Đừng vội bác nguồn chứng cứ bị cáo cung cấp

Rất nhiều vụ án bị cáo, luật sư cung cấp tài liệu, đồ vật chứng minh bị cáo bị oan, bị xử lý chưa đúng thì cơ quan tố tụng từ chối xem xét với một lý do máy móc rằng đó không phải là chứng cứ…

Trong vụ một số cán bộ công an ăn chặn trầm kỳ mà TAND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) vừa xét xử ngày 20-6, có một chi tiết đáng chú ý về tố tụng: Tại tòa, một bị cáo xuất trình ba tài liệu chứng minh mình ngoại phạm để kêu oan nhưng tòa không xem xét với lý do đó không phải là chứng cứ.

Không xét vì không phải là chứng cứ

Đó là bị cáo Nguyễn Thành Trung (nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, nguyên Phó Trưởng trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa). Theo cáo trạng, khoảng 20 giờ 30 tối 27-9-2012, tại một quán cà phê ở thị trấn Tô Hạp (Khánh Sơn), Trung đã tham gia bàn bạc, thỏa thuận về việc tiêu thụ trầm kỳ đào được với một số bị cáo khác, sau đó đem số trầm kỳ này đi tiêu thụ. Vì thế VKS đã truy tố Trung về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tại phiên tòa, Trung kêu oan và cung cấp ba bản tường trình của những người nhậu chung với mình tại một quán ở TP Cam Ranh vào tối 27-9-2012 để chứng minh cáo trạng truy tố không đúng.

Việc xem xét các tài liệu, đồ vật  do những người tham gia tố tụng, cá nhân… đưa ra trong phiên xử có thể làm rõ thêm sự thật của vụ án. Ảnh chỉ có tính minh họa: HTD

Luật sư của Trung đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ tình tiết này. Tuy nhiên, cả đại diện VKS lẫn HĐXX đều không chấp nhận ba bản tường trình nói trên là chứng cứ của vụ án với lý do: Các giấy tờ này không có xác nhận của chính quyền địa phương nên không có cơ sở xác định những người đứng tên làm ra; việc thu thập các giấy tờ này không theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự. Từ đó, HĐXX cho rằng với các chứng cứ đã thu thập được trong hồ sơ thì đủ cơ sở kết luận Trung phạm tội và phạt Trung 10 năm tù.

Ở đây, chúng tôi không đề cập đến việc bị cáo có bị oan hay không, ba bản tường trình mà bị cáo nộp có nội dung đúng sự thật hay không. Điều mà chúng tôi muốn nói là trong thực tiễn xét xử, trường hợp cơ quan tố tụng bác bỏ, không xem xét tài liệu, đồ vật mà luật sư, người tham gia tố tụng cung cấp với lý do “không phải là chứng cứ” như trên đã diễn ra khá phổ biến. Đã có những vụ vì hời hợt bỏ qua mà sau đó cơ quan tố tụng đã phải bồi thường oan.

Chẳng hạn như án oan của anh Phạm Vũ ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Tháng 4-2006, anh Vũ bị công an huyện này khởi tố về tội cố ý gây thương tích, một tháng sau thì bắt tạm giam. Theo cơ quan điều tra, đêm 10-10-2005, em ruột của anh Vũ mời bạn bè dự sinh nhật tại một quán karaoke, khi ra về thì bị một nhóm thanh niên đuổi chém gây thương tích. Để trả thù cho em, anh Vũ cùng hai người khác đã tìm nhóm thanh niên trên và chém một người gây thương tích.

Điều đáng nói là ngay từ khi anh Vũ bị khởi tố, cha mẹ của anh đã liên tục có đơn kêu oan cho con. Họ trình bày suốt thời gian xảy ra vụ án, anh Vũ túc trực chăm sóc em tại bệnh viện, không hề đi đâu. Nhiều người khác cũng đứng ra làm chứng về chuyện này nhưng cơ quan điều tra đều bỏ qua và ra kết luận đề nghị truy tố anh Vũ. Mãi đến ngày 20-9-2006, khi thủ phạm thực sự ra đầu thú thì anh Vũ mới được tại ngoại. Đến năm 2011, VKS huyện Đức Trọng đã phải công khai xin lỗi và bồi thường oan cho anh Vũ hơn 100 triệu đồng.

Vì sự thật, đừng ngại trách nhiệm!

Theo luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 64 BLTTHS quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, VKS và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”. Đồng thời, Điều 65 BLTTHS quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ thuộc về các cơ quan tố tụng. “Luật quy định như vậy nên trong thực tiễn cơ quan tố tụng thường không xem trọng những lời khai, tài liệu, đồ vật không phải do họ chủ động thu thập, nhất là các lời khai, tài liệu, đồ vật theo hướng gỡ tội cho bị can, bị cáo. Việc có xem xét hay không tùy vào mỗi cơ quan tố tụng” - luật sư Thuần nhận xét.

Đồng ý với nhận xét của luật sư Thuần, luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) còn cho rằng bên cạnh các quy định trên, khoản 2 Điều 65 BLTTHS cũng quy định “Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”. Việc cơ quan tố tụng từ chối xem xét tài liệu, đồ vật mà người tham gia tố tụng, luật sư cung cấp chỉ với lý do máy móc rằng chúng không phải do cơ quan tố tụng thu thập theo đúng trình tự, thủ tục đã vô hiệu hóa quy định này.

Theo luật sư Hà, phải coi tài liệu, đồ vật mà người tham gia tố tụng, luật sư cung cấp là nguồn chứng cứ vì chúng có thể làm rõ được sự thật của vụ án. Nếu thật sự có trách nhiệm, cơ quan tố tụng cần phải xác minh, xem xét. Nếu thấy tài liệu, đồ vật mà người tham gia tố tụng, luật sư cung cấp có căn cứ, đúng sự thật thì cơ quan tố tụng lập biên bản tiếp nhận và hợp thức hóa thành chứng cứ và ngược lại.

“Mục đích sau cùng của quá trình tố tụng hình sự vẫn là xác định sự thật khách quan của vụ án. Để làm rõ sự thật, để tránh làm oan hay bỏ lọt tội phạm, tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan tố tụng cần thay đổi “thói quen” dễ dàng bác bỏ các tài liệu, đồ vật mà luật sư, người tham gia tố tụng cung cấp như hiện nay” - luật sư Hà nhấn mạnh.

HỒNG TÚ

Phải tạo điều kiện

Theo BLTTHS, các cơ quan tố tụng phải thu thập cả chứng cứ buộc tội lẫn chứng cứ gỡ tội. Nhưng thực tiễn những người tiến hành tố tụng thường thiên về chứng cứ buộc tội và xem nhẹ hoặc bỏ qua việc thu thập tài liệu, chứng cứ gỡ tội. Chính vì vậy, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 63/2013 về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nghị quyết yêu cầu cơ quan điều tra, điều tra viên phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra; nâng cao chất lượng công tác điều tra, thu thập đầy đủ cả chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội. Đặc biệt, nghị quyết yêu cầu tạo điều kiện cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu; nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình; tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội…

Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm