàn quân gồm các cao thủ tinh nhuệ từ các nước phiên thuộc, mạo xưng là lực lượng Minh giáo.

Kẻ đánh lén trong "Ỷ thiên Đồ long ký " ảnh 1

Diễn viên trong vai Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn

Minh giáo là một tổ chức yêu nước nhưng đang có mâu thuẫn với các môn phái võ lâm. Cô muốn khoét sâu sự mâu thuẫn đó để nội bộ võ lâm Trung Quốc tự xâu xé nhau. Đoàn quân phiên thuộc của Triệu Mẫn tấn công chùa Thiếu Lâm, môn phái danh tiếng nhất của Trung Quốc, giết đại sư Không Tính và bắt tất cả các cao tăng khác làm tù binh.

Thấy tiêu diệt được phái Thiếu Lâm dễ dàng, Triệu Mẫn tổ chức bọn phiên thuộc đánh úp phái Võ Đang. Cô hiểu những cao thủ chủ chốt của phái Võ Đang đã xuống núi. Đạo quán Võ Đang chỉ còn tổ sư Trương Tam Phong và người đệ tử bại liệt là Du Đại Nham. Cô tin cuộc tấn công tiêu diệt Võ Đang sẽ dễ dàng hơn cuộc tấn công phái Thiếu Lâm. Cô mạo xưng là Trương Vô Kỵ, giáo chủ Minh giáo, đi hỏi tội phái Võ Đang.

Thế nhưng có một điều mà cô không hề biết là Trương Vô Kỵ, giáo chủ Minh giáo, là con trai của Trương Thúy Sơn, đệ tử thứ năm của phái Võ Đang đã qua đời. Vô Kỵ gọi chưởng môn phái Võ Đang Trương Tam Phong là thái sư tổ; gọi những đệ tử của Võ Đang là sư bá, sư thúc. Nghe tin quân phiên thuộc đánh úp Võ Đang, Vô Kỵ vội chạy về núi, hóa trang làm một tiểu đạo sĩ yểm trợ cho Trương Tam Phong chống đại địch.

Kịch bản đánh lén

Vô Kỵ vừa về đến núi Võ Đang thì có một nhà sư khác thuộc hàng cao tăng phái Thiếu Lâm là Không Tướng lên núi Võ Đang xin tiếp kiến Trương Tam Phong để báo tin và xin cứu viện. Nhà sư Không Tướng thuộc hàng chữ Không,  địa vị tương đương với Không Văn, trụ trì chùa Thiếu Lâm.

Không Tướng lên tới núi Võ Đang bèn “Cởi giới đao đeo bên lưng, trao cho các đạo sĩ tiếp khách”. Hành động này ngụ ý rằng người lên núi không đeo vũ khí, không có ý đồ thù địch và tỏ ra tôn trọng phái Võ Đang. Không Tướng nói với các đạo sĩ đón khách: “Xin được bẩm báo với Trương chân nhân, tình hình rất khẩn cấp, không thể chậm trễ một khắc nào”.

Lúc bấy giờ, tất cả các đệ tử Võ Đang đều đã xuống núi. Đạo quán chỉ còn Trương Tam Phong chuởng môn đang tọa quan (một cách nhập thất ngồi yên suy ngẫm của Đạo giáo - Taoisme) và một đệ tử bị bại liệt chỉ có thể nằm trên cáng tiếp khách là Du Đại Nham. Thấy cao tăng Thiếu Lâm tới báo quân tình khẩn cấp và có lòng giúp đỡ phái Võ Đang, Du Đại Nham liền vào chỗ thầy tọa quan, bẩm báo với thầy.

Kẻ đánh lén trong "Ỷ thiên Đồ long ký " ảnh 2

Diễn viên trong vai  Trương Tam Phong

Trương Tam Phong đi tu từ nhỏ, sống trên trăm tuổi, chưa hề gần nữ sắc nên được xem là một đại tôn sư võ học có Thuần dương vô cực công siêu đẳng của võ lâm. Nhà sư Không Tướng gặp ông, chào hỏi rất lễ phép: “Tiểu tăng là Không Tướng phái Thiếu Lâm, xin tham kiến võ lâm tiền bối Trương chân nhân”. Thấy nhà sư quá đỗi thủ lễ, Trương Tam Phong hơi ngại ngùng: “Đại sư khỏi cần đa lễ”.

Không Tướng thuật lại tình hình quân phiên thuộc tấn công chùa Thiếu Lâm: “Người thì bị tuẫn nạn trong cuộc chiến bảo vệ chùa, người thì bị bắt. Một mình tiểu tăng liều mạng chạy thoát”. Không Tướng cũng báo tin thêm: Đại đội quân phiên thuộc sắp lên tấn công Võ Đang, mong Trương Tam Phong gia tâm đề phòng. Nói xong, nhà sư mở bọc ra, trong bọc là chiếc đầu của đại sư Không Tính. Không Tướng đặt chiếc đầu sư huynh lên bệ thờ, cúi lạy rồi khóc ngất.

Thấy nhà sư khóc, Trương Tam Phong nổi lòng lân mẫn. Ông đưa tay ra đỡ, định an ủi nhà sư mấy câu. Chỉ chờ đợi có thế, Không Tướng vận mười thành công lực vào song chưởng, đồng loạt đánh mạnh vào bụng dưới của Trương Tam Phong. Phát đánh lén bằng song chưởng đó là công phu Kim cương bát nhã chưởng của phái Thiếu Lâm, một loại chưởng pháp cứng rắn, có sức mạnh làm tan bia, vỡ đá!

Ban đầu, Trương Tam Phong cứ nghĩ là nhà sư đang ở trong trạng thái đau thương, thần trí hồ đồ nên đánh không chủ đích. Thế nhưng khi  nhìn thấy nụ cười nham hiểm hiện ra trên mặt Không Tướng, ông mới hiểu nhà sư muốn đánh lén để giết mình. Mọi sự đã trở nên rất muộn. Mặc dù võ công ông cực cao nhưng không còn đường nào né tránh, phải hứng trọn song chưởng đó.

Kịch bản đánh lén đã thành công đúng như ý định ban đầu. Thế nhưng cả Triệu Mẫn và Không Tướng đều không thể ngờ rằng song chưởng Kim cương bát nhã đó không giết ngay được Trương Tam Phong. Ông ra tay nhanh, vỗ xuống đầu Không Tướng một đòn Thái cực quyền mềm như bông mà cứng như sắt, nhẹ như lông hồng mà nặng như núi Thái Sơn. Không Tướng bị vỗ một quyền, vỡ sọ chết ngay. Trương Tam Phong ngã ngồi xuống đất.

Khi lâm địch truyền dạy quyền pháp

Trương Tam Phong bị thương rất nặng. Ông liên tục thổ ra máu tươi. Ông nói với các đệ tử  rằng phải tịnh dưỡng ba tháng mới có thể phục hồi công lực bởi Kim cương bát nhã chưởng của phái Thiếu Lâm cực kỳ cương mãnh. Ông hiểu tình hình của phái Võ Đang là rất tuyệt vọng, có thể bị tiêu diệt vì đại địch đã vào đạo quan mà không còn ai đủ sức chống trả.

Ông tiếc nuối người học trò thứ năm là Trương Thúy Sơn thông minh dĩnh ngộ mà chết sớm, không còn ai học được Thái cực quyền pháp của ông. Ông dặn dò Du Đại Nham phải biết nhịn nhục trước kẻ thù để giữ mạng sống. Rồi ông đem hết tâm pháp Thái cực quyền truyền dạy cho Du Đại Nham.

Du Đại Nham tàn phế trên hai mươi năm, lại không phải là con người thông minh tinh tế. Được thầy dạy khẩu quyết tại chỗ trong trạng thái tinh thần bị ức chế, anh ta chỉ nhớ được vài ba phần. Thế nhưng có một người học được trọn vẹn tinh yếu của bộ Thái cực quyền đó. Người ấy là Trương Vô Kỵå, giáo chủ Minh giáo, con trai của Trương Thúy Sơn, đang hóa trang trong lớp vỏ tiểu đạo sĩ phái Võ Đang.

Vô Kỵ cũng chưa hề gần nữ sắc. Thuần dương vô cực công của anh là công phu chính tông như thái sư tổ Trương Tam Phong của anh. Anh lại có căn bản võ công của Minh giáo và Cửu dương công của phái Thiếu Lâm. Nghe thái sư thúc tổ dạy khẩu quyết Võ Đang Thái cực quyền cho sư bá, anh lãnh hội ngay tinh nghĩa của bộ quyền pháp này.

Lòng trống rỗng, đỉnh đầu treo ngược,
Ngực tóp vào, lưng ưỡn cong cong,
Lỏng eo, trầm xuống hai mông,
Hai vai chìm, khuỷu tay buông nhẹ nhàng.

Đoàn quân phiên thuộc của Triệu Mẫn tiến vào đạo quan, thất vọng khi nhìn thấy Trương Tam Phong còn sống. Lực lượng Minh giáo chân chính cũng kéo hết cao thủ đi cứu ứng phái Võ Đang. Trương Vô Kỵ dùng Thái cực quyền pháp vừa học được, đánh cho quân phiên thuộc tơi tả. Triệu Mẫn thất vọng, phải rút hết quân xuống núi.
Thế nhưng có một điều dù cô cố gắng bao nhiêu cũng không rút ra khỏi đời mình được: hình ảnh Trương Vô Kỵ đã in đậm trong lòng cô. Sau đó, cô trở thành người tình của Trương Vô Kỵ.

SAO BIỂN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm