Hơn cả tình yêu - Bài 3: “Cô ấy hồi sinh cuộc đời tôi”

Với tình yêu của mình, họ đã vượt qua những ngày gian khó nhất để tạo lập gia đình hạnh phúc, thành đạt.

Lần đầu nhìn thấy anh thương binh mất một tay và một phần của đôi chân nhưng vẫn hài hước và yêu đời, cô công nhân Nguyễn Thị Nghĩa ở Nông trường Ba Vì, vốn được mệnh danh là hoa khôi của chốn thâm sơn này đã thấy con tim mình rung động.

Anh thương binh về làng

Người thương binh khiến cho cô sơn nữ phải xiêu lòng ấy tên đầy đủ là Phùng Mạnh Kỳ, người gốc Sơn Tây (Ba Vì - Hà Nội). 17 tuổi anh đã vào bộ đội, vốn có vóc dáng cao to lại nhanh nhẹn anh được lựa chọn vào lớp huấn luyện tinh nhuệ để bổ sung cho chiến trường.

Sau tám tháng huấn luyện, anh được điều động vào chiến trường miền Nam thuộc biên chế D6E12, Ðoàn Sao Vàng. Phùng Mạnh Kỳ nhanh chóng được biết đến với khả năng trinh sát giỏi, chính xác, góp phần quan trọng giúp các tổ chiến đấu của ta giành nhiều chiến thắng lớn.

Trong trận phục kích đoàn xe tiếp tế của địch trên đường 19 từ Quy Nhơn lên Tây Nguyên nhằm thu hút lực lượng của chúng để bộ đội chủ lực di chuyển thực hiện các mục tiêu chiến lược khác, ta đã chiến thắng vang dội nhưng thiệt hại cũng rất nặng nề. Nhiều người đã phải nằm lại tại chiến trường hoặc mất đi một phần cơ thể. Anh Kỳ cũng là một trong số đó khi anh bị mảnh bom xé nát bàn tay trái, cưa cụt mất bàn chân phải và hàng trăm mảnh đạn nhỏ ghim lỗ chỗ lên cơ thể. Sau trận đó, anh được chuyển ngay về tuyến dưới, rồi chuyển về địa phương để điều trị.

Quá khứ hào hùng của một trinh sát tinh nhuệ trong một binh đoàn anh hùng cũng từ đó khép lại với chàng trai xứ Đoài vừa tròn 21 tuổi.

Hơn cả tình yêu - Bài 3: “Cô ấy hồi sinh cuộc đời tôi” ảnh 1

Chấp nhận làm vợ anh, chị đã chịu nhiều thua thiệt so với những phụ nữ khác. Ảnh: VIẾT THỊNH

100 lá thư tình… không dấu chấm

Chẳng phải ngẫu nhiên mà khi được hỏi về chị nhà, anh Kỳ đã giơ bàn tay cụt lủn của mình lên khua khua rồi nói đầy tự hào: “Cậu có thấy tôi siêu không, ngày tôi cưa đổ chị ấy, đồng đội về ăn cưới bọn nó cứ phải trố mắt lên nhìn và phục lăn lóc ra đấy”.

Ngày mới gặp anh, chị Nghĩa cũng đang ở tuổi con gái xuân thì, vẻ đẹp của cô công nhân Nguyễn Thị Nghĩa nức tiếng cả nông trường. Nhiều người ngấp nghé đến tìm hiểu, nhờ người mối mai nhưng chị chưa chịu. Rồi cái lần đến thăm các anh thương binh ở trạm chăm sóc thương binh gần đó không hiểu sao chị lại thấy xao động. Chị tâm sự, ban đầu gặp anh Kỳ, ấn tượng ban đầu là một người hóm hỉnh, hay trêu đùa. Tuy nhiên, đằng sau mỗi nụ cười của anh dường như vẫn đang che giấu một nỗi buồn nào đó ghê gớm lắm.

Những ngày sau đó, chị thường tìm cớ để sang trạm thương binh, dù đã được một cán bộ của nông trường nhắc: “Các anh thương binh thường hay nóng tính và chọc ghẹo con gái lắm”. Quen nhau được một thời gian, anh Kỳ lại được điều chuyển lên thị xã Sơn Tây, ở cách nơi chị Nghĩa làm chừng mấy chục kilômét. Xa cách nhau, tưởng như tình yêu của hai người sẽ bị ngăn trở, không ngờ đó lại là sự thử thách để cho anh chị có cơ hội kiểm chứng tình cảm của mình.

Dù tay chân không còn được vẹn nguyên như người thường nhưng anh Kỳ vẫn quyết tâm chinh phục người mình yêu bằng việc tập đạp xe. Đều đặn mỗi tháng một lần anh lại lúi cúi đạp xe về nông trường nơi chị làm việc.

Mỗi lần sau buổi trò chuyện, anh lại giúi vào tay chị một lá thư. “Thư tôi viết có những bức dài đến cả chục tờ giấy mà chỉ có một dấu chấm. Tôi muốn cô ấy hiểu rằng tình yêu của tôi dài bất tận hệt như lá thư ấy” - anh Kỳ nói. Những lá thư được viết với nét chữ nắn nót, ngôn từ được trau chuốt và tình cảm chân thật của một người lính hào hoa. Chỉ mấy tháng sau đó, với 100 lá thư tình, trái tim của cô sơn nữ Nguyễn Thị Nghĩa đã chính thức thuộc về anh thương binh 1/4, tổn thương 81% sức khỏe.

Hơn cả tình yêu - Bài 3: “Cô ấy hồi sinh cuộc đời tôi” ảnh 2

Vợ chồng anh Kỳ, chị Nghĩa và đứa cháu nội đầu lòng. Ảnh: VIẾT THỊNH

Tần tảo bên chồng

Ngày quyết định làm vợ anh, chị Nghĩa cũng nhận được nhiều lời can ngăn của bạn bè, người thân. “Có người bảo với tôi yêu người như thế rồi về nuôi báo cô người ta à, thân gái yếu đuối có cáng đáng nổi không” - chị Nghĩa nhớ lại. Nhưng mỗi lần nghe được những lời khuyên răn như thế, chị chỉ nói một câu: “Anh ấy vì dân, vì nước mới bị như vậy”.

Thời gian đầu lấy nhau, chị đã phải xoay ra làm thêm nhiều nghề để nuôi sống gia đình. Hết việc ở nông trường, chị lại khai phá thêm những đồng hoang xung quanh nhà để trồng thêm sắn, thêm rau. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng chật vật khi đứa con đầu lòng ra đời. Không có tiền mua áo cho con, có những lúc chị đành phải lấy chiếc tất dài bằng len của anh Kỳ rồi tẩn mẩn gỡ ra đan lại thành áo cho con mặc. Ngày cháu mới chập chững biết đi, chị đã lăn ra đồng làm lụng. Bóng dáng chị đã quá quen thuộc trên khắp đồi hoang, núi trọc ở chốn núi non này. Bất cứ việc gì có thể tạo thu nhập cho gia đình và góp thêm bữa cơm nghèo nàn của hai bố con, chị đều lao vào làm hùng hục.

Được hỏi về vợ mình, anh Kỳ nói ngắn gọn: “Cô ấy đã hồi sinh cuộc đời tôi”. Anh nhớ lại trong những ngày mới trở về làng, đã không ít lần anh ngỏ lời với một vài cô gái nhưng ai cũng lắc đầu quầy quậy khi thấy một anh thương binh cụt tay, cụt chân như anh. “Người ta nói giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay rồi chân cứng đá mềm nhưng tôi mất cả tay lẫn chân, trách gì người ta không ngần ngại” - anh Kỳ tâm sự. Thậm chí có một cô gái khi thấy anh cố kẹp chiếc cuốc vào nách cánh tay phải để cuốc đất còn nói rất vô tâm: “Tay chân anh như thế, làm được gì mà cố cho khổ”.

Vốn là một người lính đối mặt với cái chết vẫn không run sợ nhưng khi đối mặt với ánh mắt thương hại của người đời và nhìn lại cánh tay cụt lủn, bàn chân không còn nguyên vẹn, đã có lúc anh tự nghĩ mình là một phế nhân. Vậy mà khi chị Nghĩa xuất hiện, đem lòng yêu thương đã xóa tan trong anh mọi mặc cảm ấy. “Tôi tự nghĩ ừ thì tay chân mình không được như người ta nhưng so với nhiều đồng đội khác, tôi còn có cái đầu biết suy nghĩ, còn có đôi mắt có thể nhìn và đôi tai biết nghe chứ” - anh Kỳ nói. Được sự động viên của vợ, anh bắt đầu thực hiện những dự án mà mình ấp ủ. Đầu tiên anh học lại kiến thức phổ thông, rồi quyết tâm thi vào ĐH, năm đó anh đỗ ĐH Thương mại.

Tuy nhiên, khi ấy anh chị cũng đã có với nhau hai mặt con nên suy nghĩ mãi, anh quyết định gác lại giấc mơ của mình để về làm kinh tế, cùng vợ chăm sóc các con và gửi gắm vào đó dự định còn dang dở của mình. Chồng bộn bề với công việc, chị lại tình nguyện lui về “hậu phương” để đảm nhiệm việc chăm sóc và dạy dỗ con cái. Ba người con trai đều lần lượt vào ĐH, đó chính là minh chứng cho thành quả từ sự dạy dỗ của chị.

Bây giờ, ngoài tài sản vô giá là sự thành đạt của các con, anh chị đã xây dựng được một cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước, đó là căn nhà ba tầng giữa thị xã Sơn Tây. Năm 2003, anh Kỳ lại hùn vốn với bạn bè để mở Công ty TNHH Kỳ Hợp, trong đó anh giữ vai trò chính.

“Gái có công, chồng chẳng phụ” - anh Kỳ đã nói với chúng tôi như thế. Còn chị Nghĩa lúc ấy vẫn khép nép bên chồng như bao nhiêu năm qua chị vẫn thế.

HỒ VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm