Giấy đỏ ghi sai: Dân khổ, tòa nhức đầu!

Tại một hội thảo về công tác thanh tra, xử lý vi phạm về đất đai gần đây, Phó Chánh án TAND Tối cao Từ Văn Nhũ đã phân tích nhiều thiếu sót trong việc cấp giấy đỏ cho người dân lộ ra qua thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai của ngành tòa án...

Chuyện nội dung giấy đỏ ghi không chuẩn vừa làm phát sinh nhiều tranh chấp phức tạp, vừa gây khó khăn cho tòa khi xét xử.

Giấy ghi không chuẩn: Tòa khó xử

Cụ thể, một số trường hợp cơ quan chức năng cấp giấy đỏ nhưng không ghi rõ là cấp cho chủ thể nào: Cấp cho hộ gia đình, cho cá nhân hay cho vợ chồng. Có cơ quan thì ghi cấp cho “hộ ông...” hoặc cấp cho “ông” dù thực tế thửa đất thuộc quyền sử dụng của vợ chồng hoặc của tất cả thành viên trong gia đình.

Việc ghi không đúng tên chủ sử dụng trong giấy đỏ đã nảy sinh nhiều tranh chấp phức tạp. Ví dụ: Cơ quan cấp giấy chỉ ghi tên một người là ông Nguyễn Văn A vào giấy đỏ mà không ghi đầy đủ tên của những người có quyền sử dụng đất. Ông A đem giấy đỏ đi thế chấp vay vốn tại ngân hàng. Căn cứ vào giấy đỏ, các bên lập hợp đồng tín dụng chỉ ghi ông A đứng tên vay vốn. Khi xảy ra tranh chấp, tổ chức tín dụng khởi kiện và phát mại tài sản là quyền sử dụng đất thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các đồng sử dụng đất khác.

Tương tự, các giấy đỏ được cấp theo Luật Đất đai năm 1993 không ghi rõ trong giấy là cấp cho hộ gia đình mà ghi giống như cấp cho cá nhân. Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp, tòa đều phải có văn bản đề nghị UBND cấp có thẩm quyền xác định thực chất đất đó được cấp cho hộ gia đình hay cấp cho cá nhân nhưng chưa được trả lời nhất quán và có căn cứ pháp luật.

Giấy đỏ ghi sai: Dân khổ, tòa nhức đầu! ảnh 1

Giấy đỏ ghi không rõ chủ sử dụng đất đã dẫn đến hệ lụy là ngành tòa án gặp khó khăn khi giải quyết tranh chấp. Tòa xử xong, dù có căn cứ cũng vẫn thường xuyên bị các đương sự khiếu nại. Vì thế, Phó Chánh án TAND Tối cao Từ Văn Nhũ đã đề xuất cần quy định rõ trường hợp cấp giấy đỏ cho hộ gia đình thì phải ghi rõ, đầy đủ họ tên của tất cả thành viên có quyền sử dụng đất theo hộ gia đình.

Không sửa sai cũng không sao?

Theo ông Nhũ, ở một số địa phương có hiện tượng cấp giấy đỏ không đúng quy định về thủ tục. Chẳng hạn, cơ quan chức năng tổ chức đo đạc không ghi rõ ranh giới thửa đất, không đo đạc diện tích cụ thể từng thửa đất hoặc chỉ dựa trên bản đồ không ảnh. Một số trường hợp khi cấp giấy không xác minh, thẩm định lại hồ sơ...

Hậu quả là diện tích, ranh giới trên giấy đỏ không đúng với diện tích, ranh giới thực tế, dễ xảy ra chuyện cấp giấy sai đối tượng, cấp trùng, cấp nhầm thửa. Thậm chí có trường hợp cấp giấy đỏ có số thửa, số tờ bản đồ hẳn hoi nhưng khi kiểm tra bản đồ địa chính thì không tìm được số thửa đó nằm ở đâu và trên thực địa cũng không xác định được vị trí.

Đây là một nguyên nhân làm phát sinh nhiều tranh chấp, nhất là đối với những người sử dụng đất liền kề nhau hoặc đất được bán đi bán lại nhiều lần. Ngoài ra, qua thực tiễn xét xử, ngành tòa án thấy nổi lên một bất cập là pháp luật hiện hành chưa có quy định chế tài những trường hợp đã phát hiện có sai lầm, có kiến nghị của tòa án hay của cơ quan chức năng nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn không thu hồi, chỉnh sửa giấy đỏ. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Kiện đòi giấy đỏ, tòa không giải quyết

Thời gian qua, TAND các cấp đã nhận được nhiều đơn khởi kiện đòi lại giấy đỏ bị người khác chiếm giữ. Có tòa trả đơn khởi kiện, có tòa lại thụ lý, giải quyết.

Ông Từ Văn Nhũ cho rằng theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự, giấy đỏ không phải là tài sản mà chỉ là tờ giấy ghi nhận trên bề mặt của nó những thông tin về thửa đất và chủ thể được chứng nhận về quyền tài sản. Do đó, ngành tòa án xác định tranh chấp về bản thân giấy đỏ không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Mặt khác, trường hợp này không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND và cũng không thuộc trường hợp được cấp lại giấy đỏ mới.

Để tháo gỡ, theo ông Nhũ cần phải có quy định cụ thể hoặc quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp lại giấy đỏ với trường hợp này.

Luật chưa cụ thể

Điều 50 Luật Đất đai quy định chưa đầy đủ về cụm từ “đất có tranh chấp”. Theo đó, khi xét cấp giấy đỏ mà đất có tranh chấp thì sẽ không được cấp giấy. Trong thực tiễn giải quyết, vấn đề thường hay xảy ra là nhiều tranh chấp không có cơ sở nhưng cơ quan quản lý cũng không thể cấp giấy đỏ cho người sử dụng đất được vì vướng quy định trên.

Ví dụ: A không có quyền lợi liên quan gì đến phần diện tích đất mà B đang xin cấp giấy đỏ nhưng A vẫn gửi đơn cho UBND khiếu nại, tranh chấp quyền sử dụng đất với B mà không nộp đơn đến tòa án. Trong trường hợp này, B không thể xin được cấp giấy đỏ vì đang có tranh chấp của A dù tranh chấp rõ ràng là không có cơ sở gì cả.

Về vướng mắc này, tôi nghĩ Luật Đất đai cần phải được tiếp tục hoàn thiện. Chẳng hạn có thể quy định cụ thể thời hạn mà người tranh chấp có nghĩa vụ nộp đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Nếu quá thời hạn đó mà không nộp đơn yêu cầu giải quyết thì coi như không còn tranh chấp.

Ông TỪ VĂN NHŨ, Phó Chánh án TAND Tối cao

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm