Ép trả nợ: “Cướp và cưỡng đoạt…”

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 28-4 có đăng bài “Ép trả nợ, tội gì?” phản ánh vụ án Ngô Xuân Thái và đồng bọn bị truy tố về tội cướp tài sản với tổng giá trị là 35 triệu đồng. TAND tỉnh Bình Dương đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt mức án cao nhất dành cho Thái lên đến 15 năm tù, các bị cáo còn lại từ bảy đến 12 năm tù về tội cướp tài sản. Ngoài ra tòa này còn buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho người bị hại là anh C. 35 triệu đồng. Về hành vi cụ thể, ngoài việc ép trả tiền vay, các bị cáo còn buộc con nợ phải cầm xe máy. Tuy nhiên, các bị cáo đã kháng cáo xin thay đổi tội danh.

Dấu hiệu cơ bản của hai tội

Muốn xác định hành vi của Ngô Xuân Thái và đồng phạm trong vụ án này là hành vi phạm tội cướp tài sản hay cưỡng đoạt tài sản thì trước hết phải xác định các dấu hiệu cơ bản và các đặc điểm giống và khác nhau giữa hai tội này. Trên cơ sở đó, đối chiếu với hành vi cụ thể của các bị cáo để xem hành vi đó cấu thành tội phạm cướp tài sản hay cưỡng đoạt tài sản.

Theo Điều 133 Bộ luật Hình sự thì người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội cướp tài sản. Còn theo Điều 135 Bộ luật Hình sự thì người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

Giữa tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội đều có thể có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực nhưng đối với tội cướp tài sản thì hành vi đe dọa dùng vũ lực có tính chất quyết liệt hơn, nếu người bị hại không đưa tài sản thì lập tức bị cáo dùng vũ lực ngay. Trong khi đó đối với tội cưỡng đoạt tài sản, nếu không đưa tài sản thì bị cáo không dùng ngay vũ lực, chỉ dọa chứ không có ý định dùng vũ lực.

Cả hai tội (cướp và cưỡng đoạt), người phạm tội đều có thể dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhưng đối với tội cướp tài sản người phạm tội chỉ có hành vi chứ không có thủ đoạn khác. Hành vi khác của người phạm tội cướp phải làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự.

Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, nếu người phạm tội có dùng thủ đoạn khác cũng chỉ nhằm uy hiếp tinh thần nạn nhân chứ không làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự.

Hai giai đoạn trong một vụ án

Trong vụ án này có hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, chị Trần Thị Ngọc nhờ Thái đòi tiền giúp mình và Thái đã rủ thêm nhiều người cùng tham gia đòi nợ, Thái dùng vũ lực đánh anh C., người nhà anh C. phải đem 20 triệu đồng đưa cho Thái, đồng thời ép anh C. phải viết giấy nhận nợ hơn 200 triệu đồng chứ không chỉ đe dọa dùng vũ lực hay có hành vi khác làm cho anh C. lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt 20 triệu đồng và buộc anh C. viết giấy nhận nợ 200 triệu đồng của Thái và đồng phạm là hành vi phạm tội cướp tài sản (đã chiếm đoạt được 20 triệu đồng và nhằm chiếm đoạt 200 triệu đồng). Việc anh C. có tri hô hay bỏ chạy hoặc gọi điện thoại đề nghị cơ quan chức năng can thiệp hoặc anh C. không chống cự mà đi theo nhóm Thái đến quán cà phê khác... không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội cướp tài sản hay dấu hiệu loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội cướp tài sản.

Giai đoạn thứ hai, sau khi lấy được 20 triệu đồng và buộc anh C. phải viết giấy nhận nợ hơn 200 triệu đồng, Thái giữ lại xe máy của anh C. và một số giấy tờ khác. Hành vi giữ xe máy và một số giấy tờ khác của anh C., Thái và đồng phạm không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Có lẽ cũng vì tình tiết này mà một số ý kiến cho rằng Thái và đồng phạm chỉ phạm tội cưỡng đoạt tài sản chứ không phải tội cướp tài sản. Giữ xe trái phép rồi bắt chủ xe phải chuộc đúng là hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản chứ không phải tội cướp tài sản. Do đó ngoài tội cướp tài sản, Thái và đồng phạm còn phạm tội cưỡng đoạt tài sản (khoản tiền 15 triệu đồng).

Phúc thẩm phải xử lý sao?

Do tội cưỡng đoạt tài sản chưa được khởi tố, truy tố nên dù có kháng cáo hay kháng nghị theo hướng tăng nặng hay bỏ lọt tội phạm thì tòa án cấp phúc thẩm cũng không thể xét xử Ngô Xuân Thái và đồng phạm thêm tội cưỡng đoạt tài sản. Tòa này chỉ có thể y án sơ thẩm và kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét.

Nếu VKS và tòa án cấp sơ thẩm kết án Ngô Xuân Thái và đồng phạm về tội cướp tài sản với số tiền 35 triệu đồng (20+15) thì tòa án cấp phúc thẩm có thể trừ cho các bị cáo 15 triệu đồng vì 15 triệu đồng không phải là tài sản của tội cướp mà là tài sản của tội cưỡng đoạt.

ThS ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm