Đáp án kỳ 15: Luật chung chung, trẻ có đến hai cha

 TS. Nguyễn Văn Tiến- Trưởng Bộ môn Luật tố tụng dân sự - Hôn nhân và gia đình, ĐH Luật TP.HCM trả lời đáp án À Ra Thế kỳ 15.Thanh Tùng thực hiện

Trong đó, phần lớn đáp án hoặc xác định anh A hoặc xác định anh C là cha đứa bé. Chỉ có số ít đáp án xác định cả A và C đều có thể là cha của đứa bé. Với tình huống kỳ này đã chứng minh số đông không phải lúc nào cũng đúng.

Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình (LHNGĐ) 2014 quy định: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Như vậy, em bé được người phụ nữ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân và em bé do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân đều được xác định là con chung của vợ chồng đó. Theo tình huống, em bé được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa chị B với anh C nên theo quy định trên, anh C chính là cha.

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì chắc chắn các chuyên gia của À Ra Thế đều giải đáp được tình huống này. Thế nhưng cũng khoản 1 của điều luật trên còn quy định: “Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Quy định này chính là điểm mấu chốt của tình huống kỳ 15, giúp À Ra Thế chọn được những chuyên gia pháp luật xuất sắc nhất.

Theo tình huống, anh A và chị B ly hôn vào ngày 15-5-2015 và chị B sinh em bé vào ngày 15-1-2016 (tổng cộng tám tháng) nên có thể xác định em bé “được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân”. Từ đó cũng xác định được em bé là “con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhânvới anh A. Đối chiếu giữa quy định của khoản 1 Điều 88 LHNGĐ 2014 với tình huống này, cả anh A cũng được xác định là cha của em bé.

Như vậy, nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc: “Chẳng lẽ cả anh A và anh C đều là cha của đứa nhỏ?”. Quả thật là vậy, À Ra Thế đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành cũng như các văn bản hướng dẫn và thấy rằng trường hợp này cả anh A và anh C đều được xác định là cha của đứa trẻ vì đều thỏa mãn với quy định của khoản 1 Điều 88 LHNGĐ 2014.

Vậy nếu trong thực tế xảy ra tình huống tương tự thì sao? Thực ra câu hỏi này không khó, theo Luật Hộ tịch 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con…”. Như vậy, thực tế sẽ tùy thuộc vào việc người đàn ông nào thực hiện đăng ký khai sinh cho đứa bé thì sẽ được xác định là cha đứa bé. Nếu người còn lại cũng nhận đứa trẻ là con của mình và xảy ra tranh chấp thì LHNGĐ 2014 cũng đã dự liệu điều này. Khoản 1 Điều 89 quy định: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình”. Nếu hai người đàn ông cùng cho rằng mình là cha ruột của đứa bé thì có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xác định cha cho con. Lúc này, kết quả giám định ADN chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề.

Do tình huống chỉ dừng lại ở việc tranh cãi giữa A và C nên đáp án À Ra Thế kỳ 15 là: Cả A và C đều có thể được xác định là cha của đứa bé.

À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Những bạn đọc có đáp án khác xin hãy tiếp tục tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo với tinh thần “Không được giải cũng được luật” nhé.

Con số may mắn kỳ này sẽ được công bố đến quý bạn đọc vào ngày thứ Tư 9-11 kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm