TRANH GIÀNH ẢNH HƯỞNG Ở BIỂN ĐÔNG BÀI 2:

Cuộc tranh giành địa vị siêu cường

“Năng lượng và cá không phải là nguyên nhân duy nhất trong tranh chấp. Biển Đông đang đi dần vào cuộc cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc với Hoa Kỳ, cùng với việc Trung Quốc tăng cường hải quân và phát triển sức mạnh trên biển” - đó là nhận định của tác giả Leszek Buszynski, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, thuộc ĐH Quốc gia Úc trên tờ Washington Quarterly số mùa xuân 2012. Pháp Luật TP.HCM giới thiệu và lược thuật phần tiếp theo trong bài viết này.

Về những tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN trên biển Đông, theo Leszek Buszynski, ASEAN cho rằng yêu sách quá đáng của Trung Quốc - đòi toàn bộ biển - có thể đàm phán được, họ nghĩ Trung Quốc sẽ chịu ngồi xuống để ký kết một điều ước khu vực, theo đó các yêu sách về chủ quyền sẽ được điều chỉnh, tài nguyên dầu khí cũng như cá sẽ cùng được chia sẻ. Trên lý thuyết đó, ASEAN đưa Trung Quốc vào các cuộc đối thoại định kỳ. ASEAN thường xuyên thận trọng để tránh khiêu khích Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào, họ nghĩ Trung Quốc sẽ đáp lại như thế.

Kiểm soát biển Đông để cạnh tranh với Mỹ

Tuy nhiên, “giá như vấn đề chỉ liên quan tới các yêu sách mâu thuẫn nhau trong lĩnh vực năng lượng và nghề cá không thôi thì một hiệp định cụ thể hóa các quy tắc trao đổi và xử lý tranh chấp (hoặc có thể gọi là một quy chế về hàng hải) sẽ có thể được ký kết theo cách mà các nhà hoạch định chính sách của ASEAN đã suy luận”. Trên thực tế, tranh chấp biển Đông chưa bao giờ dễ giải quyết. Thế giới từng có những mâu thuẫn từng được giải quyết thông qua cơ chế hợp tác chung hoặc một thỏa thuận “tất cả vì hòa bình” nào đó. Chẳng hạn, cuộc chiến giành chủ quyền ở Nam Cực đã tạm yên từ năm 1959 nhờ Công ước quốc tế về Nam Cực, quy định đóng băng toàn bộ tranh chấp, các nước chỉ tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học vì hòa bình ở đây. Tuy vậy, không trường hợp nào phức tạp như tranh chấp biển Đông và tác giả Buszynski cũng công nhận như vậy.

Ông giải thích: “Cạnh tranh chiến lược với Mỹ khiến Trung Quốc không đáp lại mong muốn của ASEAN”. Có thể khái quát rằng theo tác giả, để cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc đã đẩy mạnh công cuộc phát triển hải quân, gia tăng sức mạnh trên biển. Song vấn đề là muốn làm được như thế, họ nhất thiết phải kiểm soát được biển Đông. Đến đây, ông dành một phần bài viết điểm lại chiến lược hải quân của Trung Quốc.

Cuộc tranh giành địa vị siêu cường ảnh 1

Tăng cường hải quân

“Chiến lược hải quân của Trung Quốc có ba nhiệm vụ mang tính chất hướng dẫn sự phát triển năng lực hải quân.

- Thứ nhất là ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập, ngăn Mỹ triển khai hải quân để ủng hộ Đài Loan…

- Thứ hai là bảo vệ các tuyến giao thương và nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, nơi 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua...

- Thứ ba là nâng cao khả năng phản công hạt nhân trong khu vực tây Thái Bình Dương…

Để thực hiện ba nhiệm vụ trên, trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã phát triển bốn lớp tàu ngầm mới và sáu lớp tàu khu trục mới. Họ đặt mục tiêu phát triển hải quân viễn dương và như Tư lệnh, Đô đốc Vũ Thắng Lợi tuyên bố vào tháng 4-2009, Trung Quốc sẽ thiết lập một “hệ thống phòng thủ trên biển” để bảo vệ “an ninh hàng hải và công cuộc phát triển kinh tế”. Hải quân viễn dương cần phải có tàu sân bay và thế là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - Thi Lang - thiết kế lại tàu sân bay Varyag trọng tải 32.000 tấn của Xô Viết - đã được đưa vào thử nghiệm trên biển từ ngày 10 đến 14-8-2011.

Về vũ khí hạt nhân, Trung Quốc có bốn tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (xin gọi tắt là tên lửa). Tên lửa đầu tiên của Trung Quốc là chiếc Xia hiện giờ đã lạc hậu, được thiết kế năm 1981 và mang được 12 tên lửa đạn đạo JL-1 (SLBM) với tầm bắn 2.700 km, không đủ để tấn công lục địa Hoa Kỳ. Năm 2004, hai tên lửa lớp Jin hiện đại hơn đã được triển khai... Dự kiến trong những năm tới Trung Quốc sẽ phát triển ít nhất năm tàu lớp Jin nữa.

Trung Quốc cần nơi trú ẩn cho hải quân để ngăn ngừa các cuộc tấn công trên biển và trên không. Tàu sân bay và tên lửa cũng cần phải có biển rộng để hoạt động; nếu không, trong một khu vực bị giới hạn thì chúng trở thành gần như vô dụng. Chỉ có vài nơi dọc bờ biển Trung Quốc là có thể làm nơi trú ẩn cho hải quân của họ, ở đó có thể tổ chức hoạt động phòng thủ và cũng có thể tiếp cận với biển rộng. Một nơi là ở Hoàng Hải (Biển Vàng), có một căn cứ tàu ngầm ở Xiaopingdao, gần Đại Liên. Một nơi khác là đảo Hải Nam và khu vực biển nửa khép kín ở phía bắc biển Đông... Bất kỳ vị trí nào khác xa hơn về phía bắc đều rất dễ bị Mỹ đánh phá từ biển xa vào.

Vì lý do đó, Trung Quốc đã và đang xây dựng căn cứ ngầm ở Sanya trên đảo Hải Nam, nơi sẽ chứa cả tên lửa lẫn tàu sân bay và các tàu hộ tống… Trung Quốc cho rằng khi Hải Nam xây dựng xong căn cứ hải quân thì quần đảo Hoàng Sa ở phía nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hàng không và đường biển cho Hải Nam. Điều đó giải thích vì sao Bắc Kinh rất nhạy cảm với các tàu khảo sát của Mỹ và tại sao năm tàu hải quân Trung Quốc đã đụng độ với tàu Impeccable của Mỹ khi Impeccable đi vào vùng biển 121 km tính từ đảo Hải Nam vào ngày 9-3-2009.

Bảo vệ Hải Nam là một chuyện, bảo vệ đường đi của tàu sân bay và tên lửa ra biển lớn là một chuyện khác. Vì việc này, Trung Quốc cần phải tuần tra xung quanh quần đảo Trường Sa hoặc ít nhất họ cũng cần ngăn chặn các cường quốc bên ngoài can thiệp vào những hoạt động của hải quân Trung Quốc trong một khu vực sẽ mở rộng tới tận eo Malacca. Năm 2009, nguyên Phó Tổng Tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tướng Trương Lý, đã kêu gọi xây một sân bay và một cảng biển tại bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef) trong khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, mà hiện giờ do Trung Quốc chiếm. Ý định của họ là thực hiện các cuộc tuần tra trên không tại khu vực để yểm trợ các tàu cá Trung Quốc và để thể hiện chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

Cuộc tranh giành địa vị siêu cường ảnh 2

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên là Thi Lang được “tái chế” từ tàu sân bay của Xô Viết.

Dự báo tương lai tranh chấp

Sau đây là một số nhận định của tác giả Leszek Buszynski:

Trong một diễn văn trước Ban Thư ký ASEAN vào ngày 22-1-2010, Quốc vụ khanh Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tuyên bố Trung Quốc không định làm bá quyền, không muốn “tống cổ Mỹ khỏi châu Á” và “vấn đề biển Đông sẽ dành cho các thế hệ tương lai giải quyết”. Mặc dù vậy, có những quan điểm cho rằng trong khi vẫn nói là “để thế hệ sau giải quyết”, từ giờ tới lúc đó, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục lấn dần biển Đông theo chính sách “tằm ăn rỗi”.

“Việc chính quyền Hồ Cẩm Đào tìm cách làm giảm căng thẳng quả thật được rất nhiều người hoan nghênh nhưng đã qua rồi cái thời Mao Trạch Đông hoặc Chu Ân Lai có thể kiểm soát chính sách của Trung Quốc chỉ đơn giản bằng các nghị định. Việc hoạch định chính sách ở Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn nhiều, vì quyền lực phân tán hơn và ít chấp nhận can thiệp trực tiếp từ bên trên hơn. Trung Quốc có thể tuyên bố hữu nghị với thế giới bên ngoài nhưng năng lực hải quân của họ vẫn tiếp tục mở rộng ra theo những kế hoạch dài hạn (hàng thập niên). (…) Áp lực đè lên các nước ASEAN ở biển Đông sẽ dâng cao và cạnh tranh với Mỹ sẽ ngày càng quyết liệt”.

Tác giả cho rằng trường hợp xấu nhất là Trung Quốc rơi vào con đường đối đầu với Mỹ và cả khu vực. “Quả thật, có nguy cơ là một quân đội nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa sẽ thách thức quyền lãnh đạo của đảng trong quá trình chuyển giao từ chính quyền Hồ Cẩm Đào (mùa hè năm nay) và đưa đến một lập trường cứng rắn hơn trong các vấn đề như biển Đông”.

Tuy nhiên, “kịch bản bi quan này không nhất thiết là chắc chắn sẽ xảy ra, bởi lẽ giới lãnh đạo chính trị ở Trung Quốc là những người theo chủ nghĩa Nhà nước can thiệp rất mạnh và chắc chắn họ sẽ ra tay ngăn ngừa kết cục đó. Nếu giới lãnh đạo kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, nếu họ kiềm chế được nhu cầu phải độc quyền kiểm soát toàn bộ khu vực, nếu họ duy trì được tự do hàng hải cho các nước khác cũng như cho mình và nếu lãnh đạo mới thực hiện được lời đảm bảo của Đới Bỉnh Quốc rằng vấn đề biển Đông quả thật sẽ được để lại cho các thế hệ sau giải quyết thì Bắc Kinh có thể khiến cho việc họ phát triển hải quân Trung Quốc trở thành một việc khả dĩ chấp nhận được đối với khu vực. Theo cách đó, Trung Quốc cũng sẽ tránh được đối đầu trực tiếp với Mỹ”.

ĐOAN TRANG lược thuật

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm