Công an xã, phường được điều tra ban đầu?

Một điểm mới gây nhiều tranh cãi trong dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Ngành công an ủng hộ

Cụ thể, khoản 2 Điều 25 dự thảo quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an có các quyền sau: Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập hồ sơ, tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu, phân loại và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm xác định có dấu hiệu tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho CQĐT có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày. Trường hợp tự phát hiện bắt giữ hoặc tiếp nhận người phạm tội quả tang thì tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, khám người, vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường, lấy lời khai… Nếu tiếp nhận người phạm tội do người dân giải đến thì lập biên bản vụ việc và giải người phạm tội lên cơ quan công an cấp trên. Trường hợp sau khi nhận được tố giác, tin báo về hành vi phạm tội đang diễn ra trên địa bàn thì kịp thời đến ngay hiện trường, cần thiết thì vô hiệu hóa hành vi phạm tội. Khi đến hiện trường, người phạm tội bỏ trốn thì tiến hành ngay việc truy xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng…

Ông Trương Quốc Hưng (Vụ Pháp chế - Bộ Công an) nhận xét: “Khi xảy ra tội phạm, công an xã, phường… là nơi gần dân nhất, sát dân nhất nên giao cho họ một số nhiệm vụ điều tra cơ bản trên là điều nên làm”.

Nhiều chuyên gia còn e ngại giao nhiệm vụ điều tra ban đầu cho công an xã, phường… khi CQĐT chưa tiếp cận. Ảnh: Văn Bình

Đồng tình, Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành (Giám đốc Công an TP.HCM) cho rằng việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã, phường… nhằm kịp thời xử lý, ngăn chặn tội phạm, bắt giữ người phạm tội, không để người phạm tội lẩn trốn, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. “Công an xã, phường… chỉ được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giản đơn trong một phạm vi hẹp, với những tội phạm có liên quan đến lĩnh vực quản lý trong thời gian nhất định, sau đó phải chuyển cho CQĐT có thẩm quyền thụ lý. Hoạt động điều tra của các cơ quan này chủ yếu mang tính chất hỗ trợ cho hoạt động điều tra của CQĐT chuyên trách, chịu trách nhiệm phối hợp và phân công của CQĐT” - ông Thành nói.

Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó Giám đốc Công an TP.HCM) cũng khẳng định: “Mục đích của chế định này là giải quyết việc CQĐT không kịp thời có mặt tiếp cận vụ việc, trong khi tội phạm bắt đầu xảy ra thì phải tiến hành ngay các biện pháp nghiệp vụ điều tra ban đầu. Công an xã, phường… chỉ thực hiện các biện pháp điều tra ban đầu khi CQĐT chưa tiếp cận, không thể tiến hành các biện pháp tố tụng được và sau này cũng không thể khắc phục được”.

Nhiều chuyên gia e ngại

Nếu như phía cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật cho rằng việc giao công an xã, phường… tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu là cần thiết thì các đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp luật lại bày tỏ sự e ngại.

Ông Nguyễn Đình Quyền (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đặt vấn đề: “Khi giao việc xử lý thông tin về tố giác, tin báo tội phạm ban đầu cho công an xã, phường… thì cơ quan nào sẽ giám sát bởi giai đoạn này VKS chưa vào vì chưa phải là tố tụng. Hơn nữa việc xử lý tin báo này đồng thời liên quan đến quyền con người, đến chuyện bỏ lọt tội phạm hay làm oan. Vậy mà lại giao cho công an xã, phường… chưa có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cao thì có an toàn hay không?”. Từ đó, ông Quyền cho rằng vẫn nên giao hoạt động điều tra ban đầu cho CQĐT chuyên trách.

Ông Lê Minh Long (Phó Cục trưởng Cục Điều tra VKSND Tối cao) băn khoăn: “Có những vùng sâu, vùng xa, cán bộ xã, phường, thị trấn mới chỉ học hết cấp 2 thì giao cho họ một số hoạt động điều tra phải chăng sẽ rất nguy hiểm? Chưa kể thực tế có trường hợp cán bộ xã, phường vì chỉ tiêu thi đua mà không báo cáo đúng tình hình tội phạm xảy ra trên địa bàn”.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội) cũng nhận xét: Chức năng của công an xã, phường… là bảo vệ trật tự an toàn cho người dân trên địa bàn. Thực tế chức năng này đang bị buông lỏng khi mà an toàn, an ninh của người dân vẫn chưa được đảm bảo. Những khi có việc xảy ra, các cơ quan này có mặt rất chậm trễ dù người dân đã báo tin kịp thời hoặc khoảng cách địa lý chẳng xa bao nhiêu. Như vậy, nhiệm vụ hiện tại họ còn chưa làm tròn trách nhiệm, nay lại giao thêm chức năng mới thì bảo họ làm cho tốt là rất khó.

“Hiện nay khi nhận tin báo tố giác tội phạm, lẽ ra xã, phường trong thời hạn bao lâu đó phải ra quyết định xử lý hoặc chuyển cho CQĐT chuyên trách nhưng có những vụ tôi biết các cơ quan này ngâm vài ba tháng mà không chịu làm gì cả. Nay họ lại được giao thêm việc điều tra, bắt bớ, tạm giữ dưới phường… thì rất phức tạp, không chuyên nghiệp, có khi vướng thêm chuyện thông cung, bức cung” - ông Nghĩa thẳng thắn.

PHAN THƯƠNG

Dân ai tin?

Hiện chưa có nước nào trên thế giới lại đưa công an xã, phường… vào lực lượng điều tra. Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự điều chỉnh bộ máy hoạt động là CQĐT và điều tra viên. Nay lại mở rộng đưa thêm cán bộ công an xã, phường… vào đối tượng điều chỉnh, cho tham gia hoạt động tố tụng là khiên cưỡng, không phù hợp. Mục tiêu của dự luật là tinh gọn đầu mối song lại chia nhỏ như thế này thì đang làm phức tạp, tạo ra nhiều lỗ hổng hơn.

Phải nhìn vào thực tế khi tham gia hoạt động tố tụng, bản thân các điều tra viên có trình độ cử nhân luật, được đào tạo nghiệp vụ bài bản còn bị khiếu nại lên khiếu nại xuống, vậy nay giao việc điều tra cho cán bộ công an xã, phường… thì dân ai tin? Ngay từ ban đầu khi thành lập công an xã, phường, thị trấn đã xác định đây là lực lượng thuộc cơ chế quản lý hành chính, điều hành nội bộ trong ngành công an, chỉ có nhiệm vụ báo cáo cho cấp trên, được cấp trên điều động giữ nguyên hiện trường khi trên địa bàn có án xảy ra mà thôi.

Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM, Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm