LOAY HOAY BÓNG ĐÁ CHUYÊN NGHIỆP VIỆT NAM - BÀI CUỐI

Hiểu sai về bóng đá chuyên nghiệp

Năm 2001, bóng đá chuyên nghiệp ra đời với suy nghĩ của những nhà làm bóng đá khóa IV là “cứ đi rồi thành đường còn hơn là không dám đi”. Trước đó, VFF lập cả ban bệ chuyên nghiên cứu về bóng đá chuyên nghiệp và đi Tây, đi Tàu học đủ. Cuối cùng gút lại vẫn là ta phải làm chuyên nghiệp theo kiểu của ta do đặc thù, cơ chế và do cả thể chế chính trị của ta.

Chưa thành đường đã có nhiều lối rẽ

Mùa bóng 2001 được xem là mùa thí điểm chuyên nghiệp đầu tiên - dù có ý kiến đề nghị không nên gọi đó là giải chuyên nghiệp mà phải là giải bán chuyên nghiệp. Mùa thử nghiệm đấy có những nét mới đáng chú ý là các đội có cầu thủ ngoại (trừ Thể Công, với suy nghĩ đã là đội bóng đại diện của quân đội Việt Nam thì không thể có mấy ông Tây tham gia được); đó cũng là mùa bóng mà mỗi CLB nhận được 3 tỉ đồng từ gói tài trợ của Strata (công ty tiếp thị thể thao có trụ sở chính tại Anh và là công ty có mối quan hệ mật thiết với LĐBĐ châu Á, đã giúp bóng đá Việt Nam rất nhiều trong thời mở cửa).

Hồi đấy khái niệm chuyên nghiệp dường như chỉ gói gọn trong việc có cầu thủ ngoại và có tiền tỉ (đổi lại phải mặc áo quảng cáo do nhà tài trợ cung cấp), đồng thời lương cầu thủ tăng hơn.

Từ khái niệm cứ đi rồi thành đường, các đội dần thoát ra khỏi vòng quản lý của địa phương, của Sở TDTT, qua việc bị ép phải hình thành công ty cổ phần bóng đá. Và đến thời hạn bắt buộc sau nhiều mùa bóng, các đội dần chuyển mô hình, cho dù nhiều CLB lách luật bằng cách khoác vai thêm một nhà tài trợ cho tham gia cổ phần chứ phần gốc vẫn là Nhà nước nuôi. Thời điểm đấy, những đội bóng của doanh nghiệp như HA Gia Lai, ĐT Long An được xem là mô hình cần khuyến khích dù phần gốc của hai đội bóng này là Nhà nước (tỉnh) “nhổ” đội bóng ra khỏi Sở TDTT và “bắt” doanh nghiệp quản lý, trả lương… Cứ thế, sau này nhiều doanh nghiệp cùng nhảy vào làm bóng đá dù những doanh nghiệp sau bầu Đức, bầu Thắng có người lợi dụng bóng đá để làm ăn qua mác CLB hơn là mê bóng đá, vì bóng đá thực thụ.

Hiểu sai về bóng đá chuyên nghiệp ảnh 1

Thời bao cấp CLB nào cũng có tuyến trẻ nhưng lên chuyên nghiệp thì Tây nhiều, còn cầu thủ trẻ thì bị thui chột bởi nhiều CLB bỏ phần nền tảng này. Ảnh: XUÂN HUY

Đánh mất hết giá trị truyền thống

Lối mòn mà VFF khi làm bóng đá chuyên nghiệp mong thành đường bị rẽ sang hướng khác khi người cầm trịch bóng đá chuyên nghiệp hồi đấy là ông Phạm Ngọc Viễn bị đánh bật khỏi bộ máy Liên đoàn và những người kế nhiệm đã không xem đề án làm chuyên nghiệp của ông Viễn là hướng đi cần thiết. Ngược lại, với kiểu làm mở vòng tay ôm doanh nghiệp vào và thậm chí là để chính (phần tiền của) doanh nghiệp “lái” bóng đá đi theo cách của họ, cùng lúc VFF đánh mất vai trò chủ thể… đã dẫn bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam theo hướng khác.

Nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào bóng đá là điều cần thiết. Nhưng quản được đồng tiền đấy bằng hành lang pháp lý theo đúng hướng và đúng chất của bóng đá chuyên nghiệp thì VFF không đủ khả năng. Thái Lan làm bóng đá chuyên nghiệp sau Việt Nam nhiều năm nhưng khi bắt tay làm thì họ làm kiên định theo đúng hành lang pháp lý và đúng chuẩn, từ việc hình thành CLB (vốn pháp định; điều kiện cần, đủ và bảo đảm; sau lưng đội bóng là những tập đoàn lớn giàu tiềm năng; sự hỗ trợ của Chính phủ với những chính sách khuyến khích hỗ trợ bóng đá chuyên nghiệp trong khoản thời gian nhất định…) đến những mô hình bắt buộc kèm theo. Và điều quan trọng nhất là LĐBĐ Thái Lan chỉ xem các doanh nghiệp là một phần của việc phát triển chuyên nghiệp chứ không thể là người “lái” một nền bóng đá đi theo hướng doanh nghiệp muốn.

Trở lại với bóng đá Việt Nam, hành lang pháp lý cho các CLB có nhiều lúc bị chệch khỏi đường ray chuyên nghiệp. VFF nhiều lúc chiều theo các doanh nghiệp và “ôm” các doanh nghiệp đến độ chấp nhận bỏ luôn yếu tố truyền thống của đội bóng vốn là điều kiện bắt buộc ở mỗi CLB. Chuyện về cái tên ở mỗi đội là một minh chứng. Ở Ý, một tập đoàn đứng sau lưng đội bóng có thể phá sản nhưng những cái tên như Juventus, AC Milan… thì không bao giờ bị thay hoặc gắn đầu, gắn đuôi vào. Trong khi ở Việt Nam thì nhà tài trợ muốn là được. Tệ nhất trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam là hai cái tên truyền thống Thể Công, Cảng Sài Gòn biến mất kéo theo biết bao người hâm mộ xa rời bóng đá bởi không chấp nhận chuyện đội nón, thêm tên hoặc cắt tóc, thay đầu.

Hiểu sai về bóng đá chuyên nghiệp ảnh 2

Bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan ra đời sau Việt Nam nhưng rất bài bản và đúng hướng bởi họ hiểu đúng về giá trị chuyên nghiệp. Ảnh: BANGKOK POST

Vai trò chủ tịch VFF cũng bị hiểu sai!

Bộ máy VFF qua sáu nhiệm kỳ đã trải qua tám đời chủ tịch nhưng cái cách tìm lẫn chọn chủ tịch cho thấy bóng đá Việt Nam cứ đi mà chưa thành đường. Nói như nhiều người là bóng đá Việt Nam đang xa xỉ, đang phung phí với vị trí chủ tịch VFF.

Nhiệm kỳ I, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Trịnh Ngọc Chữ trúng cử chức chủ tịch VFF. Thời điểm đó vai trò của VFF chỉ là hình thức thì người của Tổng cục điều hành bóng đá là bắt buộc… Sang nhiệm kỳ II, mọi người thống nhất bầu ông Đoàn Xê làm chủ tịch VFF chỉ vì ông đứng đầu ngành đường sắt nên hy vọng ông chủ ngành đường sắt sẽ can thiệp cho các đội bóng đi tàu giá rẻ (hồi đó còn gọi là giá duyệt), đồng thời ông Xê mang tiền của ngành đường sắt đang ăn nên làm ra cho bóng đá (!?).

Nhiệm kỳ III trở về với người Tổng cục khi đưa ông Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Mai Văn Muôn ngồi vào chỉ vì quan niệm làm chuyên nghiệp nhưng không thể thoát được thể chế “áo mặc sao qua khỏi đầu” và chắc ăn nhất là để người của cơ quan quản lý nhà nước án ngữ ở đấy…

Bây giờ, chuẩn bị sang nhiệm kỳ VII, tức là đã 24 năm hình thành tổ chức xã hội trong đó có hơn 12 năm làm chuyên nghiệp nhưng khi tìm chủ tịch mới lại cứ loay hoay với chuyện chọn ông giỏi kiếm tiền (là doanh nghiệp) hay đưa người nhà nước vào để quản lý.

Ở các quốc gia, chủ tịch VFF có thể đến từ nhiều ngành nghề nhưng điều quan trọng họ phải là người hiểu về nền bóng đá của quốc gia đó và nắm bắt được những vấn đề của tổ chức xã hội đấy lẫn đặc thù trong cơ chế và thể chế chính trị. Từ đó, họ mới có thể đưa ra từng giải pháp lẫn giải quyết được những vướng mắc để bóng đá nước nhà phát triển qua những lộ trình cụ thể.

Ở ta thì có lúc ông chủ tịch lại đi theo quy trình ngược và 12 năm qua bóng đá chuyên nghiệp bị hiểu sai lẫn vận hành sai.

tôi muốn đặt một câu hỏi và rất mong muốn có câu trả lời từ những chuyên gia bóng đá: Có nền bóng đá nào mà loay hoay với 12 năm làm chuyên nghiệp nhưng tuyến trên thì mua bán kiểu giành giật còn tuyến trẻ thì ngày càng teo tóp và mất dần chỗ đứng vì chẳng ai chăm?!

Tư duy nhiệm kỳ

Nỗi khổ của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là các nhiệm kỳ không có tính kế thừa nên nhiệm kỳ này sẵn sàng gạt bỏ những công trình hoặc định hướng của nhiệm kỳ khác. Đúc kết lại vẫn là những bước đi kiểu nhảy cóc mà không có định hướng dài lâu. Rõ nhất là hỏi các ông bầu hay các ông chủ đội bóng thế nào là bóng đá chuyên nghiệp thì nhiều ông chỉ đưa ra được lý luận có tiền bỏ vào để mua cầu thủ hay đá V-League. Còn lại những yêu cầu tiên quyết và bắt buộc như hệ thống CLB, bộ phận phát triển thương hiệu, phát triển cổ động viên… thì gần như không thấy ai nhắc đến.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm