Gây tai nạn chết người, tòa lúng túng khi định tội

Hiện nay việc phân biệt giữa tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ hoặc đường thủy với tội vô ý làm chết người đang gây nhiều lúng túng cho các tòa địa phương. Nhiều tòa đã phải xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của TAND Tối cao…

Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, kể lại vụ một người lái xe xúc cát đi trong đường nội bộ ra bãi khai thác cát. Vì đường vắng, tài xế chủ quan cho xe chạy nhanh, lại thiếu quan sát nên gây tai nạn làm một người dọn rác tử vong.

Tội gì?

Giải quyết vụ án, tòa địa phương rất lúng túng, không biết xử tài xế xe xúc cát theo tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 BLHS) hay tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS). Bởi lẽ người này lái xe gây tai nạn trên đường tự tạo, không thuộc hệ thống giao thông đường bộ.

Hiện nay ở các tòa khác cũng đang có sự lúng túng khi xác định tội danh trong các trường hợp tương tự. Điển hình là trường hợp Võ Văn Thịnh dùng thuyền không đảm bảo chất lượng chở người đi chơi trên một hồ sen ở Đắk Lắk. Do không cẩn thận, Thịnh làm thuyền lật gây chết người. Cơ quan tố tụng phải hỏi ý kiến cấp trên để xác định tội của Thịnh là vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 212 BLHS) hay tội vô ý làm chết người.

Một trường hợp khác là vụ Phan Phước Lào sửa xe buýt xong thì chạy thử quá tốc độ mà nội quy bến xe quy định ngay trong bến xe, lại để nắp hầm máy nhô ra khỏi xe nên gây tai nạn chết người. Vào cuộc, cơ quan tố tụng xác định theo Điều 3 Luật Giao thông đường bộ thì xe buýt mà Lào điều khiển là phương tiện giao thông đường bộ, mặt khác bến xe nơi xảy ra tai nạn cũng thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Vì thế, tòa sơ thẩm kết luận Lào phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, bản án này sau đó đã bị tòa phúc thẩm sửa theo hướng Lào phạm tội vô ý làm chết người.

Gây tai nạn chết người, tòa lúng túng khi định tội ảnh 1

Phân biệt dựa vào luật nội dung

Để áp dụng pháp luật thống nhất, nhiều tòa đã gửi công văn trao đổi nghiệp vụ với cấp trên và TAND Tối cao. Tuy nhiên, đến nay một hướng dẫn chính thức của ngành tòa án về đường lối xử lý các trường hợp này vẫn chưa có.

Trao đổi tại hội nghị tổng kết toàn ngành tòa án vừa qua, đại diện Tòa Hình sự TAND Tối cao cho biết sẽ ghi nhận những vướng mắc của các tòa địa phương về vấn đề trên để Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét và có hướng dẫn.

Trước mắt, Tòa Hình sự TAND Tối cao yêu cầu các địa phương khi xét xử những vụ án loại này cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật nội dung như Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy… để vận dụng trong từng trường hợp cụ thể. Theo đó, chỉ khi cơ quan tố tụng chỉ ra được hành vi của bị can, bị cáo là vi phạm các quy tắc, quy định pháp luật cụ thể về giao thông thì mới xử lý họ về tội phạm giao thông tương ứng. Còn các trường hợp không chứng minh được hành vi của các bị can, bị cáo vi phạm các quy tắc, quy định cụ thể nào của pháp luật về an toàn giao thông thì cần xem xét xử lý họ về tội vô ý làm chết người.

Quy định liên quan

Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

(Trích Điều 202 BLHS)

Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy

Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

(Trích Điều 212 BLHS)

Tội vô ý làm chết người

Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

(Trích Điều 98 BLHS)

Dựa theo luật nội dung là đúng đắn

Theo tôi, đối với những vụ án mà nơi xảy ra tai nạn và lỗi vi phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ thì có thể xử về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS. Còn nếu nơi xảy ra tai nạn là ruộng, sân nhà hay công viên… không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật giao thông thì nên xem xét truy tố, xét xử người gây tai nạn dẫn đến chết người theo một tội khác, có thể là vô ý làm chết người theo Điều 98 BLHS.

Một điều cần phải nhấn mạnh là chỉ có thể xét xử những người gây tai nạn theo Điều 202 BLHS khi họ điều khiển phương tiện được xác định là phương tiện giao thông đường bộ và vi phạm lỗi về an toàn giao thông dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Thẩm phán VŨ PHI LONG,
Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM

Sớm hướng dẫn để có sự thống nhất

Việc phân biệt rõ các tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ hoặc tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy với tội vô ý làm chết người là vấn đề cấp thiết. Bởi lẽ hiện nay số vụ án liên quan đến những tội này có xu hướng gia tăng. Nếu không kịp thời có hướng dẫn thống nhất toàn ngành sẽ dễ dẫn đến tình trạng ứ đọng án và bất nhất trong cách nhìn nhận, đánh giá vụ án giữa các cơ quan tố tụng.

Vì thế, tôi nghĩ TAND Tối cao cần sớm có hướng dẫn cụ thể chi tiết cho các tòa địa phương phân biệt các tội trên, tạo sự thống nhất trong việc điều tra, truy tố, xét xử đối với các án loại này.

Một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm