THỦ LĨNH TƯ CHU VÀ BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN - BÀI 3

Cuộc giải cứu con tin

Sự kiện tết Mậu Thân 1968 là một ký ức đặc biệt trong cuộc đời hoạt động của Đại tá Nguyễn Đức Hùng, tức thủ lĩnh Tư Chu của lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định F100. Không chỉ vì ở đó có đến 80% lực lượng biệt động tinh nhuệ của ông đã vĩnh viễn ra đi không trở về mà còn bởi một lý do riêng tư: Sinh mạng của hai con trai ông (đứa lớn lên bảy, đứa nhỏ lên năm) được địch đem ra “mặc cả”.

Cả nhà tham gia chiến dịch

Vào thời điểm xảy ra sự kiện Mậu Thân 1968, gia đình nhỏ của ông trùm biệt động Tư Chu có đến ba thành viên tham gia chiến dịch.

Bà Đoàn Thị Nhỏ, vợ ông Tư Chu - nữ giao liên biệt động, có một kỷ niệm không thể nào quên trong chuyến đưa đón cán bộ biệt động vào thành năm ấy. Bà kể lúc đó bà đang hoạt động trong nội thành thì nhận được lệnh của chỉ huy Tư Tăng phải tức tốc về Trảng Bàng để nhận nhiệm vụ đặc biệt. Vị chỉ huy này giao cho bà nhiệm vụ hướng dẫn đội biệt động vào ém quân trước giờ đánh Bộ Tư lệnh hải quân Sài Gòn. Đứa con nhỏ của bà khi đó mới hai tuổi, cũng theo bà tham gia chuyến giao liên đặc biệt này.

Nhờ sinh hoạt tư tưởng và trao đổi thông tin trước với các chiến sĩ tham gia chiến dịch nên đoàn của bà đã xâm nhập nội thành an toàn. Thế nhưng khi đến địa điểm tập kết tại nhà một cơ sở trên đường Ba Tháng Hai ngày nay lại xảy ra một sự cố bất ngờ. Gia đình cơ sở thấy lực lượng đông nên hoảng sợ. Từ sự nhạy bén của một người giao liên dày dạn, bà cho rằng trong tình hình như thế, nếu tiếp tục ém quân tại gia đình cơ sở này theo phương án một thì nguy cơ bị lộ sẽ rất cao, sẽ hỏng việc lớn.

Cuộc giải cứu con tin ảnh 1

Cuộc hội ngộ giữa “ông trùm biệt động” Tư Chu và nhà báo Mỹ Don Luce. Ảnh: Đạo diễn PHONG LAN

Bà lập tức chuyển sang phương án hai: Di chuyển đội đến khu vực Bà Chiểu. Bà dặn dò các chiến sĩ trong lúc chờ đợi cần hòa nhập vào cuộc vui ngày tết của người dân thành phố để tránh bị lộ. Còn bà bế đứa con trai hai tuổi đi tìm nhà cơ sở - chị Mười - để tập kết quân.

Nhưng bà Nhỏ không biết nhà chị Mười ở đâu, phải đảo qua đảo lại nhiều lần mới tìm đến được đúng địa chỉ. Sau đó, bà trở lại nơi các chiến sĩ đang chờ và tìm cách đưa họ về đến địa điểm tập kết quân an toàn. Bà bảo thương nhất là chị Mười đang bụng mang dạ chửa nhưng lại can đảm lạ thường, dám chứa chấp cả một đội quân cảm tử trong nhà mà không hề cảm thấy lo sợ, băn khoăn.

Còn ông trùm Tư Chu, ở cương vị Phó Tư lệnh Phân khu 6 kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động, luôn trực chiến ở sở chỉ huy đặt tại quán phở Bình, ngay trung tâm thành phố để chỉ huy chiến đấu trong nội đô.

Tin sét đánh

Bà Nguyễn Thị Nhỏ, vợ ông Tư Chu, vẫn còn nhớ như in câu chuyện của năm ấy. Bà bảo chuẩn bị cho đợt hai Mậu Thân, bà được lệnh phải ra chiến khu hoạt động. Lúc đó hai đứa con bà hãy còn nhỏ dại, không thể dẫn theo ra chiến khu. Chồng bà thì đang bận việc quân gấp rút. Bà đành rứt ruột gửi lại hai đứa con ở hai gia đình cơ sở trong nội đô.

Thật không may, một cán bộ bị bắt, vì không thể chịu được nhục hình tra tấn nên đã khai ra địa chỉ các con bà. Địch bắt cả hai đứa, và vì chúng biết đây là con của ông trùm biệt động Tư Chu nên chúng đã lên kế hoạch để chiêu hồi hai vợ chồng ông.

Ngày nghe tin đồng chí Tư Ánh (tức ông Trần Bạch Đằng) báo lại, bà Nhỏ lúc đó đang ở Hố Bò Tây. Bà chết điếng người. Còn với ông Tư Chu, khi được hỏi về cảm xúc lúc nghe tin hai đứa con mình bị bắt, ông bảo mình lo sợ rằng địch sẽ lấy con ông để làm cớ chiêu hàng. Mà ông thì không thể ra hàng được.

Ông đã nghĩ đến ba khả năng: “Một, nếu không đầu hàng thì nó giết mấy thằng nhỏ. Hai, nó biết vai trò của tôi trong Mậu Thân nên ít nhiều nó sẽ dùng chuyện này làm cái cớ để hạn chế cái chuyện đánh vào thành phố. Ba, nếu hai việc ấy mà không thành thì chúng sẽ giam hai đứa nhỏ và gài bẫy mình. Nếu mình nhớ con, cho người tới liên lạc thì nó sẽ bắt”.

Thời điểm đó, tổ chức đã đưa ra kế hoạch để giải thoát cho hai đứa con của ông Tư Chu. Theo ý kiến của ông Trần Bạch Đằng, phía ta sẽ bắt một tên lính Mỹ và dùng đó như là một điều kiện để trao đổi. Thế nhưng kế hoạch này cuối cùng không thành. Nước cờ tiếp theo mà lãnh đạo Thành ủy Sài Gòn-Gia Định lựa chọn là tiếp cận với một nhà báo Mỹ để qua đó, nhờ nhà báo này tạo dư luận buộc chính quyền Sài Gòn phải trả tự do cho hai đứa trẻ. Và người được lựa chọn là Don Luce - cựu phóng viên tờ Washington Post.

Cuộc giải cứu con tin ảnh 2

Nhà báo Don Luce và hai “con tin” ngày xưa. Ảnh: Đạo diễn PHONG LAN

Cuộc hội ngộ sau 40 năm

Vào thời điểm 1968, Don Luce là một nhà báo trẻ của một tổ chức tôn giáo chí nguyện. Ông tốt nghiệp Trường ĐH Cornell ngành canh nông và đến Việt Nam hoạt động từ tháng 11-1958. Chính từ những thiện cảm dành cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã được thể hiện qua những bài báo mà ông trở thành nhân vật đáng tin cậy được lựa chọn để giải cứu hai đứa con ông trùm biệt động Tư Chu.

Và Don Luce đã không phụ lòng tin của những người đã lựa chọn ông cho sứ mạng này, khi ông đã làm rúng động dư luận thế giới bằng những hình ảnh chân thực nhất, với trang bìa cuốn sách Những con tin của chiến tranh - những người tù chính trị của chế độ Sài Gòn. Người tù đó là Nguyễn Lê Minh, con trai lớn của ông Tư Chu, khi ấy mới bảy tuổi!

Kết quả, chính quyền Sài Gòn đã buộc phải trao trả tự do cho hai người tù nhỏ tuổi, con trai của ông Tư Chu, trước sức ép của dư luận trong và ngoài nước.

Không lâu sau đó, Don Luce đã trở thành người bạn lớn của nhiều cựu tù Côn Đảo, khi ông cùng với John Helmil làm đồng tác giả của loạt phóng sự điều tra Tố cáo chuồng cọp Côn Đảo, đăng trên báo Tin Sáng Sài Gòn và tạp chí Time ngày 2-7-1970, đem ra ánh sáng những tội ác man rợ nhất, khiến cả thế giới biết đến chốn “địa ngục trần gian”.

35 năm sau, vào năm 2005, Don Luce mới có dịp trở lại Việt Nam, mảnh đất mà ông buộc phải rời khỏi từ năm 1971.

Lần trở lại Việt Nam vào năm 2008, tác giả bài viết này được đi cùng ông Don Luce để quay lại hình ảnh cuộc gặp gỡ lịch sử: Don Luce đến thăm lại hai “con tin” chiến tranh mà ông từng cứu thoát 40 năm về trước.

Trong căn nhà của mình ở phường Thảo Điền, quận 2 (TP.HCM), lần đầu tiên vợ chồng ông Tư Chu được giáp mặt vị ân nhân người Mỹ năm nào. Bà Đoàn Thị Nhỏ xúc động, chia sẻ: “Tôi nghĩ dân tộc nào cũng có người tốt người xấu. Bên Mỹ là lãnh đạo Mỹ đi xâm lược nhưng người dân Mỹ thì họ vẫn yêu hòa bình, phản đối chiến tranh do Mỹ gây ra. Tôi nghĩ ông Mỹ này cũng vậy thôi. Ông là người tốt. Tôi cảm ơn lòng tốt của ông đã giúp đỡ gia đình tôi”. Còn với ông Tư Chu, ông cũng chỉ biết nói lời cảm ơn muộn màng với Don Luce, vì “một tình nghĩa như vậy thì lớn lắm”.

Riêng Don Luce, ông đã rất ngạc nhiên khi gặp lại hai đứa trẻ ngày nào giờ đã là hai người đàn ông xấp xỉ ngũ tuần. Ông chia sẻ: “Thật là tuyệt vời khi được gặp lại những đứa trẻ mà đáng lẽ ra chúng đã bị giết hoặc bị giam cầm khi chúng chỉ có năm và bảy tuổi. Tôi rất bất ngờ vì trong tâm tưởng vẫn cứ nghĩ rằng anh chàng thanh niên này vẫn còn là một cậu bé. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng vào thời điểm năm 1968, ở miền Nam Việt Nam, đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp về những đứa trẻ bị mất tích…”.

Nỗ lực và tinh thần quốc tế của nhà báo Mỹ Don Luce ngày nào là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chiến tranh tăm tối của nước Mỹ tại Việt Nam. Và nó cũng là một trong những điểm khởi đầu để khép lại một quá khứ đau thương giữa hai dân tộc. Nhưng khép lại không có nghĩa là chúng ta lãng quên quá khứ.

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Kỳ cuối: Không được phép lãng quên

Khép lại quá khứ đau thương không có nghĩa là chúng ta lãng quên quá khứ, nhất là đối với những người từng góp máu xương mình cho hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Ấy thế nhưng với lực lượng biệt động Sài Gòn, dường như câu chuyện nghĩa tình sau chiến tranh vẫn chưa được trọn vẹn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm