Đồng tiền và bóng đá - Bài 3: Ủy ban Đạo đức FIFA ra đời

Trước những biến động và những mặt trái đang ăn sâu vào cơ thể bóng đá, Ủy ban Đạo đức FIFA ra đời nhằm giành lại sự trong sạch cho bóng đá thế giới.

Muốn thành quan chức FIFA phải qua thẩm tra đạo đức

FIFA có 35 ủy ban (commission hay committee), trong đó có Ủy ban Đạo đức (UBĐĐ), bên cạnh các ủy ban khác như Ủy ban Kỷ luật, Ủy ban Trọng tài, Ủy ban Các vấn đề pháp luật, Ủy ban Về SVĐ và an ninh, Ủy ban Hòa giải…

Để hiểu rõ hơn nhiệm vụ của UBĐĐ, ta xét thêm cấu trúc của ủy ban này. Trong phiên họp của Ban Thường vụ FIFA (ngày 29 và 30-3-2012), các nhà lãnh đạo bóng đá thế giới đã nghe một báo cáo chuyên trách của ban tác chiến về UBĐĐ (Task Force - Ethics Commitee) do ông Claudio Sulser (người Thụy Sĩ) đứng đầu. Kết quả là UBĐĐ lại được cải tổ và chia thành hai phòng, phòng điều tra và phòng thẩm định - xét xử. Từ đó, UBĐĐ có hai nhà lãnh đạo đồng cấp (cùng là Chairman): ông Michael Garcia, công tố viên người Mỹ, phụ trách mảng điều tra và ông Hans-Joachim Eckert, luật sư người Đức, phụ trách phần thẩm định - xét xử. Đặc biệt, ngoài những nhiệm vụ trước đây trong phạm vi đạo đức như mọi người vẫn hiểu, UBĐĐ được giao thêm trọng trách thẩm định các ứng cử viên vào các cương vị khác nhau trong FIFA. Nói khác đi, ủy ban này thêm nhiệm vụ đề cử nhân sự cho các vị trí lãnh đạo. Có thể hiểu ngầm rằng muốn trở thành quan chức của FIFA, trước hết phải được thẩm định về mặt đạo đức.

Nhiệm vụ của UBĐĐ FIFA là hoàn thiện, phổ biến và kiểm tra việc thực hiện tiêu chí đạo đức (FIFA Code of Ehics - viết tắt là FCE), đồng thời xử phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm FCE. FCE do UBĐĐ soạn thảo và Ủy ban Thường vụ FIFA thông qua. Hiểu đơn giản, đây là tiêu chí, là chuẩn mực để tất cả mọi người phải tuân theo trong hành xử, đồng thời để UBĐĐ dựa theo đó mà hành động.

Đồng tiền và bóng đá - Bài 3: Ủy ban Đạo đức FIFA ra đời ảnh 1

Chủ tịch FIFA Blatter công bố những quan chức FIFA sai phạm từ công trình điều tra của Ủy ban Đạo đức. Ảnh: GETTY IMAGES

Ràng buộc từ chủ tịch FIFA đến nhân viên sân bóng

Ngay trong lời nói đầu, FCE viết: “FIFA mang một trách nhiệm đặc biệt bảo vệ sự toàn vẹn và phẩm giá của bóng đá trên phạm vi toàn thế giới. FIFA nỗ lực thường xuyên để bảo vệ hình ảnh của bóng đá, đặc biệt là hình ảnh của FIFA khỏi những sự xâm phạm và phá hoại như kết quả của những hành động và những phương pháp trái đạo lý, vô đạo đức và bất hợp pháp”. FCE quy định rõ những người có nghĩa vụ tuân theo chuẩn mực này, kể ra thì dài nhưng quy tụ lại thì có thể nói gọn một câu - tất cả những ai liên quan đến bóng đá, từ chủ tịch FIFA đến anh nhân viên kẻ vạch vôi ở một sân bóng nào đó, ở mọi cấp, từ các liên đoàn đến các giải và các CLB…

FCE cũng quy định nhỡ có ai vi phạm điểm nào đó thì phải “ngay lập tức báo cáo với người có thẩm quyền (Phòng Điều tra UBĐĐ) về sự vi phạm này”. Báo cáo có thể gửi qua fax, qua thư, qua email hay theo một cơ chế báo cáo riêng thông qua Internet (web), các số và các địa chỉ liên lạc cần thiết đều được công khai cho mọi đối tượng. Ngoài ra, FCE cũng quy định nghĩa vụ hợp tác triệt để và toàn diện của mọi thành viên trong các vụ điều tra. Sau đó là quy định xử phạt, từ cảnh cáo đến khai trừ và hơn thế nữa…

Nói tóm lại, đó là những quy định chặt chẽ và toàn diện để điều chỉnh các hành xử của mỗi người liên quan đến bóng đá. Một thí dụ về những tiêu chí ấy ta có thể thấy ngay dưới đây.

Đồng tiền và bóng đá - Bài 3: Ủy ban Đạo đức FIFA ra đời ảnh 2

Chủ tịch UEFA Michael Platini bị Ủy ban Đạo đức sờ gáy qua chỉ số minh bạch mà Ủy ban Đạo đức phát hiện. Ảnh: AFP

“Sờ gáy” cả chủ tịch LĐBĐ châu Âu

Vụ Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022 để lại rất nhiều tai tiếng. Dư luận nói rõ đây có thể là một vụ mua phiếu, một vụ tham nhũng. FIFA đau đầu và đó chính là công việc của UBĐĐ. Vụ này liên quan đến Platini, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA).

Chủ tịch UBĐĐ Eckert mới có tuyên bố: “Chúng tôi đang kiểm tra lại mọi lời cáo buộc, bao gồm mọi bằng chứng, mọi nghi ngờ về những hành xử sai trái của mỗi cá nhân”. Công tố viên Garcia, cũng là chủ tịch UBĐĐ thì nói: “Sẽ thu thập tất cả thông tin về chủ đề này, sau đó chúng tôi sẽ kiểm chứng và đánh giá”.

Vai trò chính trong vụ này chúng ta đều đã biết: Bốn ủy viên thường vụ FIFA bị Bin Hamamm mua chuộc và đã bị xử lý. Nhưng bây giờ lại xuất hiện thêm cái tên của Platini, Chủ tịch UEFA và phó chủ tịch FIFA. Cho đến nay, Platini đã vi phạm tiêu chí đạo đức của FCE. Theo quy định, khi có xung đột lợi ích, đương sự phải lập tức báo cáo ngay với người có trách nhiệm và Platini vi phạm quy định ấy.

Mùa đông 2010, ngay trước khi bỏ phiếu trao quyền đăng cai World Cup, Platini đã được mời dự tiệc tại điện Elysee. Cùng tham dự bữa tiệc này có Tổng thống Sarkozy, một ông hoàng Qatar và một nhân vật hàng đầu của CLB Paris St- Germain. Có tin nói rằng Tổng thống Sarkozy đã ép Platini bỏ phiếu bầu cho Qatar. Sau này Platini đã làm đúng như thế, dù trước đây ý kiến của ông thiên về ủng hộ Mỹ. Cuộc gặp gỡ này đã không được Platini báo cáo với bất kỳ ai, dù nó thể hiện rõ việc xung đột về quyền lợi.

Chuyện càng phức tạp hơn khi trong những năm qua, sự đầu tư của Qatar vào bóng đá Pháp là khá mạnh mẽ, mà nhà đầu tư chính là ông hoàng Hamad Al Thani.

Nếu Platini báo cáo với FIFA đầy đủ về bữa tiệc này thì ông sẽ không được quyền tham gia bầu chọn như đã xảy ra. Lại có thêm một tin xấu: Một năm sau đó, con trai Platini là Laurent được bổ nhiệm làm giám đốc một quỹ đầu tư của Qatar ở châu Âu, có trụ sở ở Paris. Tuy nhiên, Platini đã bác bỏ tin đồn này.

Vấn đề này sẽ được đem ra khóa họp Đại hội đồng FIFA vào tháng 5-2013 tại Mauritius, UBĐĐ muốn có cuộc bỏ phiếu lại của cả 209 thành viên chứ không chỉ 24 ủy viên thường vụ như trước đây.

Rất có thể Qatar vẫn giữ được quyền đăng cai của mình. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, vấn đề đạo đức và dấu ấn của UBĐĐ là khá rõ ràng. Những dấu ấn để tất cả cùng hiểu rằng chiến đấu dưới ngọn cờ đạo đức là chông gai đến mức nào.

Quy định về quà biếu và phong bì

Một trong những tiêu chí đạo đức (FCE) của FIFA là quy định về việc nhận quà biếu. Theo đó, FCE ràng buộc chỉ được phép tặng quà hay nhận quà khi đồng thời đảm bảo toàn bộ năm tiêu chí được: 1. Quà tặng chỉ có giá trị hoàn toàn tượng trưng hay không đáng kể; 2. quà tặng không hàm ý tạo ảnh hưởng đến sự thi hành hay sự hủy bỏ bất cứ một hành động công quyền nào liên quan đến bất cứ ai trong phạm vi điều chỉnh của tiêu chí; 3. việc tặng hay nhận quà không thay đổi bất cứ nghĩa vụ nào trong công việc của bạn; 4. quà tặng không tạo ra bất cứ giá trị tiền bạc nào hay bất cứ lợi thế nào khác; 5. việc tặng hay nhận quà không gây ra những xung đột về lợi ích. Mạnh mẽ hơn, FCE khẳng định tiền (phong bì) không thể được tặng hay nhận trong bất cứ trường hợp nào, dù trong hay ngoài FIFA, dù số lượng là lớn hay nhỏ.

Một luật sư Việt Nam làm ủy viên của Ủy ban Đạo đức FIFA

Phòng Điều tra của UBĐĐ FIFA có sáu ủy viên, còn Phòng Xét xử có bảy ủy viên. Điều thú vị là trong các ủy viên Phòng Xét xử, người đứng ở vị trí thứ sáu là luật sư Nguyễn Thị Mỹ Dung. Luật sư Mỹ Dung từng tham gia công tác ở VFF, sau chuyển qua làm việc ở AFC và giờ là quan chức trong UBĐĐ của FIFA.

Ngoài ra, luật sư Mỹ Dung còn là trọng tài viên của hội đồng tòa Trọng tài Thể thao Quốc tế (Court of Arbitration for Sports - CAS) trong ba nhiệm kỳ liên tiếp, bao gồm cả nhiệm kỳ hiện tại (2011-2014).

VŨ CÔNG LẬP

Kỳ tới: Kỳ vọng gì ở Ban Tư vấn đạo đức?

Bóng đá Việt Nam vừa cho “ra lò” một Ban Tư vấn đạo đức theo mô hình của Ủy ban Đạo đức FIFA. Liệu ban này có xoay chuyển, làm trong sạch được nền bóng đá nước nhà?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm