Cướp nhiều nơi, có nên nhập vụ án?

Theo các chuyên gia, nên nhập thành một vụ án chung và để một địa phương giải quyết.

Vì muốn có tiền tiêu xài, Võ Văn Phụng và em ruột là Võ Huy Hoàng (cùng ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) rủ nhau dùng dao đi cướp tài sản. Từ tháng 10 đến tháng 11-2013, hai anh em Phụng và Hoàng gây ra sáu vụ cướp xe máy và tài sản (hai vụ tại quận Ô Môn, ba vụ ở quận Ninh Kiều, một vụ ở huyện Phong Điền).

Cướp ở đâu, khởi tố ở đó

Phụng và Hoàng bán các xe máy cướp được cho Nguyễn Văn Lem ở huyện Phong Điền. Dù biết đây là tài sản do Phụng và Hoàng phạm tội mà có nhưng Lem vẫn mua, sau đó rã xe ra lấy phụ tùng đem bán để thu lợi bất chính.

Ngày 8-11-2013, Hoàng bị Công an quận Ô Môn bắt về hành vi cướp tài sản. Một ngày sau, đến lượt Phụng bị Công an quận Ninh Kiều bắt cũng về hành vi cướp tài sản. Tiếp đó, Lem bị Công an quận Ninh Kiều bắt về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Sau đó, ba người này lần lượt bị khởi tố về các tội danh trên.

Quá trình điều tra, Phụng, Hoàng và Lem đều thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Đến nay, VKS hai quận Ô Môn và Ninh Kiều đã ra cáo trạng, chuyển hồ sơ vụ án sang tòa cùng cấp để xét xử. Riêng vụ cướp ở huyện Phong Điền, cơ quan điều tra công an huyện này đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS huyện.

Ngày 25-4, TAND quận Ninh Kiều mở phiên xử ba vụ cướp mà Phụng và Hoàng gây ra tại quận này nhưng phải hoãn xử do luật sư của bị cáo có đơn kiến nghị gửi chánh án TAND TP Cần Thơ, đề đạt yêu cầu giải quyết xung đột về thẩm quyền xét xử của các tòa theo Điều 175 BLTTHS.

Riêng với hai vụ cướp mà Phụng và Hoàng gây ra tại quận Ô Môn, đến nay TAND quận này chưa mở phiên xử. Với vụ cướp ở huyện Phong Điền, VKS huyện này chưa ra cáo trạng truy tố.

Nên nhập vụ án?

Các tình tiết trên cho thấy Phụng và Hoàng đều chỉ có một loại hành vi phạm tội (cướp tài sản) nhưng gây án ở ba quận/huyện khác nhau tại TP Cần Thơ. Tương tự, Lem cũng chỉ có một loại hành vi phạm tội là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Vấn đề pháp lý đặt ra là có nên nhập các vụ cướp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có này thành một vụ án chung và để cơ quan tố tụng của một trong ba địa phương (quận Ô Môn, quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền) đứng ra giải quyết, thay vì mỗi nơi tự xử lý độc lập? Bởi lẽ hệ quả pháp lý của việc nhập hay không nhập vụ án rất khác nhau: Nếu nhập vụ án, các bị can sẽ chỉ bị xét xử sơ thẩm ở một tòa. Vì gây ra nhiều vụ cướp, nhiều vụ tiêu thụ nên các bị can sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần. Tuy nhiên, mức án cao nhất đối với họ sẽ không vượt qua khung hình phạt mà tòa áp dụng. Trong khi đó, nếu không nhập vụ án, các bị can sẽ bị xét xử sơ thẩm đến ba lần ở ba tòa khác nhau và mức tổng hợp hình phạt đối với họ sau ba lần xử này có thể sẽ nặng hơn rất nhiều.

Theo luật sư Đoàn Công Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang), khi các bị can thực hiện hành vi phạm tội ở nhiều nơi khác nhau thì thông thường cách thức xử lý sẽ được chia ra hai trường hợp: Nếu bị can, bị cáo bị xử lý hình sự về một tội nhưng sau đó phát hiện ra tội phạm mới thì phải xử lý bằng những vụ án độc lập. Bản án cuối cùng sẽ tổng hợp hình phạt của các bản án trước. Ngược lại, dù hành vi diễn ra ở nhiều nơi nhưng cùng bị phát hiện thì chỉ một nơi xử lý hình sự và người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo tình tiết tăng nặng định khung phạm tội nhiều lần.

Trở lại vụ việc trên, luật sư Thiện cho rằng các cơ quan tố tụng không thể tách ra làm ba nơi để truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can độc lập với nhau được. Thứ nhất, việc tách ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các bị can, không phù hợp nguyên tắc xử lý có lợi cho họ. Thứ hai, nếu xử riêng rẽ sẽ rất khó tổng hợp hình phạt đối với các bị can. Bởi họ có quyền kháng cáo, VKS có quyền kháng nghị. Như vậy, tòa nào sẽ làm công việc tổng hợp mức án khi không thể xác định được bản án nào sẽ có hiệu lực pháp luật trước?

G.TUỆ - H.TÚ

 

Lỗ hổng của luật

Theo khoản 1 Điều 117 BLTTHS, Cơ quan CSĐT “có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm”. Tuy nhiên, luật lại không quy định cụ thể rằng bị can phạm tội nhiều lần thì có thể tách hay nhập vụ án hay không. Chính vì vậy nên trong thực tiễn áp dụng pháp luật, nhận thức về việc này của các cơ quan tố tụng cũng có sự không thống nhất, có nơi nhập, có nơi không. Nhiều trường hợp vụ án đúng ra cần nhập thì cơ quan tố tụng lại tách để xử lý khiến quyền lợi của bị cáo bị ảnh hưởng.

Đây là một lỗ hổng của pháp luật TTHS. Theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất về vấn đề này theo hướng có lợi cho bị cáo là nhập vụ án nếu bị cáo thực hiện cùng một hành vi phạm tội ở nhiều nơi.

TS Võ Thị Kim Oanh (Trưởng khoa Luật hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm