Dầu Tiếng, Bình Dương: VKS cho tại ngoại, công an vẫn giam

Tháng 6-2010, Công an huyện Dầu Tiếng ra quyết định khởi tố bị can và ra các lệnh tạm giam hai bị can Nguyễn Văn Hữu và Lê Văn Trò, cùng về tội tổ chức đánh bạc. Tháng 8-2010, sau khi có kết luận điều tra, VKSND huyện Dầu Tiếng xét thấy gia đình hai bị can Hữu và Trò có đơn bảo lãnh, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nơi cư trú rõ ràng nên ngày 1-9-2010 đã ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại. Ngay trong ngày, kiểm sát viên trực tiếp giao cho cán bộ nhà tạm giữ để thi hành.

Thế nhưng năm ngày sau, VKS huyện phát hiện hai bị can Trò và Hữu còn bị tạm giam nên đã lập biên bản ghi nhận sự việc. Tuy nhiên, đại diện nhà tạm giữ là ông Lê Minh Hòa đã từ chối ký vào biên bản kiểm tra và biên bản vi phạm.

Ngày hôm sau, VKS huyện Dầu Tiếng có báo cáo và kèm toàn bộ hồ sơ gửi đến VKS và Công an tỉnh Bình Dương. Ngày 11-9-2010, Thượng tá Phương gửi văn bản cho các cơ quan chức năng cho rằng: “Thời gian giao nhận quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn là đã hết giờ xuất phạm (trừ những trường hợp đặc biệt), tiếp đến là những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 đến ngày 5-9-2010” và “Lệnh tạm giam bị can Hữu còn hạn đến 7-9-2010, bị can Trò còn hạn đến 15-9-2010”.

Tháng 9-2010, Thượng tá Nguyễn Hoàng Thao, Thủ trưởng cơ quan điều tra, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, có công văn gửi VKS huyện Dầu Tiếng về việc Công an huyện Dầu Tiếng giam giữ người trái pháp luật đối với hai bị can Hữu và Trò. Theo công văn này, ông Thao đã làm việc với Công an huyện Dầu Tiếng theo hướng chấn chỉnh sai sót và tăng cường, phối hợp với các cơ quan tư pháp ở huyện chặt chẽ hơn.

Theo ông Phan Châu Tuấn, Viện trưởng VKS huyện Dầu Tiếng, căn cứ Điều 303 Bộ luật Hình sự thì việc tiếp tục giam giữ bị can khi đã có quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn của người có thẩm quyền là hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Ngoài ra còn một trường hợp “giam lố” khác, theo VKS huyện Dầu Tiếng, trước đó bị can Giang Tấn Dũng bị tạm giam về tội tổ chức đánh bạc, hết thời hạn tạm giam nhưng công an huyện tiếp tục giam thêm ba ngày. VKS huyện thấy việc tạm giam bị can Dũng là trái pháp luật nên lập biên bản vi phạm và ra quyết định trả tự do cho Dũng theo Quyết định trả tự do ngày 7-7-2011.

Đề nghị điều chuyển cả viện trưởng và trưởng công an huyện Dầu Tiếng

Đầu năm nay, dư luận ồn ào về việc ông Phan Châu Tuấn, Viện trưởng VKS huyện Dầu Tiếng, có đơn tố cáo ông bị Thượng tá Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Công an huyện, chỉ đạo bắt giữ, khám xét trái pháp luật. Đơn được gửi đến VKSND Tối cao, Cục Điều tra VKSND Tối cao nhưng chưa được giải quyết. Mới đây, ông Tuấn tiếp tục có đơn gửi Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền tố cáo Thượng tá Phương không chỉ việc bắt giữ ông mà còn có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Theo ông Tuấn, việc ông bị bắt trái luật có nguyên nhân sâu xa giữa Thượng tá Phương và ông từ trước. Ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ việc bắt giữ ông là vì lợi ích chung hay động cơ nào khác?

Ông Trần Chí Thanh, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng, cho biết ngày 27-3, Huyện ủy đã có văn bản gửi công an tỉnh và VKS tỉnh Bình Dương đề nghị có phương án điều động, bố trí nhân sự người đứng đầu công an huyện và VKS huyện (chứ không phải đề nghị thôi chức như có tờ báo đã đưa tin). Lý do là hai ông là người đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng không phối hợp tốt để xử lý công việc, gây bức xúc trong dư luận.

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm