Giám định không gọi người đến mà chỉ qua hồ sơ

Tuy nhiên, trong vụ này, VKS trưng cầu giám định bổ sung tỉ lệ thương tật của người bị hại qua hồ sơ trong khi nạn nhân đang còn sống.

Năm 2011, Phạm Ngọc Huệ xuống TP Kon Tum chơi, gặp Võ Đình Hân cùng vài người bạn. Thấy một người trong nhóm có vết băng trên mặt, Huệ hỏi thì bạn nói do bị đánh. Cả bọn nghe vậy liền rủ nhau đi tìm người đánh trả thù.

Hung hăng chém nhầm người

Sau đó Huệ cầm một con dao rựa lên xe để Hân chở đến đường Nguyễn Thiện Thuật (phường Duy Tân). Lúc đó một nhóm thanh niên đang chơi bầu cua thấy nhóm của Huệ cầm dao đến liền bỏ chạy tán loạn. Đang đứng chơi, anh Trần Minh Chương thấy vậy cũng bỏ chạy. Thấy anh Chương có đặc điểm giống người đã đánh bạn mình, Hân kêu to và cùng Huệ (cầm dao) chạy tới chém một nhát vào tay trái anh Chương. Anh Chương ôm tay bỏ chạy. Lúc này biết đã chém nhầm người, Hân lái xe chở Huệ bỏ trốn. Về sau, cả hai ra cơ quan công an đầu thú.

Huệ và Hân bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Theo kết quả giám định pháp y của phòng Giám định pháp y BV Đa khoa tỉnh Kon Tum, anh Chương bị liệt dây thần kinh giữa đoạn cổ tay, cứng khớp khuỷu tay, tỉ lệ thương tật toàn bộ là 41% tạm thời. Dựa vào kết quả này, VKSND TP Kon Tum đã truy tố Huệ và Hân theo khoản 3 Điều 104 BLHS (khung hình phạt từ năm năm tù đến 15 năm tù).

Tháng 8-2014, trong phiên xử sơ thẩm (lần đầu) của TAND TP Kon Tum, Huệ và Hân đã yêu cầu giám định lại tỉ lệ thương tật của anh Chương. Tòa đã hoãn xử, trả hồ sơ yêu cầu VKSND TP Kon Tum trưng cầu giám định bổ sung. Theo kết quả giám định bổ sung vào cuối tháng 8-2014 của phòng Giám định pháp y BV Đa khoa tỉnh Kon Tum, tỉ lệ thương tật của anh Chương tại thời điểm giám định chỉ còn 26%.

Dựa vào kết quả giám định bổ sung, VKSND TP Kon Tum đã truy tố Huệ và Hân theo khoản 2 Điều 104 BLHS (khung hình phạt từ hai năm tù đến bảy năm tù). Mới đây, xử sơ thẩm (lần hai), TAND TP Kon Tum đã vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung, tuyên phạt Huệ 15 tháng tù, Hân 12 tháng tù.

Giám định bổ sung vắng mặt nạn nhân

Anh Chương đã kháng cáo, đề nghị TAND tỉnh Kon Tum xem lại bản kết luận giám định bổ sung vì anh là người bị hại của vụ án, là đối tượng được giám định nhưng lại không hề hay biết gì về việc giám định nói trên.

Anh Chương bức xúc: “Bản thân tôi không hề nhận được một quyết định hay thông báo trưng cầu giám định bổ sung nào của VKS cả. Ngày 18-8-2014, tôi có nhận được giấy mời của VKS ghi là “có mặt tại VKS để trình bày một số vấn đề của vụ án”. Song do tôi đang làm việc tại TP.HCM chưa về kịp thì hai ngày sau đó (20-8), người nhà tôi nhận được thông báo của VKS nêu: “… VKSND TP đã mời ông Chương đến để làm việc nhưng cho đến nay ông Chương vẫn không có mặt theo giấy mời của VKS thì VKS sẽ tiến hành giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật”. Tiếp theo sau đó VKS có quyết định trưng cầu giám định bổ sung và có kết quả như trên”.

Sai quy định!

Trong vụ án trên, khung hình phạt của các bị cáo phụ thuộc vào kết quả giám định thương tật của nạn nhân. Điều cần đặt ra là theo quy định, trường hợp nào thì cơ quan tố tụng được giám định bổ sung qua hồ sơ?

BS Phan Văn Hiếu (Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM) cho biết Điều 2 Thông tư 20/2014 của Bộ Y tế quy định việc giám định để xác định tỉ lệ % tổn thương cơ thể phải được thực hiện trên đối tượng cần giám định, trừ trường hợp người cần được giám định đã chết hoặc bị mất tích thì việc giám định mới được thực hiện qua hồ sơ. Gặp trường hợp người cần giám định còn sống, không mất tích mà nhận được yêu cầu giám định qua hồ sơ thì tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp có thể từ chối thực hiện giám định vì không có đủ điều kiện cần thiết phục vụ cho việc thực hiện giám định theo Điều 25 Luật Giám định tư pháp.

Đồng tình, BS Nguyễn Thành Nam (Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang) cho biết thêm: Khi xác định tỉ lệ thương tật thì rất ít trường hợp giám định qua hồ sơ. Việc giám định qua hồ sơ chỉ thực hiện để xác định các vết thương có để lại cố tật hay không, hoặc muốn xác định thêm rằng liệu ngoài các vết thương đã giám định thì có còn vết thương nào khác nữa hay không. Riêng trường hợp đã có kết quả giám định lần đầu, muốn trưng cầu giám định bổ sung tỉ lệ thương tật với các vết thương cũ mà khi đối tượng giám định chưa chết hoặc mất tích thì buộc phải có đối tượng giám định. Bởi việc xác định lại tỉ lệ thương tật cùng vết thương có thể nặng thêm hay giảm đi, dù theo thời gian một số vết thương sẽ nhẹ đi nhưng vẫn có những trường hợp như sẹo bỏng để lâu sẽ có biến chứng làm nặng thêm.

PHAN THƯƠNG

Phải thông báo rõ cho người bị hại biết

Theo Điều 25 Luật Giám định tư pháp, người trưng cầu giám định sẽ ra quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản và gửi quyết định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định cũng phải nói rõ tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định. Cơ quan tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định cũng phải ra thông báo cho người bị hại, nêu rõ nội dung là cần trưng cầu bổ sung hoặc trưng cầu lại cùng thời gian, địa điểm rõ ràng để giao nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu với tổ chức giám định.

Đối với các vụ án tòa trả hồ sơ để giám định bổ sung hay giám định lại, thông thường VKS sẽ trả hồ sơ về lại cho cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định. Bởi kết luận giám định về tỉ lệ % thương tật mới sẽ ảnh hưởng đến nội dung vụ án, có thể làm thay đổi cả kết luận điều tra lẫn cáo trạng.

Ông NGUYỄN BÉ TƯ, Phó Viện trưởng VKSND
quận Bình Thạnh, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm