Đột phá ở phiên tòa sơ thẩm

Do vậy cần sửa đổi bổ sung các quy định cụ thể của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 để phiên tòa sơ thẩm có tính tranh tụng.

Trước hết, cần sửa Điều 10 theo hướng xác định tòa án - cơ quan xét xử - không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Tòa cũng có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật nhưng thực hiện nhiệm vụ đó thông qua chức năng xét xử của mình. Tòa không phải là người truy tố bị cáo nên không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng thực hiện chức năng buộc tội (cơ quan điều tra, VKS).

Muốn như vậy, phải bỏ những thẩm quyền không phù hợp với chức năng xét xử của tòa như thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự (khoản 1 Điều 104), thẩm quyền được xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS truy tố trong cùng một điều luật theo hướng nặng hơn (khoản 2 Điều 196).

Sửa đổi các quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa để đảm bảo tính tranh tụng theo hướng nên quy định chỉ các bên tranh tụng (bên buộc tội là VKS và người bị hại; bên bào chữa là người bào chữa và bị cáo) mới tham gia vào thủ tục xét hỏi. Tòa không phải là bên tranh tụng nên không tham gia xét hỏi mà chỉ điều khiển quá trình xét hỏi.

Bỏ quy định về việc thẩm phán trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 179 và Điều 199). Chỉ nên quy định trường hợp duy nhất mà thẩm phán có quyền trả hồ sơ yêu cầu bổ sung là khi phát hiện có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng cản trở việc xét xử của tòa (như VKS chưa tống đạt cáo trạng cho bị cáo). Còn vấn đề chứng cứ đã đủ hay chưa, có thể xử được hay không, chứng cứ nào quan trọng không phải là sự quan tâm của tòa vì người phải quan tâm về việc này là VKS. Tòa chỉ cần quan tâm là VKS có chứng minh được cáo trạng hay không. VKS không chứng minh được thì tòa tuyên vô tội và ngược lại.

Chỉ có thể có phiên tòa sơ thẩm tranh tụng khi tòa trở về vai trò đích thực là trọng tài vô tư khách quan, chỉ xét xử chứ không buộc tội thay cho VKS hay cùng VKS buộc tội bị cáo. Đến lúc đó, đương nhiên VKS không còn chỗ dựa nữa. VKS sẽ không thể không tranh tụng. Khi VKS đã sẵn sàng tranh tụng có nghĩa là việc truy tố bị cáo đã được cân nhắc, xem xét thận trọng từ chứng cứ đến tội danh...

Thừa nhận mô hình tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay là mô hình pha trộn và định hướng hoàn thiện là xây dựng mô hình pha trộn thiên về tranh tụng là giải pháp cần thiết và đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay và phù hợp với trào lưu chung của lịch sử tố tụng hình sự trên thế giới.

TS NGUYỄN THÁI PHÚC, Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm