Hợp đồng vô hiệu vì quên quyền lợi của người thứ ba

Bà C. có quyền đến cơ quan chức năng làm thủ tục điều chỉnh lại giấy đỏ.

Năm 2007, sau khi cha chết, các con bà C. lập văn bản có chứng thực của xã giao cho mẹ toàn quyền sử dụng phần đất 360 m2 mà họ được thừa kế từ người cha. Sau đó, bà C. cho bà L. 41 m2 đất, đã làm xong thủ tục cấp giấy đỏ. Tháng 5-2008, bà C. làm di chúc cho người con trai út được quyền sử dụng toàn bộ phần đất còn lại. Nhưng một năm sau, bà C. lại ra phòng công chứng làm hợp đồng tặng cho bà L. cả phần đất còn lại này. Sau đó, bà L. tiếp tục làm giấy đỏ mang tên mình.

Bà C. khởi kiện yêu cầu tòa hủy hợp đồng tặng cho trên vì cho rằng mình đã bị lừa dối. Theo bà trình bày, khi ra phòng công chứng, bà chỉ nghĩ rằng mình ký tặng cho bà L. phần đất 41 m2 thôi chứ không phải cả phần đất đã cho người con trai út. Khi bị con gái đuổi ra khỏi nhà, bà mới biết đất của bà đã bị sang tên…

Xử sơ thẩm, TAND huyện Nhà Bè chấp nhận yêu cầu của bà C. Bà L. kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện, sửa án sơ thẩm theo hướng công nhận hợp đồng tặng cho, giữ nguyên quyền sử dụng đất của bà.

Theo tòa phúc thẩm, trong mảnh đất tranh chấp có một phần diện tích là nhà ở. Các bên đương sự đều thừa nhận gia đình người con trai út của bà C. đang ở tại ngôi nhà này. Tuy nhiên, quá trình cho tặng lại không kê khai rõ những người đang sinh sống trong ngôi nhà này. Như vậy, hợp đồng tặng cho đã bỏ sót quyền lợi của người thứ ba theo khoản 6 Điều 700 BLDS.

Mặt khác, khoản 2 Điều 723 BLDS quy định trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải ghi rõ lý do tặng cho nhưng bản hợp đồng này lại chỉ ghi điều kiện tặng cho là “không điều kiện”. Ngoài ra, bà C. không biết chữ nhưng văn bản công chứng lại ghi “hai bên đã đọc lại văn bản này và đồng ý ký tên”. Việc này không đúng thực tế nên việc bà C. cho rằng có sự nhầm lẫn đối với việc tặng cho là có cơ sở. Việc tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà C. là có căn cứ.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm