Cổ tích tình yêu của một nạn nhân tai nạn giao thông

Ngày cuối năm định mệnh đó, khi mọi người, mọi nhà đang hạnh phúc bên mâm cơm gia đình cuối năm thì chị bị một gã say rượu tông vào. Chị lịm đi trên đường còn thủ phạm bỏ trốn. Tỉnh dậy chị thấy mình đang nằm trong BV Chợ Rẫy, phải thở bằng máy.

Các bác sĩ cho biết chị bị gãy chân tay, gãy chín xương sườn, dập phổi, có thể sẽ không qua khỏi. Bạn bè, đồng nghiệp đến thăm ai cũng lặng người, thương cho hoàn cảnh của chị. Họ khuyên chị lạc quan để điều trị và giúp chị chi trả viện phí.

Ngặt một nỗi chị phải một mình chiến đấu trong bệnh viện, chẳng có người chăm sóc. Sau hai tuần nhập viện, chị được chuyển từ phòng cấp cứu đến khoa Lồng ngực (BV Chợ Rẫy) để mổ phổi, chị ho rất nhiều. Một tuần sau chị được chuyển đến khoa Chấn thương chỉnh hình.

Nhìn những giường bên cạnh chồng chăm sóc vợ, vợ chăm sóc chồng, cha mẹ chị em chăm sóc lẫn nhau mà chị tủi thân. Những giọt nước mắt cứ thế rơi lặng lẽ. Lúc đó chị thèm lắm một người nào đó yêu thương, an ủi, động viên mình. Chị nhớ đến chồng cũ và ước giá như chị đừng đồng ý ly hôn thì hôm nay chị đã có anh ở bên cạnh, xoa dịu cơn đau cho mình. 

Đang nghĩ vu vơ, chị thiếp đi vì lúc sáng bác sĩ truyền nhiều kháng sinh vào người. Tiếng la hét của cô bé giường bên cạnh làm chị tỉnh giấc. Trong ánh mắt mơ màng, chị thấy bóng một người đàn ông đang chăm sóc cô bé với sự chu đáo, tỉ mỉ đến ngạc nhiên.

Cơn mệt một lần nữa làm chị thiếp đi. Tiếng ồn ã lại đánh thức chị. Người đàn ông kia vẫn còn ở đấy, chị bỗng nghe nước mắt rơi trên gối mình.

Người đàn ông, mà sau này chị biết tên là N. (Bình Phước), lúc đó đang chăm sóc cháu ruột nằm viện, đến cạnh giường chị ân cần hỏi: “Cô cần gì không, tôi có thể giúp”. Chị gật đầu mà chẳng suy nghĩ gì cả. Anh đỡ chị dậy, ái ngại nhìn cái chân gãy nát của chị.

“Chắc cô đau lắm phải không” - anh hỏi. Chị đáp: “Vâng, tôi đang rất đau vì những vết thương”. Anh chẳng nói gì cả, nhẹ nhàng đỡ chị dậy, lấy thuốc cho chị uống, gọt trái cây mời chị ăn.

Mấy hôm sau chị được xuất viện, anh chủ động xin số điện thoại liên lạc. Biết anh đang độc thân và bằng tuổi mình, chị đôi chút ngỡ ngàng.

Chân chị bị nhiễm trùng, phải nhập viện mổ lại. Bác sĩ nói chân chị bị gãy rất phức tạp và viêm xương nên phải điều trị một năm trong bệnh viện hoặc lâu hơn mà không chắc sẽ hồi phục.

Chị buồn não nề nghe từng lời của bác sĩ. Lấy tiền đâu để nằm viện? Ai sẽ nuôi con nhỏ và cha già? Chị lại khóc. Anh gọi, động viên chị hãy lạc quan và yên tâm điều trị. “Làm sao tôi có thể lạc quan được. Chân tôi đã mổ bốn lần mà không hết nhiễm trùng, chắc tôi sẽ phải cưa chân” - chị nức lên trong điện thoại khi nói chuyện với anh.

Anh lặn lội hơn 100 cây số từ Bình Phước vào bệnh viện thăm chị. Nắm lấy đôi bàn tay gầy yếu của chị, anh nói: “Anh rất thương em. Thương khi nghe mọi người trong phòng bệnh kể về hoàn cảnh của em. Hãy lạc quan để điều trị, anh sẽ ở bên cạnh động viên, chăm sóc cho em. Anh tin chân em sẽ lành lại rồi chúng ta sẽ hạnh phúc”.

Làm sao chị có thể tin được những lời anh nói khi mình đang bệnh tật, bao nỗi lo đang chờ phía trước? Làm sao chị có thể tin chuyện cổ tích về tình yêu giữa bộn bề lo toan nơi phố thị, nhất là trong hoàn cạnh chị đang đối diện với vết thương trải khắp người. Chị đuổi anh đi trong nước mắt.

Cha chị động viên con gái. Ba mẹ anh vào bệnh viên thăm chị. Điều đó đã tiếp thêm cho chị động lực và tin tưởng anh hơn.

Anh chăm sóc cho chị từng miếng ăn giấc ngủ rất chu đáo. “Đêm nào anh cũng ngồi lặng lẽ bóp chân cho tôi và an ủi mỗi khi tôi bi quan, chán nản”. Những người xung quanh ai cũng tưởng anh là chồng chị, bảo chị có phước. Chị bây giờ mới dám tin mình thật hạnh phúc.

Khi những vết thương ở chân chị dần bình phục, hai người đi đăng ký kết hôn. Chị nói từ tình yêu anh dành cho mình và câu chuyện không may xảy ra chị mới tin trên đời này vẫn còn rất nhiều người tốt, có tấm lòng nhân ái. Nhất định chị sẽ sống tốt, sẽ xây dựng một gia đình hạnh phúc bên anh. Chị cũng mong rằng câu chuyện của mình sẽ là thông điệp nhắn gửi tới tất cả mọi người, hãy tin rằng còn có rất nhiều người có tấm lòng nhân ái trong xã hội này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm