Giám định pháp y: Tuổi nạn nhân + 10% = tỷ lệ tổn hại sức khỏe?

Vậy, tỷ lệ phần trăm ấy khác nhau là do đâu?

Từ thông tư “đi mượn để dùng”

Theo Tiến sỹ Vũ Dương- Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả giám định luôn khác biệt nhau ở các lần giám định đó là sự quá cũ, quá lạc hậu của bảng tỷ lệ phần trăm xác định mức độ tổn hại sức khỏe đang được áp dụng hiện nay. Hiện cơ quan giám định pháp y vẫn đang sử dụng Thông tư liên bộ số 12/TT-LB ngày 26-7-1995 của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH quy định thương tật, bệnh tật. ban hành bảng tỷ lệ %,1995 sử dụng cho thương binh, những người có công, mất sức lao động…

Giám định pháp y: Tuổi nạn nhân + 10% = tỷ lệ tổn hại sức khỏe? ảnh 1

Bảng tỷ lệ được ban hành cách đây 25 năm của ngành khác rồi áp vào sử dụng một cách đương nhiên cho cả giám định pháp y khiến nhiều khi các giám định viên không biết áp dụng kiểu nào vì không có đủ các mục tổn thương. Thông tư đó không đầy đủ các mục cho tổn thương (sẩy thai, tổn thương nhu mô não, khuyết sọ, mổ nội soi) để áp dụng, thậm chí đã lỗi thời so với tốc độ phát triển kỹ thuật, công nghệ như hiện nay. Nhiều người cho rằng đây là kẽ hở để cho các giám định viên không có tâm vận dụng có lợi cho đối tượng thân quen.

Hiện tại cơ quan điều tra tố tụng và các giám định viên tư pháp dựa vào tính pháp lý của các văn bản pháp luật. Cơ quan trưng cầu chỉ trưng cầu cơ quan giám định, hoặc đích danh giám định viên đã được bổ nhiệm, cơ quan giám định cử giám định viên thực hiện lệnh trưng cầu nếu đáp ứng được con người, phương tiện và trình độ chuyên môn.

Trên thực tế một số cơ quan trưng cầu lại trưng cầu nơi không có chức năng giám định, những người không phải là giám định viên thực hiện giám định, cơ quan trưng cầu tố tụng lại không kiểm tra sử dụng bản kết luận giám định không mang tính pháp lý. Thí dụ, tiêu đề là trung tâm giám định pháp y tỉnh, dưới đóng dấu của một bệnh viện huyện, có khi bệnh viện lại xác nhận một người không ăn lương, không biên chế, không phải do cơ quan mình quản lý. Ngoài ra, sự dễ dãi của cơ quan tố tụng sử dụng các bản kết luận giám định không mang tính pháp lý, cũng góp phần làm cho các vụ án bị kéo dài, tạo sự xung đột trong giám định, có khi không thể giám định lại để có bản kết luận pháp y chính thống, cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra xét xử.

Đến “sáng tạo” cách giám định

Tiến sỹ Vũ Dương cho biết, trong những lần kiểm tra tuyến, Viện Pháp y quốc gia đã phát hiện ra một kiểu tính tỷ lệ phần trăm  trong vụ án hiếp dâm có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam: lấy số tuổi của nạn nhân cộng với 10% để cho ra tỷ lệ tổn hại sức khỏe. Có nghĩa là một bé gái 3 tuổi sẽ ít tổn hại hơn một bà lão 60 tuổi khi cùng bị xâm hại tình dục.  Câu trả lời của đích thân người “phát minh” ra cách tính tỷ lệ phần trăm này rất đơn giản, “ vì tra không có quy định không biết tính kiểu gì”.

Thời gian qua cũng có nhiều vụ án không thể giải quyết, chỉ vì lý do thiếu quy định, khiến gia đình khiếu kiện kéo dài.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, sở dĩ hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng đang trở thành một trong những “điểm nghẽn” của công cuộc cải cách tư pháp là do vấn đề nhận thức. Tất cả các cấp lãnh đạo, ban ngành về tầm quan trọng của hoạt động giám định tư pháp đều chưa xứng tầm, chưa đến ngưỡng.

Và do vậy, nên mới có câu chuyện một bản tỷ lệ tổn hại sức khỏe dùng cho tai nạn lao động lại được áp dụng cho cả pháp y trong một quãng thời gian dài đến vậy, mà chẳng ai quan tâm. Mới đây, đoàn khảo sát của Ủy ban tư pháp Quốc Hội đã đến làm việc với Viện Pháp y, đại diện Bộ Y Tế, Bộ Tư pháp về những bất cập và khó khăn trong hoạt động pháp y để cùng tìm ra giải pháp đưa nghề  “quyền rơm,vạ đá” này thực sự phát huy hết giá trị của nó.

Theo Hương Nguyên (NDĐT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm