Đoàn tụ sau 45 năm chia cách - Bài 2: Nước mắt ngày hội ngộ

“Mẹ tôi đã làm tròn nhiệm vụ của bà với đồng chí, đồng đội, tôi chỉ muốn làm một việc nhỏ để giúp mẹ hoàn thành bước cuối cùng trong chuỗi hành trình của bà: Mong muốn mẹ con dì Thu đoàn tụ với nhau. Trước khi viết thư tôi đã có những đêm mất ngủ, đắn đo. Nhưng rồi tôi quyết định viết và gửi để anh Đông biết sự thật nguồn cội của mình, còn việc anh có nhận mẹ hay không là quyền của ảnh”.

Lê Thị Hờ Rin, con của bà Huỳnh Thị Dung, đồng đội cũ của bà Đoàn Thị Thu, mẹ bé Đông, tâm sự như thế.

Hành trang đi hết cuộc đời

Bé Đông ngày ấy giờ đây rất ít chịu nói về mình. Sau nhiều lần gặng hỏi, anh mới tâm sự: “Trước khi nhận thư của Hờ Rin hai tháng, có người đánh tiếng đến vợ con tôi rằng đã tìm được cha mẹ cho tôi. Tôi vừa mừng vừa băn khoăn, khó tin. Những thông tin về cha mẹ tôi từ trước đến nay đa chiều, người nói rằng tôi là con của “ngụy”, người bảo tôi con của cán bộ cách mạng. Gia đình mẹ nuôi cũng đã đi tìm cha mẹ cho tôi nhưng không được. Một lần, mẹ nuôi nhìn tôi và nói: Cha mẹ con là người của cách mạng, nhưng vì để an toàn cho con khi gia đình sống giữa vòng vây của kẻ thù thì đường dây cơ sở nhận nuôi phải tung tin là con của lính “ngụy”.

Người nhận tôi từ vùng căn cứ về là cô Năm Bội, sau đó cô đã chuyển tôi cho người khác là mẹ Năm Châm (Võ Thị Thâm) nuôi đến bây giờ. Lúc mẹ nuôi còn sống, tôi đã đi tìm nguồn cội nhưng mãi vẫn không ra. Nay cả người đón tôi về từ căn cứ lẫn mẹ nuôi tôi đều đã sang thế giới bên kia thì hy vọng tìm song thân coi như tắt lụi.

Lần nhận được thông tin này, tôi kìm lòng lại, không dám đi tìm lần nữa bởi sợ cái cảm giác hy vọng rồi lại thất vọng như nhiều lần trước. Tôi chỉ tin tìm được tung tích cha mẹ khi chính những người chứng kiến trực tiếp chuyện của cha mẹ mình thời đó nói cho nghe. Hai đứa con hay hỏi tôi về ông bà nội, tôi bảo chắc chắn là có chứ không thì làm sao có ba trên đời này, nhưng ông bà ở đâu đó ba chưa tìm ra. Thôi thì để ba lập gia phả cho nhà mình, coi như ba là người đứng đầu chi vậy”.

Đoàn tụ sau 45 năm chia cách - Bài 2: Nước mắt ngày hội ngộ ảnh 2

Mẹ con anh Đông trong ngày hội ngộ. (Ảnh do nhân vật cung cấp.)

Nói với con là vậy nhưng trong lòng anh có một khoảng trống mơ hồ. Người đưa anh từ căn cứ về đã mất, mẹ nuôi cũng đã mất, cái khoảng trống vắng tình mẫu tử và sự mong muốn biết sự thật về cha mẹ đẻ ngày càng hoang hoác thêm. Anh kể: “Mẹ nuôi tôi là một người lao động bình dân, không chồng không con, giàu tình mẫu tử. Khi tôi còn nhỏ, có nhiều người đến xin đưa về làm công trong các xưởng lao động nhưng mẹ tôi nhất định không cho, bà nói cực khổ mấy bà cũng nuôi tôi khôn lớn”.

Khi mẹ nuôi mất, thay vì hưởng toàn bộ gia sản mẹ nuôi để lại thì vợ chồng anh đã họp mặt gia đình nhà mẹ nuôi để trao lại toàn bộ gia sản cho gia đình mẹ, anh chỉ xin được ở căn nhà kế bên ngôi mộ để nhang khói mẹ hằng ngày. Anh bảo tài sản là vật ngoài thân, tình yêu thương và đạo làm người mẹ cho mới đủ để đi hết cuộc đời.

Bên ngưỡng cửa đoàn viên

Nhưng đến khi nhận lá thư của người gửi có tên Hờ Rin vào cuối giờ chiều 9-5-2011, người đàn ông có tên bé Đông ngày ấy đã đọc một mạch năm trang thư rồi lặng người trên ghế tại phòng làm việc.

Sau vài chục phút để cảm xúc lắng dịu bớt, anh gọi điện thoại cho người gửi thư. Rồi ngay lập tức, anh xin nghỉ phép ngày hôm sau để đi tìm tung tích của cha mẹ. Sáng sớm hôm sau, anh đến nhà bà Dung, mẹ của Hờ Rin. Vừa nhìn thấy anh, bà Dung nhận ra hình bóng của mẹ, cha bé Đông 45 năm về trước.

Duyên may, trong thời gian này bà Dung và đồng đội cũng đã liên lạc được với ông Nguyễn Thanh - ba anh. Anh quyết định ngay trong ngày hôm ấy (10-5) đi cùng bà Dung lên Bình Dương để gặp ba. Trên đường đi, bà Dung có nhắc đến một chi tiết rằng mẹ anh quê ở Bình Thuận (hiện sống ở Bình Định). Ngay lập tức, anh bấm máy gọi điện thoại cho một người bạn ở Bình Thuận dò hỏi manh mối của một người có tên Thu Label. Không ngờ chỉ 10 phút sau khi kết nối với nhiều người khác, anh đã được nói chuyện với người đã mang nặng đẻ đau sinh ra mình cách đây 45 năm.

Sự trùng phùng diễn ra nhanh chóng đến bất ngờ, anh đã nghe được giọng nói của mẹ trước khi được gặp cha vài tiếng đồng hồ. Cuộc nói chuyện chỉ vỏn vẹn trong những tiếng “Mẹ”, “Con”, “Bé Đông”… Rồi thì những tiếng nấc và khóc òa từ đầu dây ở Bình Định choán hết sóng điện thoại.

Trước đó hơn một tháng, vợ con ông Nguyễn Thanh cũng đã cùng bà Dung đi tìm thằng bé Đông lưu lạc. Đã hơn 90 tuổi, ngày nào chưa tìm được thằng Đông là ngày ấy ông còn thấy mình có lỗi. Mỗi lần vợ con lên đường đi tìm cũng đều giấu vì sợ ông lên cơn cao huyết áp. Khi biết được tung tích của Đông rồi, gia đình cũng không dám cho biết ngay vì sợ ông quá vui mừng, quá sốc mà hại cho sức khỏe. Người con gái của ông đã viết Nhật ký tìm anh Đông kể lại quá trình tìm kiếm rồi đọc cho ông nghe dần.

Nhật ký bắt đầu bằng những dòng: Ngày… tháng… năm, má nhận điện thoại của dì Dung (bạn của má và bạn của dì Thu) nói là vừa có thông tin về những người gửi em bé con của ba và dì Thu ra khỏi căn cứ. Vì mọi người tham gia kháng chiến thời đó giờ đa số đã mất, chỉ còn vài người nên cần phải tìm gấp… /Ngày… tháng… năm, má và anh Nhân xuống Sài Gòn gặp dì Dung… /Ngày … tháng… năm… mọi người lại hẹn nhau đến gặp cậu Ba Phần (con bà Năm Bội) để xác minh xem sự việc có đúng như vậy không...

Đoạn kết nhật ký để hờ, dường như người viết còn băn khoăn chưa biết anh Đông có chịu nhận cha hay không.

Và đoạn kết có hậu

Bước chân vào nhà gặp cha ngồi ngay bậc cửa ngóng ra ngoài như đã chờ hình bóng đứa con lâu lắm rồi, anh Đông muốn ôm ghì lấy mà gọi tiếng Cha nhưng không được. Mọi người cùng thống nhất là hãy để từ từ rồi cha sẽ nhận ra con.

Ngày đó, người người quây quần ngồi nói chuyện với nhau, mọi ánh mắt đều tập trung vào anh Đông. Cho đến khi anh Đông ra về, họ tin rằng ông cụ gần 90 tuổi kia chắc sẽ chưa hiểu chuyện gì xảy ra vì ông bị điếc nặng. Nhưng linh cảm của một người cha đã mách bảo, ông run môi hỏi: “Ai vừa tới thăm nhà mình mà mọi người vui mừng quá vậy? Phải thằng Đông không bay?”.

Về tới Sài Gòn, anh Đông lập tức liên lạc những người đồng đội cũ của ba mẹ như ông Hai Chăm, ông Ba Tự, bà Dung… để hai ngày sau cùng ra Bình Định gặp mẹ. Sau ngày nghe giọng con qua điện thoại, bà Thu liên tục mất ngủ vì bồn chồn mong gặp lại đứa con lưu lạc sau 45 năm dài thương nhớ.

9 giờ tối cả đoàn mới về đến nhà bà Thu. Trong ánh sáng lờ mờ trước sân nhà, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Cả hai òa khóc. Người mẹ cầm nắn mãi hai bàn tay con, lẩm bẩm như tự nói một mình: “Bàn tay nó đây rồi. Bàn tay mềm mại lạ lùng. Bàn tay trong mơ luôn dói tìm mẹ!”. Mắt đỏ hoe, chân run không trụ vững nhưng người con đã nhanh chóng chìa bờ vai cho mẹ tựa vào mà khóc rấm rứt.

Anh Đông đưa mẹ vào TP.HCM để thắp nhang cho người mẹ nuôi, để mẹ anh và bên vợ nhận thông gia với nhau. Sau đó, gia đình anh cùng đồng đội đưa mẹ lên Bình Dương gặp ba để đại gia đình được đoàn tụ. Ngày đoàn tụ là ngày tóc của cha-mẹ-con đều đã bạc màu.

Trên bức tường nhà ông Sáu Thanh, đứa con gái lớn của anh Đông đã kịp treo một bức tranh đồ họa vi tính vẽ về một cây gia phả từ đời ông nội cho đến đời ba do chính tay em tự làm mà không cho ba mình biết. Bức đồ họa in dòng chữ: “Như chia hề có cuộc chia ly”.

* * *

Bây giờ thì Chủ nhật hằng tuần anh Đông lại đưa gia đình nhỏ của mình về Bình Dương để vui vầy với ba. Thỉnh thoảng, anh đón mẹ vào TP.HCM để sum vầy cùng con cháu. Mới đây, khi anh đưa mẹ đi tham quan dinh Thống Nhất, bà chỉ vào cây súng trưng bày trên tường và giải thích: Ngày xưa mẹ cao to như cây súng label này nên đồng đội gọi là Thu Label.

Sau cuộc họp mặt gia đình ngày 11-6-2011 với sự chứng kiến của các đồng đội, của Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Thành ủy…, lý lịch của anh được bổ sung thêm vào phần tên gọi khác: Đông.

Lâu nay anh được biết đến với cái tên Võ Văn Hoan, Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm