Dọn cỗ cho thiên hạ thưởng thức

Chúng ta đang sống trong thời đại mạng xã hội phát triển rầm rộ, từ đứa trẻ học cấp II cho đến các cụ già đều đua nhau dùng zalo, facebook, phơi bày bao hỉ, nộ, ái, ố cá nhân ra trước bàn dân thiên hạ. Ban đầu chỉ đơn giản là nhu cầu giao lưu, giải tỏa cảm xúc, dần dà mạng xã hội “biến chất” thành nơi “vạch mặt”, đả kích, “ném đá” lẫn nhau. Thế là mỗi ngày vào mạng xã hội chúng ta đều bất đắc dĩ thưởng thức những bữa tiệc ngôn từ với đầy đủ gia vị: yêu thương, hận thù, xỉa xói…

Ngao ngán nhất có lẽ là chuyện những người nổi tiếng phơi đời tư của người khác và của cả chính mình lên mạng như một phong trào: cô diễn viên này tố chồng phụ bạc, vô trách nhiệm với con; cô người mẫu kia bị tố ngược đãi cha mẹ; người yêu mới của anh cầu thủ đào hoa bóng gió về nhân phẩm cô người yêu cũ của anh ta… Rồi cả đến chuyện xó nhà của nhiều gia đình: con nói xấu cha mẹ; anh chị em vạch áo cho người xem lưng; vợ chồng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt…

Ảnh minh họa 

Đa phần những người thích “phơi bày” đều không lường được hậu quả của việc công khai chuyện đời tư. Có thể ban đầu họ chỉ muốn nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ cộng đồng, hoặc đơn giản là chỉ muốn giải tỏa những bực tức không thể kìm nén, mà không biết chính mình đã dọn một bữa tiệc ngôn từ hấp dẫn cho thiên hạ nhảy vào thưởng thức và bình phẩm, chưa kể những hệ lụy về sau…

Mới mờ sáng, đã nghe bạn điện thoại: “Vào facebook mà xem, vợ chồng Hương hình như sắp ly hôn. Chồng nó cặp với con nào trẻ lắm, có bầu rồi, siêu âm con trai hẳn hoi”.

Tôi giật mình. Chỉ mới một đêm mà hàng loạt status đã được Hương cập nhật liên tục trên trang cá nhân. Những câu chữ lủng củng vì được viết vội vàng cho thấy tâm trạng Hương đang bấn loạn. Bao nhiêu chuyện trong nhà Hương đều bày ra trước mắt bàn dân thiên hạ. Mọi người ta hào hứng “à, ồ” bình phẩm. Người xui “bỏ quách cái loại chồng lăng nhăng ấy đi”, người xót xa “tội nghiệp chưa, xinh đẹp, giỏi giang mà lấy phải thằng chồng không ra gì”, người động viên “còn nước còn tát, có gì vợ chồng đóng cửa bảo nhau”...

Sáng đến công ty đã thấy vài ba tốp chụm đầu vào buôn chuyện nhà Hương, thương cảm thì ít, dè bỉu thì nhiều. Đàn bà mà, cứ thấy người ta hơn mình là ghen ghét, thấy người ta đau khổ có khi lại hả hê, nhất là trước đây trên facebook của Hương luôn tràn ngập lời lẽ yêu thương và hình ảnh hạnh phúc.

Người ta từng ghen tị với những bữa cơm tươm tất do chồng Hương vào bếp, từng xuýt xoa trước những món quà Hương bất ngờ nhận được từ chồng mà không cần phải là một dịp nào đó trong năm. Chuyện gia đình Hương đang bên bờ vực thẳm khiến công ty được một phen rôm rả. Khối chị em cảm thấy như được an ủi phần nào, bởi đâu chỉ riêng mình bất hạnh.

Vài ngày sau, Hương đã xóa đi những dòng trạng thái cũ nhưng chuyện ở cửa miệng người đời vẫn không ngừng được thêu dệt. Vợ chồng Hương không ly hôn, cô bồ kia cũng chẳng phải có bầu, tất cả chỉ từ thói ghen tuông, suy diễn thái quá của người đàn bà khi bị tổn thương. Vết thương ấy sau một thời gian cũng lành miệng.

Khi chồng Hương đoạn tuyệt với người tình, quay về vun vén gia đình, chuộc lỗi bằng sự chu đáo và tận tụy, thì trên facebook của Hương lại tràn ngập hình ảnh gia đình vui vẻ, đầm ấm.

Thế nhưng, nhìn vào đó người ta không khỏi nghi hoặc cái hạnh phúc đó liệu có phải chỉ là vỏ bọc? Đồng nghiệp lại rỉ tai: “Chắc làm màu thế thôi chứ vui vẻ nỗi gì. Đàn ông đã có tính đó thì giời sửa”. Lại có người ác miệng: “Biết đâu chồng có con riêng thật mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Anh chồng thì ngượng ngùng những khi đụng mặt bạn bè, đồng nghiệp của vợ. Đã vài lần chồng Hương thở dài: “Sao mấy chuyện đó mà em cũng có thể mang lên facebook được? Anh sai thật nhưng không hiểu nổi em đã nghĩ gì?”. Liệu Hương có thấm thía với cái đau từ mặt trái của mạng xã hội?

Chị Trầm đã hơn năm mươi tuổi, làm gì cũng suy tính trước sau, nhưng từ khi đứa con gái đi học xa nhà lập cho chị một tài khoản facebook thì bao nhiêu chuyện “trong nhà chưa tỏ” chị đã phơi ra cho ”ngoài ngõ đã thông”.

Những chuyện như chồng mang tiền cho gái, nhà nội tranh giành đất đai tài sản chị cũng công khai lên “phây” khiến hàng xóm xì xào, con cái xấu hổ với bạn bè, học hành sa sút. Chồng chị cũng muối mặt không dám nhìn thẳng các con mình trong những bữa cơm gia đình, nhất là từ sau khi con cái vì áp lực dư luận mà tức giận nói với bố bằng những lời chẳng ra gì.

Mạng xã hội chỉ là thế giới ảo nhưng lại như một con dao hai lưỡi sắc bén. Chơi dao có ngày đứt tay, lẽ thường tình ấy không phải ai cũng hiểu. “Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” nên mọi người chớ dại mang nỗi đau của mình phơi ra giữa bàn dân thiên hạ. Liệu chúng ta có nhận được sự cảm thông, xót thương khi làm như thế?

Rất tiếc những thứ đó bạn chỉ có thể tìm thấy ở những người thân thiết. Bao mối quan hệ đã không thể hàn gắn, bao hiểu lầm vốn có thể hóa giải giờ bị đẩy vào bế tắc, bao con người bị dồn vào đường cùng vì chuyện riêng bị phơi trên mạng xã hội?

Câu “Im lặng là vàng” của người xưa chưa bao giờ trở nên cần thiết như trong thời hiện đại này - thời của bùng nổ thông tin. Chính vì thế, tôi luôn ngồi yên trong góc bếp nhỏ của mình mỗi khi gặp phiền muộn, tự pha cho mình một cốc cà phê ngon để suy ngẫm, thay vì trút mọi thứ lên mạng, đem nỗi đau của mình và người thân làm cỗ cho thiên hạ thưởng thức.

Vũ Thị Huyền Trang (Theo PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm