Đi tìm sự thật từ những vụ dựng hiện trường giả

Song dù tinh vi đến mấy, bọn chúng vẫn bộc lộ những sơ hở không thể lường trước được.

Khi điều tra các vụ báo án giả, các vụ hoang báo mà "bị hại" đồng thời cũng là đối tượng chính trong vụ án, các điều tra viên cần đặc biệt chú ý đến tính hợp lý của lời khai, các dấu vết thu được tại hiện trường. Đó là chiếc "chìa khóa" đa năng để sự thật được phơi bầy.

Đồng chí Đoàn Quang Thắng, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm. Thực tế hiện nay cho thấy thủ đoạn báo án giả của các đối tượng phạm tội vô cùng tinh vi. Đó có thể là tin báo về một vụ đối tượng đột nhập tư gia, trộm cắp tài sản, có khi lại là một vụ cướp đường táo tợn, kẻ gây án sử dụng hung khí song cũng có lúc là một vụ cướp giật…

Đi tìm sự thật từ những vụ dựng hiện trường giả ảnh 1

Một số đối tượng dựng hiện trường giả gây án

Sau khi dàn dựng các vụ án trên, đối tượng gây án với tư cách tham gia tố tụng là người "bị hại" sẽ đến cơ quan điều tra trình báo với bộ dạng hoảng loạn, sợ hãi, một số đối tượng thậm chí còn liều lĩnh tạo ra các vết thương trên người và trên thân thể. Vì vậy, khi tiếp nhận đơn trình báo, nhiệm vụ của các điều tra viên là phải tìm ra sự bất hợp lý trong lời khai của họ, xác minh xem vụ án đó thật không.

Thông thường khi đã tạo dựng hiện trường giả, đối tượng gây án cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lời khai và tâm lý… nên các điều tra viên cần quan sát thật kỹ thái độ, trạng thái tâm lý của họ. Trong một số trường hợp cũng cần phải thẩm định lại nhân thân của người đến trình báo với tư cách là "bị hại". Nếu nạn nhân khai báo bị thương, bị đâm, chém… cần phải xem xét tình trạng thương tật, rồi vết thương do vật gì gây ra.

Đây được xem là vấn đề rất quan trọng, bởi nếu đối tượng tự gây thương tích cho mình thì độ sâu của vết thương sẽ không đủ, để có khả năng sát thương như lời khai của họ tại cơ quan điều tra. Vụ cướp giả mà Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa làm rõ vào tháng 9/2010 là một ví dụ. Vụ án khám phá thành công do các điều tra viên đã tỷ mỷ, thận trọng xác minh lời khai của người "bị hại".

13 giờ ngày 6/9/2010, sau khi dàn dựng vụ cướp giả, chiếm đoạt của công ty 20 triệu đồng, Phạm Tuấn Vinh (38 tuổi, trú tại tổ 55, phố Việt Yên, phường Thanh Miếu, TP Việt Trì, Phú Thọ) tìm đến Công an phường Thanh Trì trình báo về việc bị cướp tài sản, trong bộ dạng mệt mỏi, quần áo rách tả tơi cùng nhiều vết thương  trên mặt và người...

Khi có mặt tại cơ quan điều tra, Vinh khai rằng khoảng hơn 12 giờ, Vinh đang đi trên đường đê Thanh Trì xuống dốc Lĩnh Nam thì bị 4 thanh niên, đi trên hai xe máy ép vào lề đường. Bọn chúng dùng dao đâm vào lưng Vinh, sau đó dùng tuýp sắt đập vào đầu làm Vinh ngã lăn ra đường rồi cướp đi 20 triệu đồng tiền hàng của công ty.

Số tiền của Vinh gồm có 700 nghìn đồng và một chiếc điện thoại thì không hề bị mất. Đây chính là điểm nghi vấn, khiến các điều tra viên đặt câu hỏi và tập trung làm rõ. Vì sau, đối tượng không lấy số tài sản của Vinh. Công an quận Hoàng Mai đã tiến hành khám các thương tích trên người Vinh và các vết rách trên áo mà đối tượng khai nhận là do bị dao đâm.

Từ đây các điều tra viên đã phát hiện ra những sơ hở để tập trung đấu tranh với tên này. Mặc dù Vinh  khai  bị dao đâm nhưng các vết rách trên hai lớp áo của Vinh lại hoàn toàn không trùng khớp nhau. Cùng với đó, các điều tra viên bí mật xác minh nhân thân của Vinh và được biết Vinh từng có 1 tiền án về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi thụ án 36 tháng tù, Vinh về làm tại Công ty Phúc Đạt có nhiệm vụ giao hàng và nhận tiền về nộp cho công ty…

Trước các chứng cứ mà Công an quận Hoàng Mai đưa ra, Vinh buộc phải thừa nhận hắn là "tác giả" dàn dựng màn cướp trên. Trước đó, do cần tiền tiêu xài, Vinh đã lén lấy 1,9 triệu đồng của Công ty sử dụng vào mục đích cá nhân. Vì lo sợ bị phát hiện, Vinh đã dùng dao tự gây thương tích cho mình, tháo mũ bảo hiểm, rồi làm đổ xe máy, tạo nên vết bầm, tím ở vùng đầu; dùng mảnh thủy tinh, cào rách hai lớp áo tạo ra vết dao đâm. Số tiền hơn 18 triệu đồng còn lại, Vinh giấu ở một bụi cây ven đường. Từ lời khai của người bị hại, Công an quận Hoàng Mai đã thu hồi được tài sản, trả lại cho người bị hại.

Từ thực tế các vụ án dựng hiện trường giả cho thấy đối tượng gây án đều là những người có quan hệ quen biết với người "bị hại", đó có thể là nhân viên trong một công ty song cũng có khi là người giúp việc được gia chủ rất tin tưởng…

Quá trình làm việc, các đối tượng này nắm được quy luật sinh hoạt cũng như nơi cất giấu tài sản của chủ nhà nên tìm cơ hội thực hiện hành vi phạm tội. Trong các trường hợp này, việc khám nghiệm hiện trường đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Vụ trộm 300 triệu đồng và 3 cây vàng được Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) khám phá thành công là một ví dụ.

Thủ phạm dàn dựng toàn bộ vụ trộm hy hữu này là Nguyễn Thị Tươi, 22 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), người giúp việc được anh Hoàng Hoa Sơn, chủ nhà vô cùng tin tưởng. Trong lúc dọn dẹp nhà, Tươi vô tình nhìn thấy chùm chìa khóa có mã số của két sắt để tiền của anh Sơn nên nảy sinh lòng tham. Đồng tiền đã biến cô ôsin quê mùa ấy nghĩ đến một thủ đoạn tinh quái là dàn dựng vụ trộm cắp giả hòng "ẵm trọn" số tiền trên.

Sau khi giấu tiền trên tấm phào trần ở tầng 1 và dưới cậu cây cảnh, Tươi đảo lộn tung tóe phòng ngủ của vợ chồng chủ nhà, hòng tạo hiện trường vụ đột nhập giả rồi hô hoán mọi người… Vụ án này được Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhanh chóng làm rõ vì họ tập trung vào việc khám nghiệm hiện trường một cách tỷ mỷ.

Mặc dù Tươi khai rằng tên "trộm" đột nhập từ bên ngoài vào nhưng kết quả khám nghiệm lại cho kết quả ngược lại. Trong quá trình khám xét, cơ quan điều tra không thu được dấu vết nào của việc đập phá và đột nhập. Từ những căn cứ thu thập được, các điều tra viên đã tập trung đấu tranh, buộc Tươi khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Điều tra viên Đoàn Quang Thắng cũng cho biết: Trong nhiều trường hợp, các điều tra viên còn phải chứng minh sự hợp lý hóa trong việc sử dụng thời gian, thậm chí phải dựng lại toàn bộ hành trình của người đến khai báo. Chính sự bất hợp lý trong việc sử dụng thời gian khiến họ dễ dàng nhận thấy những thủ đoạn gian trá.

Cá biệt, có trường hợp còn phải chứng minh được sự tham gia của các đồng phạm trong vụ án. Cuối tháng 11/2010, Công an quận Hoàng Mai vừa làm rõ một vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thủ đoạn dàn dựng vô cùng tinh vi.

Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai đã khởi tố cùng lúc 2 đối tượng là Nguyễn Đức Hùng (24 tuổi, hộ khẩu thường trú tại xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) và Nguyễn Văn Pho (25 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) về hành vi trên. Kẻ chủ mưu của vụ "cướp giả"  là Hùng. Vì là cháu ruột của giám đốc công ty nên Hùng được tin tưởng cho đi giao và nhận tiền. Trong quá trình đó, Hùng nảy lòng tham nên bàn với Pho, giả vờ bị cướp để "nẫng" toàn bộ số tiền của công ty…

Để làm rõ được vụ án này, các điều tra viên của Công an quận Hoàng Mai đã phải xuống tận hiện trường để tiến hành xác minh thông tin. Vào thời điểm Hùng khai xảy ra vụ cướp giật (khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày) có rất đông người tham gia giao thông nhưng không một ai phát hiện có vụ cướp giật tài sản xảy ra. Từ nhận định đó, các trinh sát tập trung đấu tranh với Hùng về thời gian, đặc điểm nhân dạng của đối tượng cướp tài sản và Hùng đã bộc lộ sự mâu thuẫn trong lời khai...

Để làm rõ các vụ dựng hiện trường giả, điều tra viên phải căn cứ vào quy luật hình thành dấu vết, từ đó giúp khẳng định đó là hiện trường giả hay thật, để có định hướng điều tra chính xác, giúp nhanh chóng đưa sự thật ra ánh sáng.

Theo Xuân Mai (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm