Đơn phương ly hôn chồng ngoại - Bài 2: Cho rồi lại cấm

Nhìn lại lịch sử tố tụng, việc giải quyết của ngành tòa án đối với trường hợp đơn phương ly hôn chồng ngoại không có kết quả ủy thác tư pháp có sự khác nhau cả về mặt chính sách lẫn thực tiễn áp dụng trong từng giai đoạn. Đã từng có lúc tòa này linh động giải quyết, tòa kia cương quyết chối từ…

Trước đây, ngành tòa án từng có chính sách giải quyết rất thoáng đối với các trường hợp này. Cụ thể, ngày 16-4-2003, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 01 hướng dẫn: Trường hợp công dân Việt Nam trong nước xin ly hôn với người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài, khi xác minh địa chỉ bị đơn theo thủ tục xuất nhập cảnh hoặc theo giấy đăng ký kết hôn mà không có kết quả thì được coi là bị đơn cố tình giấu địa chỉ và tòa xử cho ly hôn.

Hướng dẫn là vậy nhưng sau đó các tòa án địa phương lại vận dụng giải quyết rất khác nhau.

Nơi linh động xử

Kể từ khi có Nghị quyết 01 nói trên đến đầu năm 2010, tại một số tòa, điển hình là TAND TP.HCM, sau hai lần thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp hợp lệ mà không có kết quả trả lời, tòa xử cho đương sự được ly hôn vắng mặt chồng ngoại. Thậm chí có trường hợp tế nhị, chị em xin vắng mặt ở phiên tòa cũng được chấp nhận. Có vụ người chồng ngoại giữ hết bản chính giấy tờ, người vợ chỉ có bản sao giấy kết hôn cũng được tòa linh động giải quyết bằng cách cho bổ sung giấy xác nhận ghi chú việc kết hôn của Sở Tư pháp để làm căn cứ…

Đơn phương ly hôn chồng ngoại - Bài 2: Cho rồi lại cấm ảnh 1

Theo Chánh án TAND TP.HCM Bùi Hoàng Danh, đối với những trường hợp chỉ có yêu cầu giải quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân, không có tài sản, con chung thì tòa án nên linh động giải quyết cho dân. Tòa đã ủy thác tư pháp hợp lệ để lấy lời khai và thông báo ngày xét xử đúng trình tự nhưng đương sự vẫn vắng mặt, không có ý kiến trả lời thì việc xử vắng mặt cũng phù hợp với các quy định tố tụng dân sự.

Ông Danh cho biết trong thực tiễn xét xử, hầu hết các vụ ly hôn này đều không có kháng cáo, kháng nghị. “Đương sự ở Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Úc… thực hiện thủ tục ly hôn vắng mặt tương tự khá thuận lợi thì chúng ta cũng nên có cách giải quyết phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho công dân Việt Nam”.

Nơi xếp hồ sơ

Ngược lại, một số tòa như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng… thì cương quyết từ chối nhận đơn, nếu đã thụ lý rồi thì tạm đình chỉ giải quyết, xếp hồ sơ chờ có kết quả ủy thác tư pháp hay ý kiến trả lời của phía nước ngoài.

Có tòa như Bạc Liêu (nơi có nhiều phụ nữ lấy chồng Đài Loan) có thời gian cũng muốn tạo điều kiện cho chị em ly hôn nên vừa nhận đơn vừa xin ý kiến của TAND Tối cao. Đã có vụ, tòa này cho chị em được ly hôn vắng mặt chồng Đài Loan. Tuy nhiên, sau đó chờ hoài không thấy TAND Tối cao trả lời nên tòa “băn khoăn”, cuối cùng gác lại hết, không nhận đơn, không xử.

Theo chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu, xử ly hôn vắng mặt chồng Đài Loan phát sinh hàng loạt vướng mắc về việc không thể ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ, thi hành án. Tương tự, lãnh đạo TAND các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng… cũng cho biết nếu phụ nữ Việt Nam không cung cấp được địa chỉ của người chồng ngoại và những yêu cầu liên quan thì tòa sẽ từ chối thụ lý ngay từ đầu. Tòa chỉ xử ly hôn vắng mặt người chồng ngoại trong trường hợp có đồng ý thỏa thuận ly hôn của họ.

Tuổi xuân có thì, không ít chị em ở các nơi này đã tìm ra cách đối phó là… về TP.HCM sinh sống một thời gian để có nơi cư trú mới rồi nộp đơn xin TAND TP cho ly hôn vắng mặt chồng ngoại.

Cuối cùng “đóng băng” hết

Trước thực trạng trên, để thống nhất quan điểm xét xử, tòa án các địa phương đã nhiều lần kiến nghị TAND Tối cao có hướng dẫn giải quyết cụ thể hơn. Đến năm 2010, TAND Tối cao đã chỉ đạo các tòa trong cả nước thống nhất tạm đình chỉ các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài mà hết thời hạn chuẩn bị xét xử vẫn chưa có kết quả ủy thác tư pháp.

Tại hội nghị tổng kết ngành tòa án cả nước năm 2010, TAND Tối cao lý giải: Có nhiều khiếu nại về việc xét xử án dân sự vắng mặt, không có ý kiến của đương sự nước ngoài. Có trường hợp đương sự đã thay đổi chỗ ở nhưng giấy tờ ủy thác vẫn tống đạt về địa chỉ cũ nên họ không thể biết ngày xét xử để tham dự phiên tòa hoặc có ý kiến bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài ra, một số hồ sơ ủy thác tư pháp có nhiều sai sót về hình thức, nội dung dẫn đến kết quả ủy thác không cao. Vì vậy, để đảm bảo công bằng, quyền lợi hợp pháp cho các bên, nếu chưa có trả lời của đương sự ở nước ngoài thì các tòa địa phương không được xét xử.

Án ly hôn chồng ngoại, phần lớn không có tranh chấp, khiếu nại như các vụ thừa kế, đòi nhà… cũng bị ảnh hưởng bởi chỉ đạo này. Hầu hết các vụ đơn phương ly hôn chồng ngoại sau đó đều bị “đóng băng”, ngay cả ở các tòa từng rất “thoáng” như TAND TP.HCM. Hàng trăm vụ việc dân sự đã xử sơ thẩm trước khi có chỉ đạo của TAND Tối cao mà có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm cũng không được các Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao thụ lý...

May mắn nhờ tòa “thoáng”

Trong số những người may mắn được tòa giải phóng khỏi cuộc hôn nhân chỉ còn trên giấy là cô NTTT (ngụ quận 6, TP.HCM).

10 năm trước, tin vào những lời đường mật vẽ vời về cuộc sống hoa lệ nơi xứ Đài của người mai mối, T. kết hôn với một người đàn ông Đài Loan lớn hơn mình đến 20 tuổi. Chỉ sau vài tháng, cô vợ trẻ đã vỡ mộng trước ông chồng già say xỉn, lắm tật tệ hại. Gần một năm chịu đựng cay đắng, cô trở về Việt Nam. Từ đó, tám năm xuân sắc của cô trôi qua cùng người chồng trên giấy không liên lạc, không đoái hoài thăm hỏi. Sau nhiều lần ủy thác tư pháp thông báo việc ly hôn và hỏi ý kiến mà người chồng không hồi âm, đầu năm 2010, TAND TP.HCM đã xét xử vắng mặt người chồng, tuyên cho T. được ly hôn.

Bước lùi trong xét xử?

Chỉ đạo mới của TAND Tối cao, khi áp dụng vào việc giải quyết án ly hôn có yếu tố nước ngoài đã gây nhiều tranh cãi trong giới luật học. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một bước lùi so với thời điểm tám năm về trước.

Theo các ý kiến này, Nghị quyết 01 ngày 16-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tuy vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc nhưng cơ bản đã tạm thời có hướng đi cho vấn đề đơn phương ly hôn chồng ngoại. Một số tòa đã linh động dựa vào hướng dẫn này để giải thoát cho hàng ngàn phụ nữ Việt thoát khỏi cuộc hôn nhân trên giấy. Những tưởng hướng dẫn sẽ ngày càng được hoàn thiện chi tiết, áp dụng thống nhất thì bất ngờ lại có bước thụt lùi như trên.

Điều đáng nói là trong các vụ đơn phương ly hôn chồng ngoại, đương sự chỉ xin được ly hôn (một số trường hợp có con và thực tế đang sống với mẹ thì có thêm yêu cầu nuôi con). Khi tòa linh động xử xong, sau đó thường không phát sinh khiếu nại giống các vụ án dân sự khác có tranh chấp về tài sản.

Vì vậy, nhiều chuyên gia đã đề xuất nên chăng TAND Tối cao phải có một đường lối xử lý riêng đối với các trường hợp chỉ có yêu cầu giải quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân, không có tranh chấp về tài sản, con chung.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm