Chuyện người đàn ông trẻ một mình đẩy xe lăn đi tìm vợ già

Đó là câu chuyện vợ chồng anh Khiêm (38 tuổi ở Long Thành, Đồng Nai) và chị Ngà (57 tuổi ở Đức Linh, Bình Thuận). Câu chuyện của họ vừa vui, vừa hạnh phúc và cũng nhiều nước mắt.

Chị hơn anh gần 19 tuổi, có con cháu đề huề. Anh là trai tân, đôi bàn chân teo tóp do bị tai nạn giao thông, phải ngồi xe lăn suốt đời.

Chị Ngà là người phụ nữ góa bụa, có con cháu ở quê. Anh Khiêm, một thanh niên khỏe mạnh, từng có người yêu và sống rất hạnh phúc. Từ khi bị tai nạn giao thông, sức khỏe không còn như trước nữa, đôi chân teo tóp phải ngồi xe lăn thì cuộc đời anh đã bước sang trang khác, đầy buồn tủi và nước mắt.

Người yêu bỏ đi lấy chồng, mẹ mất, các anh chị ai cũng có gia đình riêng, anh phải tự lo cho mình. Một lần đến bệnh viện, thấy anh cứ lích kích đẩy xe đi khám bệnh rồi đẩy xe về, chị Ngà động lòng. Lúc đầu, chị xem anh như con cháu nên giúp đỡ. Những lần hai người ngồi tỉ tê về chuyện đời, chuyện mình và những buồn vui đã trải qua, chị thấy thương người đàn ông ấy dù chênh lệch tuổi tác giữa hai người quá lớn.

Anh Khiêm bên xe bánh bao của hai vợ chồng 

Anh thấy hạnh phúc hơn, yêu cuộc sống hơn từ lúc gặp chị. “Đã nhiều lúc, tôi muốn chết đi vì quá buồn tủi, cô đơn và tự ti. Thế nhưng từ khi gặp cô ấy tôi thấy niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn như được mở ra”.

Chị vui khi ở tuổi xế chiều lại có người để chăm sóc, bầu bạn. Hằng ngày chị chăm sóc anh, lo cho anh từng bữa ăn đến việc vệ sinh, ngủ nghỉ. Hạnh phúc biết bao mỗi khi trái gió trở trời, chân anh đau nhức, chị ngồi bên xoa bóp kể chuyện cho anh quên đi cơn đau.

Hạnh phúc chỉ đơn giản thế thôi nhưng ngày anh dẫn chị về ra mắt gia đình là ngày cả hai phải hứng chịu bao nhiêu sóng gió. Vừa thấy chị đầu ngõ, ai cũng nhìn bằng ánh mắt dè bỉu, giễu cợt, họ dùng những câu nói chua cay, châm chọc để nói về tình yêu của chị. Người ta còn hồ nghi chị đến với anh là có mưu đồ, lợi dụng để chiếm đoạt tài sản.

Nắm tay anh, chị nghĩ mình sẽ cùng chồng đi hết quãng đường còn lại. Anh cũng đồng lòng, luôn động viên, cố gắng đỡ đần vợ những việc trong nhà. Chị bị gia đình chồng hắt hủi, cha anh đuổi chị ra khỏi nhà, các anh chị em thì xem chị như ôsin trong nhà. Chị vẫn âm thầm chịu đựng. Hằng ngày chị nhẹ nhàng đút từng thìa cháo, từng ngụm nước cho cha chồng với mong muốn sự hiếu thảo của mình sẽ làm ông chấp nhận.

Ngay khi cha anh qua đời, các anh chị vứt hết quần áo, đuổi chị ra khỏi nhà. Chị buộc lòng phải rời khỏi ngôi nhà ấy dù biết rằng sẽ để lại anh với tâm trạng ngổn ngang.

Không liên lạc được với vợ, anh đi tìm chị khắp nơi. Một tháng, hai tháng rồi ba tháng. Hễ khỏe mạnh anh lại lăn xe đi tìm vợ. “Tôi gọi cô ấy trong vô vọng. Đi đến đâu ai cũng lắc đầu cả”.

Biết tin chị đang ở Bình Thuận, anh mừng rơn, một mình lăn xe ra tận nơi đón vợ về. Gặp anh, chị cảm động đến trào nước mắt. “Tôi đã nghĩ mình sẽ phải quên đi anh ấy và phải sống tốt bên con cháu. Nhưng khi nhìn anh ấy nước mắt tôi cứ trào ra. Có lẽ duyên phận đã định cho chúng tôi ở bên nhau”.

Chị theo anh về nhà, bỏ ngoài tai mọi lời dèm pha. Hiện tại, hai vợ chồng chị mở cái quán nhỏ. Hằng ngày anh phụ vợ bán nước, bán bánh bao cho khách. Chị đi lấy hàng, nấu bánh bao.

“Cứ trời sáng, cô ấy dọn hàng, tôi ngồi bán. Khách vắng, tôi đẩy xe đi dọn đồ phụ vợ. Có hôm tôi còn giành phần đi chợ, đi mua đồ ăn sáng của cô ấy nữa” -anh vui vẻ kể. Đang nói chuyện, có khách đến mua bánh bao, chị chưa kịp đứng dậy, anh lật đật lăn xe đi lấy bịch bỏ bánh vào cho khách. Khách đi, anh cười tươi: “Tôi bán được hai cái bà ơi”. Chị cười rạng rỡ nhìn chồng.

Cứ như thế, cuộc sống của họ trôi đi rất bình dị. Chỉ cần được sống với nhau, mỗi sáng thức dậy người này thấy người kia cười nói vui vẻ với mình là đã tròn hạnh phúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm