Đòi xét giấy tờ giữa khuya

Ngày 5-8, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ Trần Hữu Lê về tội bắt người trái pháp luật do có kháng nghị của VKS về hình phạt. Ban đầu, với hành vi của các bị cáo, cơ quan tố tụng đã truy tố Lê và đồng phạm về tội cướp tài sản nhưng sau đó đã chuyển sang tội danh bắt người trái pháp luật.

Bỏ trốn 10 năm vì sợ bị xử tội cướp

Theo hồ sơ, 2 giờ sáng 23-11-2001, sau khi nhậu xong, Vũ Huy Hoàng chở Lê đi trên đường thì thấy anh Chính đang ngồi tại trạm xe buýt trước cổng Công viên Tao Đàn, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Bên cạnh anh Chính có một cặp táp màu đen. Lê bèn rủ Hoàng đến chỗ anh Chính rồi yêu cầu anh này cho kiểm tra giấy tờ tùy thân nhưng anh Chính không đồng ý.

Lúc này, cả hai bắt ép anh Chính lên xe mô tô chở lòng vòng rồi đến một căn nhà trên đường Võ Văn Tần thì dừng xe và tiếp tục yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Anh Chính không đồng ý thì bị Hoàng dùng tay đánh vào mặt. Hoảng sợ, nạn nhân bèn đưa thẻ sinh viên cho Hoàng và Lê xem. Cùng lúc này, tổ tuần tra công an phường phát hiện sự việc. Hoàng cầm thẻ sinh viên của nạn nhân chạy thoát, còn Lê bị bắt về công an phường.

Sau đó cả hai bị khởi tố và truy tố về tội cướp tài sản. Lúc này Lê được tại ngoại điều tra nhưng do hoảng sợ nên bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã. Sau đó các cơ quan tố tụng xét thấy khó chứng minh được ý thức chiếm đoạt tài sản của hai bị cáo cùng việc nạn nhân không bị mất tài sản gì và ở xa không tích cực hợp tác được nên đã đổi tội danh vụ án.

Năm 2006, Hoàng bị TAND quận 3 xử phạt năm tháng tù về tội bắt người trái pháp luật. Còn Lê bỏ trốn mãi đến tháng 10-2013 mới ra công an trình diện.

Xử sơ thẩm tháng 5, TAND quận 3 xét bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chưa gây thiệt hại, có cha già đang bệnh nặng nên chỉ tuyên phạt Lê sáu tháng tù treo (cũng về tội bắt người trái pháp luật).

Bị cáo không kháng cáo nhưng VKS TP kháng nghị vì cho rằng bị cáo không đủ điều kiện hưởng án treo mà tòa sơ thẩm xử vậy là không đúng.

Không áp dụng hồi tố

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Lê cho rằng ngày xảy ra vụ án bị cáo chỉ giỡn chứ không có ý định gì khác. Hành động lúc đó chỉ là bồng bột, tự phát, không bàn bạc trước.

Tranh luận tại tòa, công tố viên phân tích án sơ thẩm cho bị cáo Lê hưởng án treo theo Điều 60 BLHS là không đúng. Bởi Lê bỏ trốn, bị truy nã hơn 10 năm trời. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ xem xét phạt án treo với bị cáo “ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú”. Do bị cáo đã vi phạm điều kiện này nên không đủ điều kiện hưởng án treo. Ngoài ra án sơ thẩm nhận định vai trò của Lê là rủ rê, khởi xướng thực hiện tội phạm còn Hoàng chỉ là giúp sức, không bỏ trốn và đã bị phạt năm tháng tù (giam). Trong khi Lê bỏ trốn và giữ vai trò quan trọng hơn nhưng lại hưởng án treo là không công bằng, không nghiêm...

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm không đồng tình với kháng nghị này. Theo tòa, Lê hoàn toàn biết không ai bị bắt nếu không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trừ trường hợp phạm tội quả tang. Nhưng do có tính càn quấy, xem thường pháp luật nên Lê và Hoàng có hành vi phạm tội. Trong vụ án này, cả hai không có tổ chức, chỉ là đồng phạm đơn giản, vai trò ngang nhau. Hơn nữa, nghị quyết nói trên được ban hành sau khi xảy ra vụ án, nếu áp dụng (hồi tố) là làm bất lợi cho bị cáo. Từ đó HĐXX giữ nguyên mức án sơ thẩm, bác kháng nghị phần này.

HOÀNG YẾN

Kháng nghị bổ sung tại phiên tòa

Trong vụ án này, tuy bác kháng nghị về phần hình phạt nhưng tòa lại chấp nhận phần kháng nghị bổ sung tại tòa của VKS về trách nhiệm dân sự. Tại tòa, công tố viên cho rằng trong bản án sơ thẩm, phần nhận định không đề cập đến trách nhiệm dân sự nhưng phần quyết định lại tuyên phần thỏa thuận thi hành án dân sự là không đúng. Kháng nghị bổ sung này tại tòa không làm bất lợi cho bị cáo và đúng nên tòa ghi nhận sửa phần này.

Theo khoản 1 Điều 238 BLTTHS, trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, VKS có quyền bổ sung, thay đổi kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm