Hợp đồng chỉ vô hiệu khi giả tạo và trốn tránh

Quy định này trên thực tế đang có nhiều cách hiểu khác nhau khiến sự vận dụng pháp luật không chính xác.

Đơn cử như vụ bà L. mượn nợ gần 10 tỉ đồng mà TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm. Trước đó, do không trả được nợ, bà đã ký giấy xác nhận nợ và đồng ý bán đứt ba căn nhà cho chủ nợ. Việc mua bán này chưa được thực hiện thì bà L. lại bán nhà cho người khác (một số hợp đồng đã qua công chứng...). Chủ nợ không đồng ý đã khởi kiện ra tòa yêu cầu tuyên bố hủy các hợp đồng mua bán của bà L.

Tòa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đều nhận định rằng cam kết đầu tiên giữa bà L. với chủ nợ chưa có một văn bản nào bãi bỏ. Từ việc đã có cam kết nói trên, bà L. biết rõ phải trả nợ nhưng lại bán nhà cho người khác là vi phạm cam kết trả nợ. Tòa tuyên các hợp đồng mua bán của bà L. và những người liên quan là vô hiệu.

Hợp đồng chỉ vô hiệu khi giả tạo và trốn tránh ảnh 1

Một quan điểm đồng tình với phán quyết trên và cho rằng chỉ cần có dấu hiệu giả tạo hợp đồng để trốn tránh nghĩa vụ là đã có thể tuyên hợp đồng vô hiệu. Tòa sẽ không xem xét là việc trốn tránh nghĩa vụ đó có xảy ra trên thực tế hay không. Ở đây, dù sau khi bán nhà, bà L. có tiền đủ để trả nợ nhưng chủ nợ vẫn không khởi kiện đòi tiền nợ mà khởi kiện đòi thực hiện cam kết bán nhà cấn nợ thì tòa vẫn thụ lý. Đồng thời tòa tuyên hợp đồng mua bán của bà L. với những người khác là vô hiệu.

Một quan điểm khác cho rằng hợp đồng vô hiệu chỉ xảy ra khi có dấu hiệu giả tạo và trốn tránh nghĩa vụ. Hai vế này phải đi liền với nhau thì mới đảm bảo đúng quy định.

Theo quan điểm này, cam kết của bà L. với chủ nợ không có giá trị cao hơn những cam kết của bà L. bán nhà cho người khác. Cam kết của bà L. với chủ nợ cũng không thể được ưu tiên thực hiện trước so với những cam kết khác. Và theo pháp luật, chỉ những giao dịch nào được bảo đảm thì mới có giá trị pháp lý cao hơn hoặc được ưu tiên thực hiện. Ví dụ giao dịch được công chứng, chứng thực sẽ có giá trị pháp lý cao hơn so với giao dịch không được công chứng, chứng thực, giao dịch được đăng ký bảo đảm trước sẽ được ưu tiên hơn so với giao dịch được đăng ký bảo đảm sau hoặc không được bảo đảm… Như vậy, yếu tố giả tạo ở đây chưa rõ ràng. Nhưng nếu cho đây là có sự giả tạo thì phải xem xét tiếp vế thứ hai.

Đó là tòa chỉ tuyên vô hiệu sau khi chủ nợ của bà L. kiện đòi bà phải trả nợ nhưng bà này nhất mực không trả và bảo... tôi trắng tay! Ở đây, sự kiện này cũng chưa xảy ra (chủ nợ bà L. chỉ đòi hủy hợp đồng) thì cũng chưa thể nói bà L. đã trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Còn bảo bà L. không thực hiện đúng cam kết cấn nhà trả nợ (trốn tránh) thì cũng chưa hẳn đã hợp lý như phân tích ở trên về sự ưu tiên trong các cam kết của bà L...

Thiết nghĩ trong thực tế cũng không thiếu những quan hệ giả tạo để trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba và tòa án cũng đã chỉ ra đúng đâu thật đâu giả. Tuy nhiên, để vận dụng pháp luật một cách đúng đắn, quan điểm của tôi là tòa phải xác định đủ hai vế của quy định là có sự giả tạo và có sự trốn tránh. Nếu chỉ có một vế thì chưa thể quy kết giao dịch vô hiệu. Điều này một mặt sẽ tránh oan, sai cho một số đương sự khi mà giao dịch của họ không giả tạo hoặc không trốn tránh.

Luật sư LÊ NGỌC CẢNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm