Huyền Như bị đề nghị án tù chung thân

Ngày 13-1, phiên xử bước vào phần tranh luận. Mở đầu, đại diện VKS đã luận tội và đề nghị hướng xử lý đối với vụ án.

VKS bảo “lừa tinh vi”, luật sư nói “quá đơn giản”

Theo đại diện VKS, từ năm 2007, Huyền Như đã vay hơn 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi cao nên Như không có khả năng thanh toán dẫn đến việc chiếm đoạt tiền của người sau trả cho người trước. VKS nhận định Như “lừa tinh vi” bằng cách mạo nhận nhân viên VietinBank huy động gửi tiền lãi suất cao, lợi dụng việc lơ là trong quản lý của cơ quan chủ quản, thuê người làm giả tám con dấu, hợp đồng, sổ tiết kiệm giả... Từ đó Như chiếm đoạt trắng trợn số tiền của các ngân hàng, công ty và cá nhân gửi vào tài khoản.

Đại diện VKS khẳng định hành vi của Như và các bị cáo khác là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ trong tình trạng kinh tế suy thoái, doanh nghiệp thiếu vốn làm ăn, khách hàng mất lòng tin vào ngân hàng, các tổ chức tín dụng mất lòng tin với nhau... Đây là những thiệt hại phi vật chất không thể cân đong đo đếm được.

Tại tòa, Như đã thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, ý thức cũng như phương thức phạm tội như cáo trạng cáo buộc. Dù Như phạm tội khi đang mang thai và hiện đang nuôi con nhỏ nhưng số tiền Như chiếm đoạt là đặc biệt lớn, hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả không khắc phục được nên cần áp dụng mức án tù chung thân.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: H.YẾN

Ngược lại, luật sư của Như nhận định: “Hành vi lừa của Như quá đơn giản. Khi cần tiền thì lừa được ngay”.

Luật sư của Như phân tích: Trong vụ án này có phần trách nhiệm của VietinBank. Chính khâu kiểm soát lỏng lẻo của VietinBank đã tạo môi trường thuận lợi cho Như phạm tội vì quá dễ dàng lọt qua những khâu kiểm soát mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Cạnh đó, về phía các nạn nhân, ACB biết rõ Như lấy danh nghĩa VietinBank để huy động vốn với mức lãi suất vượt trần là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng vì muốn thu lợi cho một nhóm cổ đông nên đã tạo thuận lợi cho Như lừa đảo. Hay Công ty Thái Bình Dương không có chức năng ủy thác đầu tư mà vẫn ký hợp đồng ủy thác đầu tư để hưởng lãi suất chênh lệch...

Mặt khác, theo luật sư còn nhiều địa chỉ để thu hồi các khoản tiền thu lợi bất chính nhưng cơ quan điều tra không thực hiện dù hồ sơ thể hiện rõ Như đã dùng tiền chiếm đoạt để trả lãi nặng cho ai, trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng cho ai...

Cùng với Như, Võ Anh Tuấn (phó giám đốc VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè) cũng bị VKS đề nghị mức án tù chung thân về tội lừa đảo. Theo đại diện VKS, Tuấn đã giúp sức tích cực cho Như chiếm đoạt 1.678 tỉ đồng của bốn công ty. Tuy nhiên, luật sư của Tuấn lại cho rằng thân chủ mình “chỉ là nạn nhân”, chưa đủ căn cứ xác định là đồng phạm của Như.

VKS: VietinBank không phải bồi thường

Vấn đề gây nhiều chú ý nhất trong vụ án này là ai sẽ phải bồi thường các khoản tiền bị chiếm đoạt, Huyền Như hay VietinBank?

Theo đại diện VKS, việc các cá nhân, ngân hàng, công ty bị chiếm đoạt tiền nói cần buộc VietinBank bồi thường là không có căn cứ. Đại diện VKS phân tích: Hai ngân hàng ACB và NaviBank không chấp nhận tư cách nguyên đơn dân sự là không đúng bởi Huyền Như đã dùng thủ đoạn gian dối dẫn dắt để họ tin, gửi tiền vào VietinBank rồi tự trích sang tài khoản trả sau. Ngay từ đầu đối tượng mà Như nhắm vào là tiền của hai đơn vị này. Như đã đánh vào lòng tham của các cán bộ quản lý hai ngân hàng này về lãi suất cao trái quy định. Hai ngân hàng đã đưa tiền cho các nhân viên gửi vào và che giấu giao dịch bằng cách ký hợp đồng ủy thác tiền gửi rồi hủy ngay trong ngày khi tiền đã vào tài khoản VietinBank theo dẫn dắt của Như. Hai ngân hàng này đã chấp nhận rủi ro, đem tiền gửi vào tài khoản, phó thác cho bên gửi. Tất cả giao dịch đều không trực tiếp với VietinBank mà chỉ thông qua Như ngoài chỗ làm, không kiểm tra thông tin, từ việc đơn giản nhất là qua điện thoại. Chính sơ suất trên đã tạo điều kiện cho Như thực hiện việc gian dối như tạo lệnh chi giả sau đó chiếm đoạt tiền.

Theo VKS, hành vi lừa đảo của Như đã hoàn thành ngay khi tiền của ACB và NaviBank chuyển vào tài khoản. Do đó, việc hai ngân hàng này yêu cầu VietinBank bồi thường là không có căn cứ.

Đối với Công ty An Lộc và Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Như làm giả giấy tờ để lừa ngay từ đầu, hành vi lừa đảo đã rõ, giao dịch chỉ thông qua Như và thực hiện ngoài trụ sở VietinBank, không gặp trực tiếp VietinBank nên việc hai công ty này yêu cầu VietinBank bồi thường là không có căn cứ.

Tương tự, các cá nhân, doanh nghiệp khác bị Như chiếm đoạt tiền là do Như đánh vào lòng tham, làm giả con dấu, làm giả hàng loạt hợp đồng, làm giả sổ tiết kiệm. Họ bị chiếm đoạt vì không gặp người có trách nhiệm của VietinBank, thậm chí còn giao cả tài khoản, ký khống giấy tờ để Như chiếm đoạt nên không có cơ sở buộc VietinBank bồi thường.

Theo VKS, tại tòa Như đã thừa nhận hành vi lừa đảo các cá nhân, ngân hàng, công ty. Kết hợp với các phân tích trên, VKS khẳng định Như phải bồi thường gần 4.000 tỉ đồng cho những người bị hại và nguyên đơn dân sự.

HOÀNG YẾN

Cần khởi tố lãnh đạo các ngân hàng liên quan?

Nhóm bị cáo ngân hàng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm... bị VKS đề nghị phạt từ bốn đến 10 năm tù. Nhóm bị cáo ngân hàng bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng bị đề nghị phạt từ 10 đến 20 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị phạt từ chín tháng tù đến 18 năm tù.

VKS còn kiến nghị tòa khởi tố hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của bà Nguyễn Thị Minh Hương (phó giám đốc VietinBank - Chi nhánh TP.HCM) và ông Trương Minh Hoàng (phó giám đốc VietinBank - Chi nhánh TP.HCM).

VKS cũng cho rằng cơ quan điều tra và VKSND Tối cao đã truy cứu trách nhiệm hình sự của các lãnh đạo ACB thì cũng cần phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo các ngân hàng còn lại (có hành vi thông qua một số công ty gửi tiền, bị Huyền Như chiếm đoạt). Ngoài ra, VKS kiến nghị truy tố bổ sung đối với bà Vũ Hồng Hạnh (nguyên tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, đã ký bảy lệnh chi khống để Huyền Như lợi dụng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm