Hiến pháp Mỹ - đụng là kiện - Bài 2: Đặt máy soi ở sân bay là vi hiến

Trong thực tế, có trường hợp chính quyền, cơ quan chức năng bị cáo buộc vi hiến khi họ có sáng kiến và toàn tâm toàn ý bảo vệ sự an toàn của công dân. Máy soi kiểm tra an ninh ở các sân bay là một kiểu sáng kiến như thế.

Muốn đi máy bay thì phải thoát y!

Trước năm 2010, các thiết bị chiếu hình tiêu chuẩn tại các sân bay đã phát hiện súng, dao, bom hoặc các vật bằng kim loại khác. Nhưng trường hợp “bom được giấu dưới đồ lót” xảy ra vào tháng 12-2009 đã khiến cơ quan chức năng đưa vào sử dụng các máy soi chụp cơ thể với tính năng hiện đại chẳng khác nào “cuổng trời” hành khách. Công nghệ ghi hình tiên tiến cho phép người chụp thấy được các hình ảnh của vật phi kim loại, trong đó có vật ở dạng bột hoặc chất lỏng. Năm 2010, Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ (TSA) lắp đặt 486 máy quét tại 78 sân bay và có kế hoạch trang bị thêm 500 máy nữa trong năm 2011.

Nhưng không phải ai cũng thấy dễ chịu với kiểu săm soi này.

Rodgers, một người làm trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, nói ông đặc biệt không thích những cái máy soi chụp cơ thể ông. “Nó khiến tôi giảm hứng thú đi máy bay” - ông nói. Nawal Taneja, giáo sư ngành hàng không của Trường ĐH bang Ohio, cho rằng: “Đi máy bay trở nên rắc rối hơn đối với hành khách”. Hình ảnh điện tử quét chụp cơ thể cho ra hình ảnh khỏa thân đặt ra vấn đề cảnh báo về tính riêng tư của con người. Các nhà phê bình đã gọi đó là “một sự khám xét thoát y không chấp nhận được”. 

Năm 2010, Trung tâm Bảo vệ thông tin riêng tư ở dạng điện tử có trụ sở tại Washington đã kiện TSA và gọi việc sử dụng máy soi chụp toàn bộ cơ thể là việc làm “ảnh hưởng nhất, xâm hại nhất và là sự khám xét bất ổn nhất trong lịch sử Mỹ”. Trong hồ sơ khiếu kiện, trung tâm này cho rằng việc quét chụp cơ thể vi phạm quyền riêng tư cá nhân hiến định, trong đó có việc không chấp nhận “những sự khám xét bất hợp lý” được nêu tại Tu chính án thứ IV của hiến pháp.

Hiến pháp Mỹ - đụng là kiện - Bài 2: Đặt máy soi ở sân bay là vi hiến ảnh 1

Cứ mỗi lần đi qua máy soi, hành khách cảm thấy mình trần như nhộng trong mắt của nhân viên an ninh sân bay. Ảnh: INTERNET

Tháng 7-2011, Tòa án Phúc thẩm liên bang số 6 xem xét nội dung kiện này trên cơ sở đối chiếu với các quy định pháp luật của liên bang. “Mặc dù đây là biện pháp phòng ngừa của TSA nhưng rõ ràng việc tạo ra hình ảnh hành khách trong trạng thái... không trang phục đã xâm phạm sự riêng tư cá nhân của con người” - Thẩm phán Douglas Ginsburg nói. Tuy nhiên, Thẩm phán Ginsburg cũng kết luận hàng hai rằng việc kiểm tra trên là hợp lý và chính đáng vì cuộc sống đang bị đe dọa và việc sử dụng máy quét là cách tốt nhất để ngăn chặn các chất nổ phi kim loại được mang lên máy bay. “Sự cân bằng giữa quyền riêng tư cá nhân và yêu cầu đảm bảo an ninh đó rõ ràng ủng hộ chính quyền” - ông tuyên bố.

Phán quyết này của tòa không phải là một chiến thắng toàn bộ của chính quyền. Tòa án phán quyết rằng cơ quan chức năng phải làm như vậy nhưng “hành khách có quyền không chịu cho kiểm tra cơ thể bằng máy và đây là một quyền hợp pháp”.

Các quan chức của TSA cho biết đang xem xét khả năng kháng cáo phán quyết trên. Tuy vậy, trước mắt họ vẫn khẩn trương cài đặt phần mềm mới trên các máy soi chụp cơ thể toàn thân, thay hình ảnh khỏa thân cụ thể của cá nhân hành khách bằng những hình ảnh có tính phổ quát. Nói nôm na, anh cải tiến thế nào để nhân viên an ninh nhìn thấy hình ảnh hành khách trên màn hình không còn cảnh trần truồng như nhộng nữa.

Cấm cửu vạn đứng đường là vi hiến

Không chỉ ở Việt Nam, ở Mỹ cũng có những “chợ người” “họp” bên các vệ đường để chờ ai đó đến thuê làm việc. Thời buổi kinh tế khó khăn, thất nghiệp có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, nên chuyện “chợ người” xuất hiện ở Mỹ cũng là bình thường. Và nói cho ngay, hình ảnh đứng ngồi lố nhố kiểu này không lấy gì làm đẹp mắt cho lắm, nó vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Hiến pháp Mỹ - đụng là kiện - Bài 2: Đặt máy soi ở sân bay là vi hiến ảnh 2

Một góc bến tàu Redondo Beach. Ảnh: redondo.com

Chính vì vậy, chính quyền các thành phố ở bang California, Mỹ đã ra quy định “cấm chào mời” để chấn chỉnh tình trạng này. Tính sơ bộ gần đây, khoảng 50 thành phố ở bang California đã đồng loạt ban hành những quy định chống chào mời như thế. TP Redondo Beach (quận Los Angeles, bang California) cũng không ngoại lệ. Các quan chức ở Redondo Beach cho rằng quy định này là cần thiết để chấn chỉnh an toàn giao thông tại hai nút giao thông chính, cấm đứng trên đường phố hay đường cao tốc và nài xin những người đi xe qua đường việc làm hay một sự giúp đỡ nào đó.

Nhưng vào năm 2004, sự kiện cảnh sát bắt giữ gần 60 người lao động công nhật đang đứng chờ việc bên đường đã khiến dư luận nổi khùng. Tổ chức Mạng lưới Người lao động công nhật quốc gia sau đó đã kiện chính quyền thành phố.

Giữa tháng 9-2011, Tòa Phúc thẩm liên bang số 9 phán quyết rằng quy định của thành phố Redondo Beach với mục đích đàn áp người làm công là trái với hiến pháp về tự do ngôn luận. Theo tòa, quy định cấm này đi quá sự cần thiết để cải thiện an toàn giao thông TP. Các thẩm phán cho rằng quy định rộng đến mức chúng có thể được áp dụng đối với “trẻ em bán nước chanh trên vỉa hè trước nhà mình, cũng như các nữ hướng đạo bán bánh quy trên vỉa hè” và thậm chí “cả những người tuần hành xin quyên góp cho một quỹ cứu trợ thiên tai”.

Tuy vậy, ngay trong hội đồng xét xử đã có sự bất đồng mạnh mẽ. Thẩm phán Alex Kozinski gọi phán quyết trên là “điên rồ”. “Đa số đã sai một cách rõ ràng, quá mức và hấp tấp” - Thẩm phán Kozinski viết. Thẩm phán Kozinski nói thành phố đã cố gắng kiểm soát vấn nạn “xả rác, phá phách, tiểu tiện bừa bãi, gây trở ngại cho người đi bộ trên vỉa hè, quấy rối phụ nữ và làm hư hại tài sản”. Ông viết thêm: “Không có gì trong Tu chính án thứ nhất của hiến pháp ngăn cản chính quyền đảm bảo vỉa hè dành cho người đi bộ chứ không phải những kẻ vô công rồi nghề lang thang; đường phố được sử dụng đúng là đường phố thông thoáng chứ không phải là những hội trường cho thuê ngoài trời và cây cối có giá trị cảnh quan hơn là nhà vệ sinh”.

Ông Mike Gin, Thị trưởng Redondo Beach, cho biết các quan chức thành phố thất vọng với phán quyết và sẽ thảo luận về việc có kháng cáo lên Tòa án Tối cao liên bang hay không trong cuộc họp hội đồng sắp tới. Những người lao động đang “tìm kiếm việc làm giống như nhiều người trong chúng ta. Vấn đề là ... nó gây ra một mối nguy hiểm cho sự an toàn của cộng đồng và ảnh hưởng đến an toàn giao thông” - ông Gin nói.

Jose Francisco Freyre, một người làm công bị bắt và buộc tội vi phạm quy định mấy năm trước, nói rằng ông cảm thấy “công lý đã được thực thi”. Ông nói thêm: “Tôi cảm thấy hạnh phúc. Chúng tôi đến đây để làm việc”.

Lạng quạng là vi hiến

Mới đây, Tòa Phúc thẩm liên bang tại thành phố Atlanta (thuộc bang Georgia) tuyên bố điều khoản yêu cầu công dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế trong Luật Cải cách y tế mà Tổng thống Barack Obama ban hành ngày 23-3-2010 là vi hiến. Tòa tuyên bố mục đích cơ bản của luật này là làm cho nhiều người tiếp cận được với bảo hiểm sức khỏe và giảm số người không được bảo hiểm nhưng điều khoản yêu cầu người dân phải mua bảo hiểm y tế vượt quá thẩm quyền luật định.

Tương tự, năm ngoái, tòa án liên bang tại California đã tuyên bố việc cấm binh lính Mỹ tiết lộ về sự đồng tính của mình là vi hiến vì vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được đối xử công bằng của các công dân Mỹ. Đạo luật “Don’t ask, don’t tell” (không hỏi, không nói) buộc tất cả những binh lính đồng tính phải giữ bí mật xu hướng giới tính của bản thân, nếu vi phạm thì sẽ bị sa thải khỏi quân đội Mỹ. “Đạo luật này rõ ràng đã vi phạm Tu chính án thứ V hiến pháp”- Thẩm phán Virginia Phillips viết trong bản án.

ĐẶNG NGỌC HÙNG dịch

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm