Giật tiền con nợ

Mới đây, bà TTMH vừa nộp đơn kêu cứu cho rằng Công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp bỏ lọt tội phạm, gây thiệt hại cho quyền lợi của bà.

Xông vào nhà chộp tiền mang đi

Bà H. trình bày do làm ăn thua lỗ nên có nợ của tiệm vàng L. 500 triệu đồng kèm tiền hụi là 300 triệu đồng (được xác nhận bằng giấy viết tay). Tháng 10-2013, bà H. trả được 100 triệu đồng, số còn lại bà dự định sẽ bán tài sản để trả nợ vào dịp cuối năm.

Sáng 10-11-2013, khi bà H. đang ngồi trong nhà (ở xã Định Yên), bất ngờ một nhóm người do bà L. dẫn đến mở cửa, xông vào nhà bà gây áp lực buộc phải trả nợ. Thấy bà H. đang để hai xấp tiền bên cạnh, bà L. liền tới chụp lấy rồi chuyền cho một thanh niên đi cùng. Mặc cho bà thanh minh số tiền đấy không phải của mình, bà L. cùng nhóm người kia vẫn ngang nhiên chiếm đoạt rồi đi nhanh ra cửa. Ngay sau đó, bà L. còn quay lại chộp luôn xấp tiền còn lại trên ghế rồi ra xe bỏ đi. Toàn bộ diễn biến sự việc đã được hệ thống camera an ninh ghi nhận lại.

Sau khi bà H. đến trình báo công an huyện và cung cấp toàn bộ clip ghi lại vụ việc tố cáo bà L. công nhiên chiếm đoạt tài sản thì bà L. đã mang số tiền trên đến công an nộp lại.

Công an: Do nóng lòng nên không có tội

Một thời gian sau, công an có kết luận vụ việc với nhận định vụ việc bà L. cùng người thân tự ý xông vào nhà bà H. “cướp” 230 triệu đồng của bà H. là có thật. Tuy nhiên, động cơ gây án là do... nóng lòng thu hồi nợ. Vì thế công an xác định vụ việc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm và quyết định không khởi tố vụ án.

Không đồng tình, bà H. khiếu nại quyết định trên của công an. Theo bà H., bà L. không phải chủ nợ của bà nên không có quyền thu hồi nợ. Việc thiếu nợ là giữa bà với con gái bà L. và được giải quyết bằng dân sự tại tòa án. Còn hành vi của bà L. giật 230 triệu đồng là nhằm mục đích chiếm đoạt, có dấu hiệu của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội phạm đã hoàn thành.

Tuy nhiên, phía công an vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Theo công an huyện, việc giao dịch tiền hụi và tiền mượn là trực tiếp với nhau giữa bà L. và bà H., không thông qua người nào khác. Bà L. là người trực tiếp cho bà H. mượn tiền. Do nóng lòng muốn thu hồi nợ nên ngay sau khi chộp tiền, bà L. đã mang số tiền đến công an xã nhờ cơ quan pháp luật xử lý chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt...

Hành vi chiếm đoạt tài sản đã rõ

TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM) cho rằng quan điểm nói trên của Công an huyện Lấp Vò là không hợp lý. Theo đó, hành vi chiếm đoạt tài sản chỉ đòi hỏi dấu hiệu cố ý chuyển biến một cách trái phép tài sản của người khác thành tài sản của mình. Hành vi này làm cho chủ sở hữu mất khả năng thực tế thực hiện các quyền sở hữu (còn người chiếm đoạt thì lại có khả năng thực hiện các quyền này). Trong vụ này, việc bà L. lấy số tiền của bà H. rồi đem đến nhờ công an giữ hộ cũng là đã tước đoạt các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt số tiền 230 triệu đồng của bà H.

Theo TS Tuấn, không thể lập luận “động cơ gây án là do nóng lòng thu hồi nợ” nên không coi hành vi của bà L. là chiếm đoạt tài sản. Bởi vì động cơ gây án không phải là dấu hiệu để loại trừ hành vi chiếm đoạt. Điều này cũng giống như tình huống đã xét xử ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng): Một số học sinh nam giật mũ của bạn gái để trêu chọc chứ không có ý định chiếm đoạt mũ của bạn gái nhưng vẫn bị xử lý về tội cướp giật tài sản. Ở đây, dù động cơ giật mũ là để trêu chọc nhưng rõ ràng hành vi chiếm đoạt đã xảy ra. Vì thế vấn đề tranh cãi trong vụ án “giật mũ” là ở cách thức xử lý hình sự chứ không phải về tội danh.

Tóm lại, hành vi của bà L. và một số người lấy tài sản của bà H. có đủ dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản. Vấn đề tiếp theo cần xác định nó đủ yếu tố cấu thành tội gì.

Tội gì?

Theo TS Phan Anh Tuấn, hành vi uy hiếp dựa trên số lượng đông người, làm cho bà H. không thể chống cự để bảo vệ tài sản của mình đã có đủ dấu hiệu của tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS). Tuy nhiên, khi xử lý hình sự cần lưu ý các tình tiết của vụ án để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bà L. và số người đi cùng.

Khác với TS Tuấn, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của bà L. đã đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 BLHS. Theo đó, bà L. có vai trò chủ mưu, còn nhóm người thực hiện hành vi nêu trên sẽ là đồng phạm.

Theo luật sư Trạch, hành vi của bà L. là ngang nhiên chiếm đoạt hai xấp tiền của bà H. Cụ thể, hành vi của nhóm người bà L. xông vào gây áp lực đã làm cho bà H. như bị tấn công, cảm giác sợ và tin rằng nhóm người này sẽ dùng bạo lực nếu không để cho họ lấy tài sản. Giữa thời điểm đe dọa sẽ dùng vũ lực với thời điểm dùng vũ lực có khoảng cách nhất định về thời gian. Đây là điểm phân biệt giữa tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS) và cưỡng đoạt tài sản. Tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi như đe dọa sẽ dùng vũ lực (thái độ, cử chỉ, lời nói tạo cho người bị tấn công cảm giác sợ hãi). Việc người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không không ảnh hưởng đến việc định tội danh.

“Việc công an không khởi tố vụ án vì cho rằng động cơ gây án là do nóng lòng thu hồi nợ là trái với các quy định của pháp luật và bỏ lọt tội phạm” - luật sư Trạch nói.

Theo bạn, hành vi của bà L. có phải là tội phạm không? Nếu có thì là tội gì?

HOÀNG YẾN

Nhập nhằng quan hệ dân sự và hình sự

Ngày 24-2-2014, TAND huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc bà H. mượn 500 triệu đồng của bà P. (con bà L). Đây là vụ án dân sự do bà P. khởi kiện và tòa thụ lý vào tháng 1.

Tuy nhiên, trước đó, tháng 12-2013, khi bà L. gửi đơn tố cáo bà H. lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, công an huyện đã ra công văn ngăn chặn chuyển dịch tài sản gửi các cấp xã, huyện không làm thủ tục chuyển dịch tài sản nào của bà H. cho người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm