Đại gia đình của hai anh em

Chúng tôi tìm đến xóm chài nhỏ, lầy lội những căn nhà cấp 4 “mọc” ngổn ngang, đi qua con đường khúc khuỷu dẫn đến một căn nhà nhỏ nép mình ở cuối xóm. Đó là căn nhà hạnh phúc của gia đình hai anh em Thắng - Thọ ở ấp Hải Trung, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chẳng có gì là của riêng...

Khi chúng tôi đến nhà chỉ có anh Thọ. Anh Thắng dù bệnh tim nặng, không thể làm việc được nhưng vẫn thường xuyên đi làm Phật sự (cúng kính cầu siêu, sám hối) cho những gia đình trong xóm có hiếu sự.

Anh Thọ kể: “Hai anh em tôi từ nhỏ đến lớn làm gì, đi đâu cũng không thể buông được. Thằng Thắng không chỉ là em tôi mà còn là người bạn thân nhất của tôi”. Sinh ra tại một làng nghèo ở ngoài Huế, hai anh em vào đây khẩn hoang, cất nhà, lập gia đình cùng ở bên nhau đã hơn 30 năm. Hai anh em không chỉ ăn chung, ở chung mà còn kiếm tiền, xài tiền chung. Anh Thọ lập gia đình trước. Nghĩ đến việc nếu phải ra riêng đứa em phải sống một mình với căn bệnh tim bẩm sinh, anh không chịu được. Người vợ hiểu ý chồng nên bàn với anh cứ để Thắng ở chung nhà.

Khi anh Thắng lập gia đình, đại gia đình lại càng đông vui, gắn bó hơn. Hai người vợ cùng buôn gánh bán bưng tại bãi biển Long Hải. Tiền kiếm được để chung một chỗ, ai cần thì cứ nói người kia rồi lấy mà chi dùng. Chẳng ai thắc mắc so bì. Tôi hỏi chị Lý, vợ anh Thọ: “Tiền xài chung lỡ người kia lấy để sắm đồ hay mua sắm riêng cho mình hay chồng con thì sao?”. Chị cười lớn: “Chẳng có chi mô. Chú nớ cũng như tui thôi, quen sống giản dị tằn tiện rồi. Mà cho dầu có rứa thì tui cũng thấy bình thường. Ai mà chẳng có lúc cần tiền đi đám tiệc hay sắm sửa chút đỉnh”. Anh Thọ làm tại Trạm Thú y huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến tết cơ quan thưởng một chuyến đi nghỉ mát hoặc tiền, anh luôn lựa chọn cách thứ hai vì đến tết gia đình cần sắm sửa nhiều hơn, nhất là mấy đứa con của anh Thắng (anh Thắng có ba con trong khi anh Thọ có một đứa).

Đại gia đình của hai anh em ảnh 1

Hai chị Lý, Hạnh (vợ anh Thọ, Thắng) đang dọn quán bán buổi tối. Ảnh: NGUYỄN DÂN

20 năm nuôi em bệnh tật

Năm 1994, anh Thắng bị bệnh hở van tim, phải lên TP.HCM mổ. Tiền mổ và viện phí tổng cộng vài cây vàng. Cả gia đình có bao nhiêu đồ quý giá đều phải bán tống bán tháo, ngay đến nhẫn cưới của vợ chồng anh Thọ. Chị Lý cười giơ bàn tay không nhẫn lên: “Đến bây giờ cũng có sắm lại mô. Lúc nớ chỉ mong cứu sống được chú nớ chứ có nghĩ được chi mô”. Nhà mất đi một lao động, tiền chạy chữa, sinh hoạt trong nhà phải vay mượn khắp nơi… song vợ chồng anh Thọ vẫn vui vẻ, chăm sóc, đỡ đần cho người em mình.

Gần 20 năm nay, trong nhà chỉ còn ba lao động chính, phải làm cật lực để có tiền điều trị cho anh Thắng và nuôi bốn đứa con. Anh Thọ bùi ngùi: “Chú nó bệnh, tôi không chăm sóc thì ai lo. Mà chăm sóc người bị bệnh tim khổ lắm. Chú nó hay xỉu bất ngờ, phải có người ẵm bồng chứ… những chuyện này phụ nữ làm sao nổi”. Cứ cách vài tháng, anh Thọ bỏ hết công việc đưa anh Thắng lên TP.HCM điều trị. Mỗi sáng, anh phải thức dậy lúc 4 giờ để xếp hàng lấy số khám bệnh cho em. Mọi thu nhập kiếm được đều đổ vào chi phí điều trị cho anh Thắng. “Mỗi lần đi tốn gần 2 triệu đồng. Nhưng phải gắng thôi. Nó sống được đến chừng này đã là kỳ tích rồi. Đến đâu hay đến đó” - anh Thọ trầm ngâm.

“Sóng trước vỗ sao, sóng sau sao vậy”

Đến năm 2000, nhờ tiền đền bù giải tỏa đất, hai chị vợ mở một quán ăn nhỏ tại chợ Long Hải. Người này đỡ đần người kia, 27 năm hai chị em dâu chưa bao giờ nói nặng với nhau một lời.

Có lẽ vì vậy mà bốn đứa con cũng coi nhau như cùng một mẹ sinh ra. Cháu Phan Thị Nhung - con anh Thọ không may bị đục thủy tinh thể từ khi còn nhỏ, mắt chỉ thấy lờ mờ. Mọi sinh hoạt đều khó khăn, nhất là chuyện học hành. Nhung nghe thầy cô giảng, tự học Toán, Lý, Hóa được nhưng những môn phải học thuộc lòng như tiếng Anh, Sử, Địa... thì Nhung phải mượn vở về nhà cho Phúc, Thảo (con anh Thắng) chép lại bằng chữ to. Vừa học bài của mình rồi lại phải viết bài cho chị, xem như thời gian làm bài tập ở nhà gấp đôi người khác. Những ngày thi, Phúc và Thảo không dám đi đâu, phải ở nhà… ngủ, để dành sức vừa để học thi, vừa để chép bài cho chị. Cứ thế kéo dài từ cấp 1 đến cấp 3, cả ba chị em luôn quấn quýt bên nhau cùng học, cùng giúp đỡ...

"Mấy đứa nhỏ nhà đó ngoan lắm, đi học, đi chơi lúc nào cũng có nhau. Ngày nào cũng thấy mấy đứa em dắt con chị đi học. Con chú con bác mà cư xử giống như ruột thịt thiệt là hiếm. Đứa nào cũng học khá giỏi" - chị Phạm Thị Thủy, nhà ở lô 6, khu phố Hải Trung.

"Cứ ai nhờ việc gì thì mấy ảnh sẵn sàng giúp liền, mà tình cảm anh em trong gia đình đó thật hiếm có" - anh Đặng Thanh Lâm, một người dân ở khu phố Hải Trung, thị trấn Long Hải.

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm