Đào tạo ba chung vì cải cách tư pháp

Để tìm hiểu thêm, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổivới PGS-TS Nguyễn Thái Phúc, Giám đốc Học viện Tư pháp.

Ông Phúc (ảnh) cho biết Thủ tướng Chính phủ cho phép Học viện Tư pháp (HVTP) thí điểm đào tạo 100 học viên/năm trong giai đoạn 2014-2015, trên cơ sở thí điểm thành công sẽ triển khai rộng rãi trong những năm sau.

Thống nhất chương trình đào tạo

. Vì sao phải đào tạo ba chung, thưa ông?

+ Thứ nhất, đây là một trong những giải pháp thực hiện chủ trương tăng cường tranh tụng của cải cách tư pháp. Các hoạt động thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư thực hiện trong quá trình tố tụng về bản chất đều là hoạt động áp dụng pháp luật, đều xoay quanh việc đánh giá chứng cứ, tình tiết của một vụ án. Có rất nhiều điểm chung trong kỹ năng hoạt động của những chủ thể này như kỹ năng đánh giá chứng cứ, kỹ năng phân tích, kỹ năng tổng hợp, kỹ năng trình bày quan điểm, thuyết phục người khác… Tất nhiên bên cạnh những điểm chung đó, các chủ thể này có địa vị tố tụng khác nhau nên có những kỹ năng riêng gắn liền với nghề nghiệp...

Trong 15 năm qua, HVTP đào tạo các chức danh này theo những chương trình đào tạo độc lập. Chúng tôi nhận thấy có đến 60% nội dung giống nhau giữa các chương trình đó. Vì thế, việc đào tạo các chức danh này theo một chương trình đào tạo thống nhất cho phép học viên vừa có những kiến thức chung, kỹ năng chung, vừa nắm bắt được cả những kỹ năng riêng của những nghề khác nhau. Điều này sẽ tạo ra tiền đề thuận lợi cho việc tăng cường tranh tụng tại phiên tòa.

Thứ hai, chủ trương đào tạo ba chung nhằm thực hiện một trong những định hướng quan trọng của cải cách tư pháp là luân chuyển cán bộ giữa các chức danh tư pháp. Trên thực tế, việc luân chuyển vẫn đang diễn ra ở hai lĩnh vực tòa án và kiểm sát nhưng ở mức độ rất nhỏ, chưa phải là giải pháp lớn để các ngành thu hút, tuyển dụng người tài. Còn việc luân chuyển từ luật sư sang tòa, VKS gần như chưa có.

Xin nói thêm là hiện nay, quy trình tuyển chọn cán bộ của ngành tòa án, kiểm sát có tính khép kín. Những người được tuyển dụng vào các ngành này sau 4-5 năm công tác mới được gửi sang đào tạo ở HVTP. Hoàn tất khóa học, họ được trả về nơi đã cử họ đi học và trở thành nguồn để bổ nhiệm. Nếu đào tạo ba chung, các ngành sẽ có một nguồn với chất lượng đã được kiểm định từ đầu vào đến đầu ra và sự lựa chọn rộng hơn nhiều.

 
Kiểm sát viên đang tranh tụng với luật sư tại tòa. Ảnh: HTD

Những quan ngại

. Thưa ông, đào tạo ba chung là một chủ trương lớn trong tiến trình cải cách tư pháp. Vậy tại sao trong cuộc họp liên ngành do Bộ Tư pháp tổ chức bàn về việc triển khai vẫn có những ý kiến “bàn lùi”?

+ Thực ra có một số quan ngại khi triển khai. Khó khăn lớn nhất khi thực hiện đào tạo ba chung chính là đầu ra - tuyển dụng, sử dụng học viên đã tốt nghiệp. Đề án giao HVTP đào tạo thí điểm 100 học viên, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo tám phần, học viên bỏ ra hai phần. Kinh phí đào tạo coi như ổn nhưng cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch để các học viên có thể tin tưởng sau khi đào tạo chung, họ có quyền lựa chọn nghề thẩm phán hay kiểm sát viên và việc đào tạo không lãng phí.

Trong đề án có nói tới một văn bản thỏa thuận thống nhất giữa các ngành trong việc sử dụng học viên sau khi tốt nghiệp khóa học. Đề án cũng có nói các ngành cần ưu tiên tuyển thẳng các học viên xuất sắc có nguyện vọng công tác trong ngành kiểm sát và tòa án.

Cần lưu ý là học viên của khóa đào tạo thí điểm ba chung nhận được hỗ trợ từ kinh phí Nhà nước nên có thể họ sẽ phải có những cam kết nhất định khi được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước. Đây là tiền đề thuận lợi giúp các cơ quan VKS và tòa án tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Các học viên còn lại sẽ được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ trợ giúp pháp lý hoặc luật sư.

. Thưa ông, có một số ý kiến cho rằng đầu ra của HVTP chất lượng chưa cao, trường chỉ thiên về đào tạo lý thuyết... Ông nghĩ sao?

+ Đúng là thời gian qua có ý kiến cho rằng HVTP không làm nghề xét xử, kiểm sát, luật sư nên chất lượng đào tạo không cao. Nhưng HVTP có những đánh giá tích cực về chất lượng đào tạo từ những cơ quan độc lập như Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XII, đơn vị tư vấn InvestConsult Group. Đó là những đánh giá khách quan nhất.

Trước hết cần phải thấy rằng chương trình đào tạo ở HVTP được xây dựng theo nguyên tắc thống nhất, trong đó phần đào tạo về kỹ năng chung và kỹ năng chuyên sâu của từng nghề chiếm đến 60%-70%, còn lại là những chuyên đề chung, thực tập, kiểm tra. Tôi xin nói thêm rằng HVTP rất chú trọng việc đào tạo nghề các chức danh tư pháp phải có sự tham gia của các cơ quan tư pháp và những người đang hành nghề trong hoạt động tư pháp. Sự tham gia này bắt đầu từ khi xây dựng, thông qua chương trình đào tạo, tham gia trong việc giảng dạy, quản lý học viên. Điểm thấy rõ nhất là sự tham gia của đội ngũ giảng viên thỉnh giảng ở HVTP chiếm tỉ lệ 50%. Họ là những luật sư đang hành nghề, có uy tín, tên tuổi; các thẩm phán, kiểm sát viên nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp...

Cùng nhìn về một hướng

. Thưa ông, HVTP không còn là đầu mối thống nhất trong việc đào tạo các chức danh tư pháp nữa. VKSND Tối cao đã thành lập Trường ĐH Kiểm sát, TAND Tối cao dự kiến thành lập Học viện Tòa án, Liên đoàn Luật sư Việt Nam thành lập Trường Đào tạo Luật sư… Điều này ảnh hưởng gì đến chủ trương đào tạo ba chung?

+ Việc các ngành đều có trường đào tạo xuất phát từ lý do cho rằng quy mô của HVTP chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các ngành tòa án, kiểm sát, luật sư. Lý do khác cho rằng việc có nhiều cơ sở đào tạo sẽ tạo được sự cạnh tranh.

Tôi cho rằng sẽ không có vấn đề gì nếu các ngành, các cơ sở đào tạo đều cùng nhìn về một hướng là chúng ta phải có trách nhiệm to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho cải cách tư pháp. Theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị thì yếu tố nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định thành công của cải cách tư pháp ở nước ta. Hợp tác vì lợi ích chung là con đường để bảo đảm tất cả đều phát triển. Không ai hoàn hảo cả, nếu cứ ngồi chê bai nhau và chỉ nhìn góc độ của riêng ngành mình thì tất cả chúng ta đều yếu. Và thiệt hại cuối cùng chính là sự thành công của cải cách tư pháp...

. Xin cảm ơn ông.

THU NGUYỆT thực hiện

 

Nhiều nước đào tạo chung

Chúng tôi đã tham khảo và thấy rất nhiều nước tiến hành đào tạo chung. Ví dụ Mỹ chỉ có trường đào tạo nghề luật sư. Luật sư khoảng 15-20 năm hành nghề, tầm 40 tuổi, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm là nguồn để bổ nhiệm thẩm phán. Ở Pháp, Nhật Bản, Đài Loan cũng đều đào tạo chung thẩm phán và kiểm sát. Quan trọng là chung một chương trình đào tạo chứ không phải chung một cơ sở đào tạo. Tất nhiên ở Việt Nam, đây là một chủ trương mới nên phải thực hiện thí điểm đã.

PGS-TS NGUYỄN THÁI PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm