Hủy án do chia nhà mà không chia đất

Năm 2006, ông Trần Văn Tương cùng bảy nguyên đơn khác khởi kiện tại TAND TP.HCM tranh chấp thừa kế nhà đất với ông Trần Văn Mỹ (cùng ngụ Hóc Môn).

Nhà đất có từ thời trước

Tất cả nguyên đơn trình bày cha của họ mất năm 1989, có vợ đầu chết năm 1960, vợ sau chết năm 2011. Với người vợ thứ nhất, ông có sáu người con, trong đó có ông Mỹ. Với người vợ thứ hai, ông có năm người con, trong đó có ông Tương. Cha và mẹ mất có để lại căn nhà tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn trên diện tích đất 3.200 m2 nhưng không để lại di chúc. Các anh em đã nhiều lần đề nghị ông Mỹ chia di sản là nhà đất này nhưng ông Mỹ không đồng ý nên họ đã kiện ra tòa.

Ông Mỹ thừa nhận mối quan hệ huyết thống như nguyên đơn trình bày. Nhà ông có tất cả 11 anh chị em và hiện có một người đang cư trú ở nước ngoài. Ông không đồng ý chia thừa kế như ý của các nguyên đơn. Bởi lẽ theo ông, nhà đất này do ông bà nội để lại cho cha mẹ nhưng không có giấy tờ. Ông là người đi đăng ký và được UBND xã giao đất theo giấy chứng nhận ngày 7-7-1993. Từ đó đến nay, chỉ gia đình ông quản lý, đóng thuế nên đất đai thuộc quyền sử dụng của gia đình ông chứ không phải là di sản thừa kế để phân chia. Khi sử dụng, ông đã trồng cây và sửa chữa nhà hết 3 triệu đồng. Đồng thời, ông cho là nguyên đơn không còn quyền khởi kiện vì đã hết thời hiệu. Người em đang ở nước ngoài cũng không có quyền lợi gì đối với phần nhà đất này.

Chia nhà không chia đất

Xử sơ thẩm tháng 7-2013, TAND TP.HCM nhận định các đương sự đều thừa nhận nguồn gốc đất do ông bà nội để lại cho cha mẹ, cho đến nay không có giấy tờ gì trừ ông Mỹ có đi đăng ký với UBND xã và được cấp giấy chứng nhận. Phía nguyên đơn không xuất trình đươc chứng cứ chứng minh phần đất là di sản thừa kế do cha mẹ để lại.

Theo quy định của pháp luật, sau ngày miền Nam giải phóng thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý, ai là người đăng ký sử dụng ổn định lâu dài, được Nhà nước giao quyền sử dụng thì người đó có quyền sử dụng đất. Vì thế, phần đất nguyên đơn tranh chấp không được xác định là di sản thừa kế.

Đối với căn nhà trị giá gần 82 triệu đồng là tài sản của cha mẹ các đương sự xây dựng năm 1972, 1973. Khi họ chết không để lại di chúc nên cần xác định đây là di sản thừa kế và phải được chia đều thành 11 phần. Việc bị đơn cho là nhà của ông bà nội là không có căn cứ vì không có chứng cứ nào phản lại lời khai của chính ông là căn nhà được cha mẹ xây năm 1973, chưa hợp thức hóa chủ quyền. Lại nữa, việc ông Mỹ cho là nguyên đơn hết thời hiệu khởi kiện cũng không đúng vì thời hiệu khởi kiện thừa kế nhà ở mà có đương sự ở nước ngoài là hết ngày 10-11-2010. Trong khi đó, nguyên đơn khởi kiện từ năm 2006. Cho rằng không thể chia theo hiện vật, HĐXX quyết định giao căn nhà cho ông Mỹ và ông có trách nhiệm hoàn lại cho mọi người trị giá các phần thừa kế.

Quyền sử dụng đất là di sản thừa kế

Mới đây, khi phúc thẩm lại vụ án do có kháng cáo, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định: Trong phần nhận xét, án sơ thẩm đã dùng các văn bản luật năm 1980, 1989 không còn hiệu lực. Đến khi quyết định, án này lại vận dụng Luật Đất đai 1987, 1993 và Bộ luật Dân sự 2005 là không phù hơp. Lý do: Vụ án được thụ lý năm 2006 khi Luật Đất đai 2003, Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 đã có hiệu lực pháp luật.

Đáng lưu ý là theo Luật Đất đai 2003 thì quyền sử dụng đất là di sản. Bản thân bị đơn chưa thực hiện nghĩa vụ theo Điều 639 Bộ luật Dân sự về nghĩa vụ của người quản lý đối với di sản thừa kế, đó là khi xác lập đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải thông báo cho các đồng thừa kế theo quy định. Án sơ thẩm không đưa diện tích đất vào chia di sản là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi các đương sự mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục nên cần hủy án xét xử lại.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm