Gỡ vướng trong xét xử phúc thẩm

Bài viết này tập trung đến phạm vi, thẩm quyền xét xử của tòa phúc thẩm.

Thực tiễn đã xảy ra trường hợp VKS huyện K. truy tố bị cáo về tội cố ý gây thương tích. Xử sơ thẩm, TAND huyện K. cũng kết án bị cáo về tội này. Nạn nhân kháng cáo yêu cầu xử bị cáo về tội giết người, sau đó được tòa phúc thẩm chấp nhận.

Xử tội danh nặng hơn: Tùy trường hợp

Phán quyết trên đã gây tranh cãi. Có người nói tòa phúc thẩm chuyển tội danh theo hướng nặng hơn do có kháng cáo (hoặc kháng nghị) là đúng theo Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng cũng có nhiều ý kiến ngược lại.

Theo ông Đinh Văn Quế, Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tòa phúc thẩm có quyền áp dụng điều khoản của BLHS về tội nặng hơn nhưng không thể vì thế mà cho rằng trong mọi trường hợp tòa phúc thẩm đều có quyền này mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

Với trường hợp trên, ông Quế cho rằng tòa phúc thẩm không được chuyển tội danh từ tội cố ý gây thương tích sang tội giết người vì VKS không truy tố, tòa sơ thẩm cũng chưa xét xử bị cáo về hành vi giết người. Do đó, nếu tòa phúc thẩm thấy đúng là bị cáo phạm tội giết người thì chỉ có quyền y án sơ thẩm và kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét.

Gỡ vướng trong xét xử phúc thẩm ảnh 1

Một phiên xử phúc thẩm tại TAND tối cao TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Ông Quế cho biết thêm tòa phúc thẩm có thể chuyển từ tội nhẹ sang tội danh nặng hơn trong trường hợp VKS đã truy tố về tội danh đó nhưng tòa sơ thẩm không kết án bị cáo về tội danh truy tố.

Không chuyển từ “treo” sang “giam”

Tại hội nghị tổng kết ngành tòa án năm 2007, vấn đề này đã được đề cập nhưng đến nay do chưa có hướng dẫn chính thức nên các tòa phúc thẩm vẫn chuyển án treo thành tù giam.

Ông Quế cho biết: Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tòa phúc thẩm được giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo chứ không có quy định nào cho phép tòa phúc thẩm chuyển từ án treo thành án tù giam.

Khoản 3 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định trong trường hợp VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì tòa phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của VKS hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự. Ở đây, không thể coi việc chuyển từ án treo thành tù giam là áp dụng điều khoản của BLHS về tội nặng hơn.

Không kháng cáo, kháng nghị: Có thể hủy án

Việc tòa phúc thẩm có quyền hủy án sơ thẩm để điều tra lại đối với các bị cáo không kháng cáo và không bị kháng nghị hay không đến nay vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Có người nói theo Điều 241, Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự, tòa phúc thẩm không được hủy án sơ thẩm để điều tra lại đối với phần của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị. Ngược lại, Tòa Hình sự TAND Tối cao cho rằng tùy từng trường hợp mà tòa phúc thẩm vẫn có thể hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Chẳng hạn, tòa sơ thẩm phạt A hai năm tù, B một năm tù về tội tổ chức đánh bạc. A kháng cáo xin giảm án, B không kháng cáo và cũng không bị kháng nghị. Tòa phúc thẩm giảm hình phạt cho A và hủy phần bản án đối với B để điều tra lại với lý do hành vi tổ chức đánh bạc của B chưa rõ và tòa phúc thẩm không thể khắc phục được.

Trường hợp này, nếu tòa phúc thẩm thấy không đủ căn cứ chứng minh B phạm tội thì chỉ có quyền tuyên bố bị cáo không phạm tội, hủy phần bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với B. Nếu xét thấy cần thiết thì kiến nghị cấp có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm.

Tuy nhiên, khi vụ án có nhiều bị cáo, hành vi phạm tội của bị cáo này liên quan đến bị cáo khác, nếu thấy cần thiết thì tòa phúc thẩm vẫn có quyền quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm kể cả đối với các bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị.

Lúc nào hủy án vì vi phạm tố tụng?

Theo ông Đinh Văn Quế, nếu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, tòa sơ thẩm phát hiện ra các vi phạm tố tụng nghiêm trọng, trả hồ sơ nhưng VKS hoặc cơ quan điều tra không khắc phục thì đó không phải là căn cứ để tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm.

Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, tòa sơ thẩm không phát hiện hoặc đã phát hiện được các vi phạm tố tụng nghiêm trọng nhưng không trả hồ sơ thì cũng phải coi là chính tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Đó là căn cứ để tòa phúc thẩm hủy án.

Một số vướng mắc cụ thể

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Điều 23 BLHS quy định tương đối cụ thể nhưng thực tiễn xét xử có một số trường hợp cần xác định thời hiệu thì lại có nhiều ý kiến khác nhau. Chẳng hạn, căn cứ vào tội danh do cơ quan điều tra khởi tố để làm căn cứ tính thời hiệu hay căn cứ vào tội danh thật sự mà họ đã phạm? Vụ án bị hủy đi hủy lại nhiều lần để xét xử lại hoặc để điều tra lại, bị tạm đình chỉ, thậm chí bị bỏ quên thì thời gian kéo dài vụ án có tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không...

Bồi thường tổn thất về tinh thần trong trường hợp có nhiều người chết mà chỉ có một người là người thân thích của người chết: Trường hợp này, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa cũng không được vượt quá 60 tháng lương tối thiểu hay cứ mỗi người bị xâm phạm tính mạng, những người thân thích được bồi thường tổn thất tinh thần tối đa không vượt quá 60 tháng lương tối thiểu...

Tham ô: Vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là đối với doanh nghiệp mà phần vốn góp của nhà nước chỉ chiếm một tỉ lệ nhất định (nhà nước không giữ quyền chi phối doanh nghiệp) thì có tội tham ô tài sản trong các doanh nghiệp đó hay không…

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm