Gắn camera trên ôtô để làm bằng chứng

Sự kiện vụ cướp giật táo tợn tại cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM được phá án nhờ vào camera hành trình vẫn còn nóng hổi mới đây. Lúc 15g25 ngày 25-9, một thành viên diễn đàn otosaigon dùng camera hành trình đã tình cờ ghi được hình ảnh hai thanh niên giật túi xách của nạn nhân đi xe máy phía trước.

Chủ xe đã tung đoạn clip này lên mạng YouTube. Đội hình sự đặc nhiệm Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội (PC45) Công an TP.HCM vào cuộc, đến ngày 6-11 tên cướp đầu tiên bị bắt, 11 ngày sau tên cướp thứ hai cũng bị bắt.

Dùng làm bằng chứng

Trước đó, ngày 16-8, ông P.Q.H. đưa chiếc xe Toyota Venza vào đại lý chính hãng tại Láng Hạ (Hà Nội) để sơn lại vết xước ngoài xe. Khi đưa xe về, ông xem lại camera hành trình gắn ở trong xe (loại quay được cả hai chiều: trước và trong xe) thì phát hiện một kỹ thuật viên của đại lý này tự ý vào xe, mở máy lạnh ngồi ăn cơm trưa và lục lọi đồ đạc, lấy tiền lẻ của ông H. để trong xe. Đoạn clip này cũng được tung lên YouTube. Ông H. mang clip đến đại lý phản ảnh, nhân viên kia bị sa thải ngay lập tức.

Có khi chiếc camera này lại cung cấp bằng chứng thuyết phục cảnh sát giao thông rằng người lái xe đã không vi phạm Luật giao thông. Ông Hữu Thắng (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể lại nhờ có camera này mà ông đã được “minh oan”. “Đang đi từ hướng Q.1 về Q.6 vừa qua cầu Chữ Y một đoạn thì tôi bị hai anh cảnh sát giao thông ra lệnh dừng lại vì cho rằng tôi vượt đèn đỏ. Họ bảo có nhân chứng nhìn thấy nhưng tôi khẳng định mình không vượt đèn đỏ. Khi xem lại đoạn phim camera quay được thì họ cho tôi đi”.

Nhu cầu lớn

Tại các chợ bán phụ tùng, trang thiết bị ôtô trên đường An Dương Vương, Trần Bình Trọng (Q.5) gần như cửa hàng nào cũng có bán camera hành trình. Hầu như tất cả đều là hàng Trung Quốc, giá rất đa dạng từ 1-7,5 triệu đồng, có loại chỉ có chức năng ghi hình (thẻ nhớ SD), có loại ghi cả âm thanh, ghi hình phía trước, bên trong xe, tích hợp GPS (dùng sóng vệ tinh), có loại báo tốc độ... Khách có thể mua về tự lắp đặt.

Ông Võ Kim Hiếu, Công ty TNHH thương mại - dịch vụ ôtô Phú Cẩn (Q.3), cho biết trung bình mỗi tháng công ty lắp đặt khoảng 60 camera các loại. “Chủ yếu khách hàng dùng camera ghi hình để hạn chế tranh cãi hoặc phân định đúng sai trong các trường hợp xe phóng từ trong hẻm ra, các xe máy “cúp” đầu..., nhưng sau này nhiều người mua để chứng minh cho việc đi đúng tuyến, không vượt đèn đỏ... khi bị cảnh sát giao thông thổi phạt” - ông Hiếu giải thích.

Không chỉ xe cá nhân, ngay cả các công ty, xí nghiệp cũng thích gắn camera. Họ xem đây là thiết bị giúp giám sát hoạt động của chiếc xe và tài xế. Một nhân viên cửa hàng Mai Thảo cho biết nhiều công ty mua camera để giám sát hành trình của lái xe, kiểm soát lượng khách lên xuống, thả khách đúng tuyến, đúng trạm hay không...

Có thể được sử dụng như chứng cứ

Luật sư Trần Quang Thắng cho biết: theo quy định tại điều 83 Bộ luật tố tụng dân sự, các tài liệu nghe nhìn phải có văn bản xác nhận xuất xứ. Vật chứng phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc... Vì vậy các file âm thanh, hình ảnh vẫn được sử dụng như là chứng cứ chứng minh, dù việc giám định còn gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, các cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng nhà nước cũng sử dụng khá phổ biến các loại phương tiện ghi âm, ghi hình này để ghi lại chứng cứ (trường hợp cảnh sát giao thông sử dụng súng bắn tốc độ để phạt người lái xe, các camera ghi hình an ninh...).

Theo LÊ NAM (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm